Thăng Long - Hà Nội, những chặng đường lịch sử

… Sau 215 năm cầm quyền, triều Lý lâm vào tình trạng suy yếu, không giữ được binh quyền. Năm 1226, nhà Trần thay thế nhà Lý chấm dứt tình trạng loạn ly, thiết lập lại trật tự chính trị - xã hội. Nhà Trần có nhiều chính sách thúc đẩy sự phát triển kinh tế, tăng cường sức mạnh quốc phòng. Nhìn tổng thể kiến trúc cung đình Thăng Long thời Trần không bề thế như thời Lý.
[links()]
(Tiếp theo kỳ trước)
Thăng Long thời Trần (1226-1400)

… Sau 215 năm cầm quyền, triều Lý lâm vào tình trạng suy yếu, không giữ được binh quyền. Năm 1226, nhà Trần thay thế nhà Lý chấm dứt tình trạng loạn ly, thiết lập lại trật tự chính trị - xã hội. Nhà Trần có nhiều chính sách thúc đẩy sự phát triển kinh tế, tăng cường sức mạnh quốc phòng. Nhìn tổng thể kiến trúc cung đình Thăng Long thời Trần không bề thế như thời Lý. Quy mô kinh thành Thăng Long cơ bản vẫn giữ ranh giới cũ. Năm 1230, nhà Trần sửa chữa thành Đại La và các cung thất, hoạch định lại các đơn vị hành chính; năm 1243 đắp lại Cấm Thành. Năm 1253 tu sửa lại Quốc Tử Giám, lập Viện Quốc học, Viện Quốc sử, Giảng Võ đường đào tạo nhiều văn quan, võ tướng tài năng. Nho học được coi trọng và phát triển, chế độ khoa cử được tổ chức chặt chẽ. Từ năm 1247, nhà Trần đặt thêm học vị Trạng nguyên, Thám hoa, Bảng nhãn (Tam khôi). Thăng Long thời Trần thu hút nhiều nhân tài từ các nơi về học tập. Khoa học quân sự thời Trần là yếu tố cấu thành văn hoá Đại Việt, tạo nên Hào khí Đông A.

“Con đường gốm sứ” - Công trình chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Ảnh: Internet

Kinh đô Thăng Long được quy hoạch lại thành 61 phường với số dân đông đúc hơn, tập trung trong khu vực dân sự, Thăng Long ngày càng rõ nét một thành thị với sự phát triển nhanh của phố, chợ, làng nghề thủ công. Nhà Trần có chính sách ngoại giao thông thoáng, nhiều khách buôn nước ngoài đã đến đây làm ăn, sinh sống hoặc cư trú chính trị, như người Hoa, người Hồi Hột, người Java... Kinh đô Thăng Long thời Trần là thành phố mở, hội tụ tinh hoa văn hoá của nhiều nước trên thế giới. Thời Lý và thời Trần nước Đại Việt nổi tiếng với 4 công trình nghệ thuật "An Nam tứ đại khí" làm bằng đồng: chuông Quy Điền, vạc Phổ Minh, tượng Quỳnh Lâm và đỉnh tháp Báo Thiên. Trong vòng 30 năm (1258-1288), đế chế Mông Cổ ba lần đem quân đánh chiếm Thăng Long. Quân dân ta đều chủ động, khôn khéo rút lui chiến lược khỏi kinh thành để bảo toàn lực lượng, sau đó bao vây, phản công quét sạch quân xâm lược. Thăng Long góp phần cùng nhân dân cả nước lập nên chiến công vĩ đại, ba lần đại thắng quân Nguyên - Mông. Nền văn minh Đại Việt, hào khí Thăng Long, hào khí Đông A toả sáng, Thăng Long xứng đáng là kinh đô anh hùng của đất nước anh hùng.

Thăng Long thời Lê, thời Mạc, Lê Trung Hưng  (1428-1788)

Nhà Trần trị vì được 175 năm thì lâm vào suy thoái. Hồ Quý Ly đại thần nhà Trần thâu tóm quyền lực. Năm 1397, Hồ Quý Ly cho xây dựng Tây Đô ở Thanh Hoá, đổi tên Thăng Long thành Đông Đô, buộc vua Trần dời triều đình vào Tây Đô. Trong 10 năm cuối triều Trần nước ta có hai Đô là Tây Đô và Đông Đô. Tây Đô có triều đình, có vị thế về chính trị nhưng Đông Đô (Thăng Long) vẫn là trung tâm kinh tế lớn nhất của đất nước. Năm 1400, Hồ Quý Ly truất ngôi Trần Thiếu Đế, lên làm vua. Nhà Hồ ở ngôi 7 năm thì phong kiến nhà Minh sang xâm lược, cha con Hồ Quý Ly bị giặc bắt đưa về Trung Quốc. Sau gần 500 năm giành độc lập, đến nhà Hồ, nước ta lại bị phong kiến phương Bắc đô hộ. Năm 1418, Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa. Sau chín năm kháng chiến, nghĩa quân Lam Sơn đã giải phóng được các vùng từ Nam đến Bắc. Năm 1426, ba đạo quân Lam Sơn tiến ra bao vây thành Đông Quan, chủ động "vừa đánh vừa đàm", "vây thành diệt viện", dập tắt mọi hy vọng của giặc Minh trong thành Đông Quan, buộc Vương Thông phải lên đàn thề từ bỏ dã tâm xâm lược và xin rút quân về nước. Ngày 29-4-1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế khôi phục quốc hiệu Đại Việt, định đô ở Đông Đô. Năm 1430, đổi tên là Đông Kinh. Thời Hậu Lê, kinh thành Thăng Long được quy hoạch và xây dựng theo quy cách đế đô của quốc gia quân chủ tập quyền. Kinh thành được mở rộng sang phía Đông. Trong Cấm Thành, một toà thành hình chữ  nhật xây gạch với cửa chính là Đoan Môn, nhà Lê xây dựng và bố trí lại nhiều cung điện, lầu gác, thâm nghiêm nhất là điện Kính Thiên xây dựng trên đỉnh núi Nùng. Ngoài Hoàng thành, nhiều kiến trúc mới xuất hiện. Kiến trúc kinh thành thời Lê đạt đến trình độ mực thước hài hoà. Khu dân sự tiếp tục phát triển và được quy hoạch lại gồm hai huyện Quảng Đức và Vĩnh Xương, mỗi huyện có 18 phường. Đông Kinh lúc này đã có những phố chợ buôn bán tấp nập, nhiều phường thủ công nổi tiếng, như: Nghi Tàm, Thuỵ Chương dệt vải; Yên Thái làm giấy; Hàng Đào nhuộm điều; tranh Hàng Trống...

Năm 1428, Lê Lợi cho lập nhà Quốc Tử Giám. Năm 1442, mở khoa thi Hội đầu tiên, long trọng tổ chức lễ xướng danh, treo bảng vàng, ban mũ áo cho người trúng tuyển, khuyến khích học hành. Nước Đại Việt dưới triều vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) đã đạt tới đỉnh cao của một quốc gia phong kiến độc lập. Tuy nhiên, những mâu thuẫn trong nội bộ triều Lê Sơ, từ đầu thế kỷ XVI, đã dẫn tới sự phế truất vua Lê của tập đoàn phong kiến Mạc Đăng Dung (1572). Năm 1588, nhà Mạc huy động dân đắp 3 lần luỹ đất để tăng cường hệ thống phòng thủ kinh thành. Nhưng chỉ sau 4 năm sau, dưới danh nghĩa phù Lê, họ Trịnh chiếm được kinh thành. Kinh đô chính thức trở lại tên gọi Thăng Long. Triều đình của vua Lê đóng trong Hoàng thành cũ. Phủ Chúa Trịnh được xây bên ngoài, gồm nhiều cung điện nguy nga, chạy dài theo bờ tây Hồ Gươm. Tuy có những biến động về chính trị, nhưng thời Lê, Mạc, Lê Trung Hưng, Thăng Long vẫn là một thành thị - thương cảng sầm uất nhất cả nước và vào loại lớn ở Châu Á. Bên cạnh các thương điếm của người Hoa, còn có cả những thương điếm của người Anh, Hà Lan, Đức. Khu vực dân cư trong kinh thành Thăng Long đông đúc hơn trước và có cả nhà hai tầng. Nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật, đặc biệt là về tôn giáo đã được xây dựng thêm...

(Còn nữa)
P.V
(Theo Đề cương tuyên truyền củaBan Tuyên giáo Trung ương)

Đọc thêm