Vào dịp tết nguyên đán Kỷ hợi 2019 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, hoạt động buôn bán hàng nhập lậu, gian lận thương mại và hàng giả tuy không nổi cộm nhưng vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, khó lường; hoạt động gian lận thương mại vẫn còn diễn ra trên nhiều lĩnh vực như: hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; gian lận về đo lường, chất lượng hàng hóa; hàng vi phạm quy định về nhãn hàng hóa, niêm yết giá, bán hàng không xuất hóa đơn,…Dự báo những tháng cuối năm 2018 và dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 nhu cầu sản xuất, tiêu dùng sẽ sôi động hơn, theo quy luật hàng năm, đây là thời điểm mức luân chuyển hàng hóa sẽ lớn hơn, giá cả hàng hoá trong nước có xu hướng gia tăng. Đặc biệt là những thiệt hại do lũ lụt gây ra làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân trên địa bàn. Bên cạnh đó các thủ đoạn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngày càng tinh vi và tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp với sự xuất hiện của nhiều phương thức, thủ đoạn mới.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 389 Quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng Cục QLTT, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, BCĐ 389 tỉnh Thanh Hóa, trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Cục QLTT Thanh Hóa đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, bảo đảm cân đối cung cầu, hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá cả, thị trường góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất phát triển, ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trong dịp tết nguyên đán năm nay.
Về công tác tuyên truyền Cục QLTT Thanh Hóa đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền cho phù hợp từng thời kỳ, thời điểm, tình hình thị trường và điều kiện đặc thù của từng địa phương, để mọi đối tượng có thể tiếp cận, ghi nhớ những nội dung cần chuyển tải, góp phần đảm bảo chiều rộng và chiều sâu của công tác tuyên truyền; thực hiện ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm; kiểm tra đối với những cơ sở kinh doanh đã ký cam kết và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp có hệ thống phân phối trên địa bàn toàn tỉnh, liên huyện tổ chức các kênh thông tin để chủ động nắm tình hình cung cầu hàng hóa và giá cả, lượng hàng dự trữ của các đơn vị kinh doanh đóng trên địa bàn, nhất là những mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán; phát hiện những vấn đề bức xúc, nổi cộm để có giải pháp kịp thời. Tập trung làm tốt công tác dự báo, nắm chắc diễn biến tình hình trên thị trường về cung - cầu, giá cả hàng hóa. Định kỳ hàng tuần, nhất là thời điểm giáp Tết Nguyên đán các Đội QLTT trực thuộc cập nhật thông tin, khảo sát tình hình thị trường, cung cầu, giá bán lẻ bình quân chung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hàng ngày phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán đặc biệt là các nhóm mặt hàng như: lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, rau, củ quả, bánh kẹo, đồ uống, thuốc chữa bệnh; nhiên liệu; cước vận chuyển hành khách...
Lực lượng chức năng kiểm tra một cửa hàng rượu trên địa bàn Tp Thanh Hóa |
Lực lượng QLTT tập trung lực lượng kiểm tra, kiểm soát đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, kiểm tra, xử lý hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, đo lường, chất lượng và công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; hành vi vi phạm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, thương mại điện tử và các hình thức kinh doanh thông qua công nghệ số..., không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; các bảo đảm ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước, các lực lượng chức năng, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tổ chức các kênh thông tin để chủ động nắm tình hình cung cầu hàng hoá và giá cả, lượng hàng dự trữ của các đơn vị kinh doanh đóng trên địa bàn, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.
QLTT Thanh Hóa sẽ tập trung vào kiểm tra, kiểm soát đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, kiểm tra, xử lý hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, đo lường, chất lượng và công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm... không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; các đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân.
Cụ thể, tập trung kiểm tra, kiểm soát chống vận chuyển và kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại như: vật liệu nổ, pháo nổ, pháo hoa, động vật hoang dã; thuốc lá ngoại; vải, quần áo, giầy dép; nguyên phụ liệu may mặc; bánh kẹo; rượu, bia...
Kiểm tra, kiểm soát chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng đối với các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính. Đồng thời, kiểm tra kiểm soát về công tác an toàn thực phẩm; kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, thương mại điện tử và các hình thức kinh doanh thông qua công nghệ số.Bên cạnh đó, các đơn vị quản lý thị trường kết hợp kiểm tra các biểu hiện của hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật; kiểm tra việc thực hiện đo lường hàng hoá (cân, đong, đóng gói hàng hoá), công bố chất lượng hàng hoá ...