Đã có 1.054 đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp
Trình bày tham luận về việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021, ông Phan Trung Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) cho biết, đến nay đã có 45/45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (TƯ) thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, xã (trong đó có 7 tỉnh thực hiện sắp xếp cả ĐVHC cấp huyện).
Tất cả 45/45 tỉnh, thành phố đã gửi Phương án tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 về Bộ Nội vụ ; có 42/45 tỉnh, thành phố gửi hồ sơ đề án chi tiết đến Bộ Nội vụ.
Theo quy định của Nghị quyết 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì có 19 ĐVHC cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp. Tuy nhiên, các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ tiến hành sắp xếp đối với 9 ĐVHC cấp huyện thuộc diện này, còn 10 ĐVHC đề nghị chưa tiến hành sắp xếp.
Kết quả thực hiện có 18 ĐVHC cấp huyện thực hiện sắp xếp, bao gồm 9 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 1 đơn vị thuộc diện khuyến khích sắp xếp và 8 đơn vị liền kề có liên quan đến sắp xếp. Dự kiến, số lượng ĐVHC cấp huyện giảm là 6 đơn vị.
|
Ông Phan Trung Tuấn phát biểu tại hội nghị. |
Đối với việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã, qua triển khai, kết quả đã có tổng số 1.054 ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp, bao gồm 546 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 111 đơn vị thuộc diện khuyến khích sắp xếp và 397 đơn vị liền kề có liên quan đến sắp xếp. Dự kiến, số lượng ĐVHC cấp xã giảm là 560 đơn vị.
Tuy vậy, ông Tuấn cho rằng đến nay tiến độ thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, xã vẫn chậm so với lộ trình đề ra.
Tác động lớn đến tổ chức bộ máy
Thanh Hóa là địa phương có số lượng ĐVHC cấp xã nhiều nhất so với các tỉnh, thành trong toàn quốc, trong đó số đơn vị giảm do sắp xếp nhiều hơn tổng số ĐVHC cấp xã của một số địa phương. Nhưng theo ông Nguyễn Lợi Đức, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa, “chỉ trong thời gian ngắn, tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành và là địa phương đi đầu trong cả nước”.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa cho biết, tỉnh này có số ĐVHC cấp xã thuộc phạm vi sắp xếp lên tới 143 đơn vị, chiếm 22,50% tổng số ĐVHC cấp xã của tỉnh nên tác động lớn đến tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở.
Cụ thể, khi kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị đã tác động tới 143 Đảng bộ cấp xã với 1.298 chi bộ, 35.506 đảng viên; Mặt trận Tổ quốc cấp xã với 796 Ban công tác; Đoàn thể chính trị- xã hội với 270.000 hội viên…
Đối với các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý, Thanh Hóa thực hiện bố trí, sắp xếp đối với 135 Bí thư Đảng ủy, 138 Phó Bí thư Đảng ủy, 141 Phó Chủ tịch HĐND, 137 Chủ tịch và 143 Phó Chủ tịch UBND.
Ngoài ra, tỉnh này cũng bố trí, sắp xếp 1.308 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do sắp xếp ĐVHC…
“ Đến nay, công tác bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức cấp xã sau khi sắp xếp ĐVHC đã cơ bản thoàn thành. Theo đó, dự kiến sẽ bố trí, sắp xếp đến các đơn vị cấp xã còn thiếu 555 người; tiếp nhận, bố trí làm công chức cấp xã 108 người; tuyển dụng làm công chức cấp huyện 39 người; nghỉ hưu theo quy định 332 người; thực hiện tinh giản 264 người; 1.199 người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư sẽ nghỉ việc và hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định”- ông Đức thông tin.
Kinh nghiệm trong việc sắp xếp ĐVHC được ông Đức đưa ra là phải có cách làm phù hợp, chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả; bảo đảm ổn định chính trị- xã hội, không gây xáo trộn lớn. Quá trình thực hiện phải có kế hoạch, phân công trách nhiệm cho từng cá nhân, tổ chức liên quan; thời gian, lộ trình thực hiện cụ thể….
Cao Bằng chi 85 tỷ đồng hỗ trợ một lần cho hơn 21.000 đối tượng
Theo ông Nguyễn Trung Thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, thống kê tại tháng 7/2019, tỉnh Cao Bằng dự kiến giảm 38 xã. Số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư là 720 người; số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư 624 người.
Tỉnh Cao Bằng đã giải quyết cho nghỉ việc đối với các trường hợp không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ do thiếu năng lực, trình độ, thiếu tinh thần trách nhiệm; đồng thời giải quyết chế độ cho những người không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ.
Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ một lần cho hơn 21.000 đối tượng thuộc diện dôi dư do sắp xếp lại số lượng theo quy định, với tổng kinh phí khoảng 85 tỷ đồng.
“Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong việc sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức và giải quyết chế độ, chính sách cho những người dôi dư khi thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã, hiện nay Ban Tổ chức TƯ đang xây dựng để báo cáo Bộ Chính trị có văn bản hướng dẫn thực hiện sắp xếp tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các Đoàn thể chính trị- xã hội ở những địa phương thực hiện sắp xếp”- ông Phan Trung Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) cho biết.