Thanh Khê - hướng tới quận môi trường

Cùng với mô hình Thành phố môi trường mà Đà Nẵng hướng tới trong tương lai, Thanh Khê là quận tiên phong xây dựng Đề án Quận môi trường giai đoạn 2011-2020 với các mục tiêu cụ thể, phù hợp với điều kiện của địa phương hiện nay.

Cùng với mô hình Thành phố môi trường mà Đà Nẵng hướng tới trong tương lai, Thanh Khê là quận tiên phong xây dựng Đề án Quận môi trường giai đoạn 2011-2020 với các mục tiêu cụ thể, phù hợp với điều kiện của địa phương hiện nay.

Mô tả ảnh.
Sau hơn 4 năm thực hiện xử lý ô nhiễm, hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung đã được trả lại vẻ tươi tắn.

Thực trạng

Tổng số dân của quận Thanh Khê hiện hơn 171 nghìn người, với mật độ dân số trung bình trên 18 nghìn người/km2 và là quận có mật độ dân số cao nhất của thành phố Đà Nẵng. Hiện trạng môi trường Thanh Khê tồn tại những điểm nóng, trong đó môi trường sông, nước đáng chú ý. Theo kết quả quan trắc định kỳ chất lượng nước hồ trong các năm 2007-2009 cho thấy, các hồ đều có dấu hiệu ô nhiễm với các mức độ khác nhau. Ví dụ như hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung, hồ Công viên 29-3 tình trạng ô nhiễm ngày càng nặng, đã xuất hiện cá chết hàng loạt.

Nguyên nhân ô nhiễm do nước thải từ các cống thoát nước khu dân cư Thạc Gián, đường Nguyễn Tri Phương, đường Nguyễn Văn Linh đổ trực tiếp ra hồ. Hồ Phần Lăng 1 và 2 đang bị san lấp một phần để xây dựng khu dân cư mới chủ yếu bị ô nhiễm chất dinh dưỡng và vi sinh do tiếp nhận nước thải từ nhiều nguồn khác nhau. Đặc biệt, sông Phú Lộc trong thời gian dài là một trong những trọng điểm về ô nhiễm môi trường trên địa bàn quận Thanh Khê. Vào mùa hè, nước sông có màu đen và mùi hôi, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và sinh hoạt của nhân dân sống ở khu vực ven 2 bờ sông.

Cửa sông còn xuất hiện hiện tượng sạt lở mà nguyên nhân xác định có thể do khai thác tận thu cát tại đây. Kết quả phân tích chất lượng nước ngầm tại một số điểm khai thác tại 4 phường: An Khê, Hòa Khê, Thanh Khê Đông và Thanh Khê Tây cho thấy mạch nước ngầm mạch nông bị ô nhiễm, hàm lượng Nitrat và vi sinh vượt chuẩn cho phép. Đáng lo ngại 2 phường Hòa Khê và An Khê là khu vực gần Sân bay Đà Nẵng bị nhiễm dioxin nên việc sử dụng nguồn nước này trong một thời gian dài có thể ảnh hưởng sức khỏe của người dân.

Ngoài ra, môi trường không khí và môi trường đất đang tác động đến đời sống người dân. Tại các đường phố chính, nồng độ bụi và độ ồn vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1-2 lần, các nút giao thông ô nhiễm bụi vượt tiêu chuẩn 2-3 lần. Ngã ba Huế là khu vực có dấu hiệu ô nhiễm CO và có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Có khá nhiều cơ sở sản xuất, gia công cơ khí, mộc xen lẫn trong các khu dân cư gây ô nhiễm tiếng ồn, bụi…

Bên cạnh đó, môi trường đất có chất độc hóa học tồn lưu từ thời chiến tranh gây ô nhiễm đối với khu vực đất ở ven Sân bay Đà Nẵng. Dầu thải từ các cơ sở cán, kéo thép, cửa hàng xăng dầu, trạm rửa xe… cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường đất. Ghi nhận thực tế, Thanh Khê có nhiều cơ sở, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh lớn như Công ty CP Dệt may 29-3, Công ty CP Dược Danapha, Công ty Nhựa Đà Nẵng, Công ty CP Túi cặp, các Bệnh viện Hoàn Mỹ, Bình Dân và Da liễu, Khu Thương xá Vĩnh Trung, Siêu thị Đà Nẵng… mỗi ngày đêm thải ra khoảng 2.000m3 nước thải, chưa kể hơn 17 nghìn m3 nước thải sinh hoạt dân cư.

Quyết tâm

Ông Nguyễn Thương, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê cho hay: Sau hơn 10 năm được thành lập đến nay, Thanh Khê đã phát triển nhanh về cơ sở hạ tầng và kinh tế - xã hội, vấn đề quản lý và bảo vệ môi trường cũng được quan tâm. Tuy nhiên, thực trạng môi trường địa phương vẫn tồn tại những vấn đề bức xúc, có thể ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội quận đến năm 2020. Chính vì lý do đó, quận đã xây dựng Đề án “Thanh Khê - Quận môi trường, giai đoạn 2011 - 2020” nhằm đưa  Thanh Khê trở thành quận phát triển hài hòa kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường vào năm 2020.

Theo đó, Đề án này tập trung vào việc bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng môi trường đất, nước, không khí, tạo môi trường sống trong lành cho người dân; bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh môi trường các khu dân cư, ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, bảo vệ môi trường sinh thái khu vực ven biển; nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, xã hội hóa các hoạt động bảo vệ môi trường với sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể.

Với 2 giai đoạn từ 2011 – 2015 quận Thanh Khê sẽ có từ 4 phường trở lên đạt tiêu chuẩn phường thân thiện môi trường/phường xanh-sạch-đẹp, 100% hộ gia đình sử dụng nước sạch, tỷ lệ cơ sở công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp thực hiện các biện pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường hiệu quả đạt 70%, phấn đấu nâng diện tích cây xanh 3m2/người vào năm 2015, thực hiện xử lý ô nhiễm, tách riêng nước thải không để xả trực tiếp vào hồ Công viên 29-3 và hồ Phần Lăng 1,2.

Trong giai đoạn tiếp theo 2015 - 2020, các tiêu chí đặt ra sẽ là: 100% các phường đều đạt chuẩn xanh-sạch-đẹp; 100% hộ gia đình được sử dụng nước sạch, phân loại rác thải tại nguồn và thu gom hợp vệ sinh chất thải rắn đạt 100%; 90% các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ thực hiện kiểm soát ô nhiễm môi trường hiệu quả; 100% các hồ đầm được xử lý ô nhiễm môi trường; phát triển diện tích không gian đô thị, phấn đấu đạt 4m2/người vào năm 2020; hoàn thành cơ sở dữ liệu đánh giá và công bố quận môi trường sau khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí.

Để thực hiện hiệu quả đề án, quận Thanh Khê đã chú ý đến 4 nhóm giải pháp về hạ tầng kỹ thuật, giáo dục, tuyên truyền ý thức cho cộng đồng, các biện pháp quản lý hành chính và đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường. Với những hoạt động cụ thể, sự phối hợp đầy đủ của các phòng, hội và nhất là sự tham gia đồng tình ủng hộ của người dân sinh sống trên địa bàn các phường của quận, mục tiêu đưa Thanh Khê trở thành Quận thân thiện môi trường sớm thành hiện thực.

Bài và ảnh: Duyên Anh

Đọc thêm