Người ta gọi anh là “gã phù thủy của sân khấu”. Trong nghệ thuật, để được gọi là “phù thủy” không phải là chuyện đơn giản nếu thiếu tài năng. Nhưng “phù thủy” cũng có khi biết khóc, biết đau, riêng với Thành Lộc thì những buồn thương ấy ít được biểu hiện ra ngoài. Anh “nuốt” nó vào tận cùng sâu thẳm của con tim vốn dĩ nhạy cảm.
Thành Lộc cất tiếng khóc chào đời từ một cái nôi truyền thống nghệ thuật lâu đời, nổi tiếng trong cả hai lĩnh vực Hát bội và Cải lương. Cha anh là cố NSND Thành Tôn, mẹ là nghệ sĩ Huỳnh Mai, các anh chị của anh đều hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, như Bạch Lê và Bạch Long (cải lương), Bạch Lý (tân nhạc). Việc Thành Lộc nối gót cha chẳng có gì lạ nhưng để tạo dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giản và được công nhận là một nghệ sĩ đa tài như hiện nay, anh đã dành cả cuộc đời để phấn đấu và tận hiến.
Nghệ sĩ Thành Lộc |
Anh kể: “Gia đình tôi có 6 anh chị em. Mái ấm của chúng tôi là căn gác xếp trong cánh gà của đình Thái Hưng (Quận 1), nơi “đóng đô” của gánh hát họ ngoại nhà tôi, nơi mà mỗi lần ban nhạc đứng lên thì cha mẹ tới mới có chỗ nằm, nơi mà hôm nào sân khấu sáng đèn thì mấy anh em tôi phải kéo nhau ra đường cho các nghệ sĩ biểu diễn. Được sinh ra và lớn lên trong một bầu không khí như vậy, bảo sao anh em chúng tôi không yêu sân khấu. Nhưng cha mẹ tôi lại không muốn “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, không muốn con cái khổ cực như cuộc đời nghệ sĩ của ông bà, khóc nhiều hơn cười, nên cha mẹ nhất quyết bắt anh chị em tôi phải lo học xong bậc trung học phổ thông rồi muốn làm gì thì làm”.
Gia đình Thành Lộc không có số nuôi con trai nên đều cho các con quy y cửa chùa. Thành Lộc vì thế mà được một bà mẹ nuôi đỡ đầu, còn Bạch Long thì phải sống xa cha mẹ từ nhỏ.
Lên 8 tuổi, Thành Lộc gia nhập đội múa Nhà Thiếu nhi TP HCM, ban kịch thiếu nhi của Đài Truyền hình Sài Gòn. Với nghệ danh ban đầu là Thành Tâm, anh đã bước lên sân khấu Kim Cương qua vai diễn thằng bé con trong vở Lá sầu riêng, mà chỉ cần nghe tiếng gọi “chị Hai ơi!” thống thiết cũng đủ để xé lòng người xem…
Thời trẻ, NSND Thành Tôn nổi danh là kép đẹp mà diễn hài cũng rất hay. Khi nhắc về người cha kính yêu, Thành Lộc vẫn thường nói rằng mình học được từ cha rất nhiều, về cách sống và cái tâm đối với nghề và cả bài học được rút ra từ những trận đòn.
Kỷ niệm làm anh cảm thấy nhói tim mỗi lần nhớ lại là thời gian cha lâm bệnh nặng. Lúc đó, các anh chị của anh đều đang ở nước ngoài nên anh là người duy nhất túc trực bên giường bệnh của cha sau mỗi đêm diễn. 2 tháng cuối cùng ở cạnh cha là chuỗi ngày khủng khiếp nhất đối với Thành Lộc. Anh không dám ngủ dù rất mệt, vì cứ sợ mình chợp mắt, cha ra đi, mình sẽ không hay.
Ngày đưa đám cha, Thành Lộc đau lòng đến không còn nước mắt để khóc. Cúng 49 ngày, rồi 100 ngày, anh cũng không hiểu sao con tim mình như tan nát, mà đôi mắt thì ráo hoảnh, đến nỗi anh phải tự hỏi: “Thực sự mình có thương ba không?”. Về nhà, hôm nào anh cũng đi ngang qua chiếc giường xưa ba ngủ. Nhìn mà xót ca và thầm ước “phải chi cha hiện về cho con thấy!”. Vậy mà người nằm mơ thấy cha không phải là anh, lại là Bạch Long, khiến Thành Lộc không khỏi tủi thân.
Thời kỳ vở “Dạ cổ hoài lang” được mang đi biểu diễn xuyên Việt, trong một buổi giao lưu cùng các nghệ sĩ của Nhà hát tuồng Đào Tấn, tiếng hát bi ai của một anh chàng góp vui bỗng dưng làm cho Thành Lộc bật khóc vì nhớ cha. Anh khóc nức nở như chưa bao giờ được khóc. Không hiểu vì sao, chỉ riêng Thành Lộc lúc đó nhận ra một điều rằng “đâu phải mình không thương cha!”.
Tình cảm của một người con trai đối với mẹ thì lại mang một màu sắc khác. Trong mắt mẹ, anh mãi vẫn là một cậu bé hay nũng nịu, dỗi hờn. Mẹ chiếm một vị trí rất lớn trong tư duy và cuộc đời nghệ thuật của Thành Lộc. Là một nghệ sĩ thành danh nhưng bà đã vì chồng mà rời bỏ niềm đam mê nghệ thuật của mình để an phận làm nội tướng trong gia đình.
Có thời gian, Thành Lộc bị xầm xì về vấn đề giới tính. Anh xem đó là khổ nạn mà phàm làm người, ai cũng phải trải qua, ít nhất là 1 lần trên con đường hành đạo. Anh ví nghệ thuật như một “thánh đường”, một đạo giáo mà con chiên phải chịu nhiều thử thách, là nạn nhân của những xử đối xử thiếu tử tế của người đời. Đó là sự hành xử mà anh cho là một hành vi không lương thiện. Với Thành Lộc, giá trị con người trong thời đại ngày nay phải dựa trên cống hiến trong xã hội, cho cộng đồng, chứ không phải căn cứ trên sự phân biệt giới tính.
Ngày trước, Thành Lộc rất dị ứng với sự phản bội, vì anh từng bị phản bội. Thế nhưng, những trải nghiệm trên bước đường đời và sự thấm nhuần nguyên lý của Phật pháp đã giúp anh có cái nhìn bao dung, thanh thản hơn, biết cách “tiêu hóa” nỗi buồn của mình thật nhanh. “Cuộc đời nay sẽ đáng yêu dường bao nếu mọi người biết sống tử tế với nhau!”, anh rất tâm niệm với câu nói đó.
Ngoài thành công trong lĩnh vực kịch nói, Thành Lộc còn làm người dẫn chương trình, diễn viên điện ảnh, diễn viên hài, đạo diễn sân khấu và hiện là Phó Giám đốc Sân khấu kịch Idecaf. Anh đã cống hiến cho nghệ thuật hơn 200 vai diễn nhưng với tài năng của mình, anh sẽ còn cho đời nhiều sự bất ngờ, thú vị khác nữa.
Nhìn Thành Lộc, vẫn thấy đâu đó hình ảnh cậu bé Thành Tâm ngày nào mếu máo chạy theo nghệ sĩ Kim Cương trong vở “Lá sầu riêng”. Hình ảnh đó vẫn như in sâu trong kí ức tôi, vì gương mặt sáng sủa, quá dễ thương của bé và cũng bởi diễn xuất tuyệt vời của kỳ nữ Kim Cương trong vai người mẹ đau khổ, không được phép nhận con mình.
Thành Lộc có lần tâm sự: “Tôi rất cố gắng giữ mình để có một phong thái cùng một ngoại hình trẻ trung như thế để con sống lâu với nghề nghiệp. Nhưng tâm hồn thì phải khác. Thực sự tâm hồn tôi rất tĩnh tại, tôi không muốn bon chen, bay nhảy. Tôi không muốn xuất hiện nhiều trên tivi hay nhiều nơi khác”.
Phải chăng vì vậy mà bước vào tuổi ngũ tuần rồi nhưng trông Thành Lộc vẫn còn thanh xuân lắm, dù cuộc đời anh đâu phải lúc nào cũng sóng lặng bể êm.
Theo Thế giới phụ nữ