Nỗ lực vươn lên
Là một huyện thuần nông, với trên 70% dân số sống bằng nông nghiệp, để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, huyện Thanh Miện đã đặc biệt quan tâm thu hút đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp. Đến nay, Thanh Miện đã quy hoạch được 4 cụm công nghiệp gồm: Tứ Cường, Đoàn Tùng, Ngũ Hùng – Thanh Giang và Cao Thắng với tổng diện tích khoảng 175 ha.
Đặc biệt, trong năm 2017, sản xuất công nghiệp trên địa bàn đã có nhiều đột phá với giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng ước đạt 1.255,2 tỷ đồng, tăng 17,9% so với năm 2016. Trong đó, nhóm ngành công nghiệp dẫn đầu về mức tăng trưởng là sản xuất quần áo, giầy dép. Bên cạnh đó, Thanh Miện cũng thu hút được 03 dự án đầu tư vào các cụm công nghiệp với số vốn 1.794 tỷ đồng, diện tích trên 60ha, thu hút khoảng 20.000 người lao động. Đến nay, tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp ở Thanh Miện đạt hơn 80%.
Ngoài ra, huyện còn không ngừng đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác chuẩn bị đầu tư cho các dự án trọng điểm như: Đường vành đai phía Đông Bắc thị trấn Thanh Miện, Dự án Khu dân cư mới xã Đoàn Tùng, khởi công Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu du lịch sinh thái Đảo Cò, xã Chi Lăng Nam…với tổng số vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng.
Từ kết quả đạt được trong năm 2017, Thanh Miện đặt chỉ tiêu năm 2018 gồm: giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, thủy sản tăng 2%; gía trị sản xuất ngành công nghiệp tăng 18,6%, ngành xây dựng tăng 12,9%, ngành dịch vụ tăng 12,5%. Đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Tích cực thực hiện các biện pháp thu hút các dự án phát triển công nghiệp đầu tư vào huyện. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu và gian lận trên địa bàn…
|
|
Xã Đoàn Tùng phát triển mạnh về sản xuất những mặt hàng tiêu dùng |
“Thay da đổi thịt” từng ngày
Ông Bùi Trọng Thược, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Thanh Miện cho biết, những năm trước đây, nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp không lựa chọn Thanh Miện để đầu tư chủ yếu xuất phát từ vấn đề giao thông, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, không thuận lợi. Các tuyến đường vào huyện nhỏ, nhiều cây cầu của huyện có trọng tải yếu không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng xe có trọng tải lớn của các doanh nghiệp. Vì thế, các doanh nghiệp đều e dè đầu tư vào Thanh Miện.
Ý thức được những hạn chế trên, những năm qua, cùng với sự quan tâm của tỉnh, Thanh Miện đã không ngừng nỗ lực trong thu hút đầu tư, quan tâm đầu tư nâng cấp, xây dựng, mở rộng các tuyến đường, cầu vào huyện. Điển hình là việc xây dựng Cầu Neo mới, đảm bảo đủ điều kiện cho phép các xe có trọng tải lớn lưu thông dễ dàng. Quốc lộ 38B đi qua huyện Thanh Miện, đoạn từ xã Lam Sơn đi xã Phạm Kha được làm lại đã dễ dàng kết nối Thanh Miện với các vùng lân cận. Ngoài ra, huyện còn chú trọng đến công tác quy hoạch và quản lý các cụm công nghiệp, việc giải phóng mặt bằng được tiến hành nhanh chóng.
Ông Vũ Văn Thắng, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư sản xuất, xuất nhập khẩu Trường Giang (cụm công nghiệp Đoàn Tùng) cho biết, công ty trước đây chỉ là một xưởng gia công nhỏ nhưng là một người con của quê hương, ông cũng muốn đóng góp một phần nào đó để xây dựng và phát triển kinh tế nơi đây. Từ năm 2004 – 2005, ông Thắng đã mạnh dạn về Thanh Miện để đầu tư, kinh doanh nhưng do giao thông không thuận lợi nên công ty chưa đầu tư nhiều. “Năm 2016, khi biết được chính sách thu hút doanh nghiệp của huyện, tôi đã quyết định mở rộng sản xuất. Hiện nay công ty đang được xây dựng trên diện tích 2,196 ha với tổng số vốn đầu tư gần 60 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động”, ông Thắng cho biết.
|
Công ty Cổ phần đầu tư sản xuất, xuất nhập khẩu Trường Giang |
Theo tìm hiểu, trên địa bàn huyện Thanh Miện, xã Đoàn Tùng được đánh giá là xã có kinh tế phát triển thuộc vào tốp đầu của tỉnh Hải Dương trong nhiều năm trở lại đây với bình quân thu nhập đầu người đạt 38 triệu đồng/người/năm. Xã có 03 thôn với gần 9000 dân nhưng phát triển rất mạnh về dịch vụ thương mại gồm vận tải, sản xuất hàng tiêu dùng như áo mưa, găng tay… Người dân có thể mở xưởng, cơ sở và làm ngay tại nhà mà không cần đi đâu. Những mặt hàng này không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn được xuất khẩu ra nhiều nước lân cận. Tính trong năm 2017, tổng giá trị thu nhập toàn xã đạt 336,1 tỷ đồng, tăng so với năm 2016 là 33,2 tỷ đồng.
Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của xã Đoàn Tùng, xã Diên Hồng của huyện Thanh Miện cũng có nhiều chấm phá về nỗ lực vươn lên. Từ một xã nghèo nàn, khó khăn nhất của huyện với ngân sách ở xã chỉ đạt 20 triệu đồng/năm, bình quân thu nhập đầu người 3 triệu đồng/người/ năm, nhưng năm 2016, Diên Hồng đã tích cực cán về đích nông thôn mới và hoàn thành xuất sắc cả 19 tiêu chí.
Với nhiều thành tựu bước đầu đạt được, những năm tới, Thanh Miện chắc chắn sẽ là nơi “dừng chân” hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Yếu tố con người với lực lượng lao động trẻ dồi dào, cần cù, nhanh nhẹn cũng là thế mạnh để huyện thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đây đầu tư xây dựng nhà xưởng.