Mặc dù mức sinh của thành phố trong những năm qua đã giảm đáng kể, nhưng tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn chiếm hơn 10% tổng số trẻ sinh ra. Theo thống kê của Chi cục Dân số-KHHGĐ, trong 6 tháng đầu năm 2010, toàn thành phố có 4.592 trẻ sơ sinh, trong đó có 477 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên.
|
|||
Sinh hoạt Câu lạc bộ không sinh con thứ 3. |
Tình trạng sinh con thứ 3 trở lên xuất hiện ở hầu hết các địa phương. Đặc biệt ở khu vực nông thôn, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn ở mức cao. Tình trạng sinh con thứ 3 vẫn còn tiếp diễn trong một bộ phận cán bộ, nhân dân là do các nguyên nhân như tâm lý “trọng nam khinh nữ”, tìm con trai nối dõi tông đường. Tâm lý này đã in sâu trong tâm thức người dân, nhất là vùng nông thôn, không thể một sớm một chiều có thể xóa bỏ.
Anh V. trú ở phường Hòa Phát là con trai duy nhất của một gia đình, anh mong có con trai, nhưng vợ anh lại sinh 3 đứa con gái, vì thế anh cho rằng “Đời tôi sau này chẳng biết ai thờ cúng đây”. Và với nhận thức đó, không chỉ ở vùng nông thôn, mà ngay cả ở trung tâm thành phố, những người có hiểu biết vẫn không bước qua khỏi tư tưởng tìm kiếm con trai nối dõi tông đường. Với sự tiến bộ của y học hiện đại, hiện nay nhiều gia đình đã có đứa con gái đầu lòng, nếu đứa con thứ 2 khi siêu âm là con gái nữa thì họ tìm mọi cách phá thai, để chờ có con trai. Phá thai nhi vì mục đích phân biệt giới tính là vi phạm luật, tuy nhiên với sự quản lý chưa chặt chẽ như hiện nay, vấn đề này khó có thể kiểm soát được hết.
Tình trạng kiếm con trai của các gia đình sẽ dẫn đến hậu quả không tốt về cơ cấu dân số, trong đó mất cân bằng giới tính là một vấn đề đáng lo ngại. Hiện nay, tỷ lệ chênh lệch giới tính tại Đà Nẵng là 110 nam/100 nữ.
Một nguyên nhân nữa là trong những năm gần đây, việc sinh con thứ 3 còn rơi vào những nhà giàu có. Khi đời sống sung túc họ lại muốn sinh thêm con để vui cửa vui nhà. Ngoài một bộ phận dân cư nhận thức còn hạn chế, vẫn còn nhiều cán bộ, đảng viên cũng muốn sinh thêm con. Quận Thanh Khê trong năm 2009 có 17 trường hợp sinh con thứ 3 rơi vào cán bộ, đảng viên. Ở các địa phương khác, vẫn có tình trạng cán bộ sinh con “vượt kế hoạch”, nhưng thường đóng cửa bảo nhau, kiểm điểm rồi bỏ qua.
Theo báo cáo của các địa phương, tình trạng sinh nhiều con còn rơi vào một đối tượng khác rất khó quản lý, đó là những phụ nữ đơn thân có con. Điển hình như ở quận Ngũ Hành Sơn có 250 phụ nữ đơn thân, trong đó có 57 chị sinh con thứ 3 trở lên, quận Thanh Khê có 380 chị đơn thân, trong đó có tới 30% số chị đơn thân có con thứ 3 trở lên, có trường hợp lên đến 5 đứa con.
Việc quản lý, kiểm tra, giám sát ở một số địa phương chưa chặt chẽ, còn bị buông lỏng, không xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Hơn nữa, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của địa phương chưa ổn định, có sự chênh lệch lớn về giới tính khi sinh. Điều này gây khó khăn cho việc thực hiện chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình, phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, giáo dục. Để giải quyết thực trạng trên và thực hiện được mục tiêu giảm tỷ lệ sinh con thứ ba, ngành dân số - KHHGĐ sẽ tiến hành đồng bộ các giải pháp, huy động các cấp, các ngành, đoàn thể, đặc biệt là các tầng lớp nhân dân hưởng ứng thực hiện.
Trong đó, tập trung triển khai đồng bộ các hoạt động truyền thông và giáo dục chuyển đổi hành vi, tăng cường công tác truyền thông về SKSS-KHHGĐ xuống các địa bàn vùng đông dân, vùng khó khăn, hướng đến các đối tượng là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, nam giới, vị thành niên và thanh niên, bà mẹ mang thai... Đồng thời, mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ, cung cấp kịp thời, đa dạng các phương tiện tránh thai đến tận người sử dụng, bảo đảm an toàn, hiệu quả; tăng cường tư vấn về các biện pháp tránh thai nhằm hạn chế tối đa những trường hợp có thai ngoài ý muốn.
TUẤN PHÚC