Thành phố dành khoảng 60 tỷ đồng hỗ trợ người nghèo

Theo kết quả điều tra của ngành chức năng, năm 2009, Hải Phòng có 23.841 hộ nghèo với 62.707 nhân khẩu (trừ huyện đảo Bạch Long Vĩ) , chiếm tỷ lệ 4,82%, giảm 1,04% (3112 hộ) so với năm 2008.

Theo kết quả điều tra của ngành chức năng, năm 2009, Hải Phòng có 23.841 hộ nghèo với 62.707 nhân khẩu (trừ huyện đảo Bạch Long Vĩ) , chiếm tỷ lệ 4,82%, giảm 1,04% (3112 hộ) so với năm 2008. Còn đối với hộ cận nghèo, tương đương mức thu nhập bình quân dưới 300.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 390.000 đồng/người/tháng ở thành thị, Hải Phòng có hơn 41.000 hộ. Như vậy, so với mục tiêu Nghị quyết HĐND thành phố đặt ra (năm 2010 giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 5,3%),  Hải Phòng hoàn thành vượt mức kế hoạch trước một năm.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, mức chuẩn nghèo này không phù hợp. Trong vài năm qua, giá lương thực, thực phẩm, xăng tăng đáng kể, nếu không điều chỉnh thì vô hình trung đã loại những gia đình khó khăn ra khỏi diện được thụ hưởng chính sách. Từ năm 2010, Hải Phòng không áp dụng chuẩn nghèo chung của cả nước mà theo chuẩn nghèo mới là 300 nghìn đồng/người/tháng đối với khu vực nông thôn và 390 nghìn đồng/người/ tháng đối với khu vực thành thị. Theo chuẩn nghèo mới, tỷ lệ hộ nghèo tăng từ 4,82% lên hơn 7% với 41.278 hộ nghèo được thụ hưởng chính sách. Ngân sách thành phố thực hiện việc mua thẻ BHYT cho người nghèo, và trợ cấp thường xuyên đối tượng xã hội là hộ nghèo ước khoảng hơn 60 tỷ đồng.

Thành phố dành khoảng 60 tỷ đồng hỗ trợ người nghèo ảnh 1

Cán bộ, nhân viên Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội Vĩnh Bảo làm thủ tục cho các hộ nghèo vay vốn, phát triển kinh tế gia đình                                                                                   Ảnh: Trường Giang

Năm 2010, với quyết tâm phấn đấu hạ tỷ lệ hộ nghèo còn 3,86%, thành phố tiếp tục triển khai chương trình xóa đói giảm nghèo với nhiều giải pháp đồng bộ: đầu tư nâng cấp xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, cho vay vốn hỗ trợ sản  xuất, hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, dạy nghề người nghèo…Giúp người nghèo thoát nghèo bền vững, thành phố chú trọng đầu tư công tác dạy nghề cho người nghèo. 2 mô hình dạy nghề tạo việc làm tại chỗ cho người nghèo được triển khai với tổng kinh phí 300 triệu đồng. 

Thành phố đang triển khai đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Mỗi năm hàng chục nghìn lao động nông thôn sẽ được đào tạo nghề theo nhu cầu và tình hình phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Đề án góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người nông dân, nhất là nông dân mất đất, tạo việc làm và thu nhập ổn định, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn.

Theo Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Tạm, thực hiện mục tiêu hạ tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 4% không dễ nếu bản thân người nghèo không nỗ lực thoát nghèo. Hiện nay ở nhiều địa phương, nhất là một số huyện khó khăn như Tiên Lãng, Vĩnh Bảo vẫn tồn tại nghịch lý “mong được nghèo”, “giả nghèo” để được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước như trợ cấp xã hội, học nghề, BHYT, chính sách vay vốn ưu đãi học sinh-sinh viên….

Có hiện tượng cố tình chia tách hộ để ông, bà, hoặc bố mẹ tuổi cao, ốm đau không còn khả năng lao động được hưởng hỗ trợ, làm tăng tỷ lệ hộ nghèo hoặc đưa những hộ có người tàn tật vào diện hộ nghèo để được hưởng trợ cấp thường xuyên. Mặt khác, địa phương tạo điều kiện cho con em hộ nghèo trong độ tuổi lao động đi học nghề nhưng công tác này gặp nhiều khó khăn vì họ “không muốn thoát nghèo”. Nguy cơ tái nghèo đối với hơn 600 hộ nghèo có người mắc các tệ nạn xã hội, trong đó chủ yếu là nghiện ma túy khá cao. Bởi vấn đề tạo việc làm cho người sau cai nghiện vẫn đang là bài toán nan giải. Nguyên nhân khác khiến các hộ nằm trong diện nghèo ở mức tối thiểu như hiện nay, phần lớn là do lao động chính trong gia đình mắc bệnh nặng, ốm đau lâu ngày, bị tai nạn, rủi ro…Số hộ nghèo rơi vào tình trạng này khoảng gần 10 nghìn hộ, số còn lại là do thiếu lao động, thiếu kinh nghiệm làm ăn, thiếu vốn.
Như vậy, mấu chốt của việc giải quyết hạ tỷ lệ hộ nghèo nằm ở chính người nghèo. Trước hết, người nghèo phải khắc phục khó khăn, học hỏi kinh nghiệm làm ăn, nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó thành phố, ngành chức năng, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ trong việc xác định mức nghèo, bình xét đúng đối tượng, quản lý chặt chẽ biến động của hộ nghèo hàng năm làm cơ sở xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo.
                                                                                                                                                   Thanh Thủy

Đọc thêm