Thành phố Hồ Chí Minh: Nâng cao hiệu quả công tác thẩm định giá, đấu giá tài sản thi hành án

(PLVN) -Thẩm định giá, đấu giá tài sản thi hành án là một chế định khá đặc thù trong hoạt động thi hành án dân sự (THADS), không do cơ quan THADS trực tiếp thực hiện mà do các đơn vị, Tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá thực hiện độc lập. Đây là một khâu quan trọng, ảnh hưởng toàn bộ quá trình thi hành một bản án.

Trong năm 2020, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có 257 tài sản đưa ra bán đấu giá tương ứng với giá trị trên 2.743 tỷ 170 triệu đồng. Trong đó, số tài sản bán đấu giá thành 161 tài sản tương ứng với số tiền thu được trên 1.666 tỷ 950 triệu đồng. Số tài sản bán đấu giá chưa thành 96 tài sản tương ứng với số tiền trên 1.076 tỷ 219 triệu đồng. Trong 06 tháng 2021, thành phố có 179 tài sản đưa ra bán đấu giá tương ứng với giá trị trên 2.883 tỷ 916 đồng. Trong đó, số tài sản bán đấu giá thành là 87 tài sản tương ứng với số tiền thu được trên 1.247 tỷ 408 triệu 467 ngàn đồng.

Như vậy có thể thấy, với số lượng tài sản phải bán đấu giá có giá trị rất lớn đã tạo áp lực cho Chấp hành viên trong quá trình xử lý tài sản. Bởi vì chỉ cần một sai sót nhỏ trong quá trình tác nghiệp thì Chấp hành viên phải đối mặt với sự khiếu nại, tố cáo từ phía các đương sự hay nguy cơ phải bồi thường nhà nước.

Mặt khác, theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự thì nếu đương sự không thỏa thuận được với nhau về lựa chọn tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá thì quyền lựa chọn các tổ chức này thuộc thẩm quyền của Chấp hành viên. Từ đó, đã có không ít trường hợp các tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá được Chấp hành viên lựa chọn không đảm bảo năng lực, trình độ chuyên môn. Việc lựa chọn theo ý chí chủ quan của Chấp hành viên dẫn tới sự bất bình đẳng, không khách quan giữa các đơn vị thẩm định giá, bán đấu giá, không tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị này. Đồng thời, dễ dẫn đến hậu quả là các tổ chức đấu giá, thẩm định giá thường xuyên được lựa chọn không tập trung năng cao năng lực, chất lượng phục vụ.

Với mục tiêu tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả trong hoạt động thẩm định giá, bán đấu giá tài sản để thi hành án. Tổng Cục Thi hành án dân sự đã ban hành Quy trình lựa chọn tổ chức thẩm định giá, đấu giá tài sản để thi hành án kèm theo Quyết định 1079/QĐ-TCTHADS ngày 25/12/2020 của Tổng Cục Thi hành án dân sự. Quá trình thực hiện Quy trình đã bước đầu phát huy hiệu quả, công tác thẩm định giá, bán đấu giá đi vào nề nếp, hạn chế được những sai sót vi phạm của Chấp hành viên cũng như tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá.

Để nâng cao hơn nữa công tác thẩm định giá, đấu giá tài sản thi hành án, Cục THADS thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra các giải pháp nhằm làm tốt hơn nữa trong thời gian tới cụ thể: Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm hoạt động thẩm định giá tuân thủ đúng pháp luật, nâng cao chất lượng và tiện ích dịch vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về thẩm định giá trị tài sản cho các cơ quan Thi hành án. Các cơ quan quản lý tiếp tục phối hợp với Hội Thẩm định giá Việt Nam, các doanh nghiệp thẩm định giá để tiến hành xếp hạng kết quả đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá của các doanh nghiệp thẩm định giá; Nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về giá và thẩm định giá đáp ứng yêu cầu.

Do bán đấu giá là chuỗi hoạt động của quá trình thi hành án nên cần phải phân định được trách nhiệm của từng chủ thể trong quá trình đấu giá tài sản (trách nhiệm của Lãnh đạo cơ quan Thi hành án, Chấp hành viên, tổ chức đấu giá và Đấu giá viên) nếu để xảy ra vi phạm thì xem xét theo trách nhiệm cụ thể của từng người trong quá trình ký hợp đồng và tổ chức thực hiện hợp đồng bán đấu giá tài sản. Cục THADS thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của Chấp hành viên trong thực hiện giám sát việc thẩm định giá, bán đấu giá tài sản. Trường hợp tổ chức bán đấu giá có dấu hiệu vi phạm thì Chấp hành viên phải kịp thời báo cáo lãnh đạo để kiểm tra và xử lý theo quy định. Nếu có căn cứ xác định tổ chức đấu giá vi phạm pháp luật đấu giá thì chấm dứt hợp đồng dịch vụ đấu giá. Trong thông báo bán đấu giá tài sản cần thể hiện số điện thoại của giám đốc Công ty đấu giá, của Chấp hành viên và lãnh đạo cơ quan Thi hành án để khách hàng mua tài sản liên hệ, phản ánh khi cần thiết.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng đăng ký mua tài sản thì tổ chức đấu giá có thể thỏa thuận cung cấp cho Chấp hành viên hồ sơ đăng ký mua tài sản để giao trực tiếp cho khách hàng khi liên hệ Chấp hành viên. Chấp hành viên phải thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá thực hiện việc đăng báo trên các báo in phổ thông, có số lương bạn đọc đông đảo. Ngoài ra, có thể thỏa thuận đăng thêm trên các trang thông tin điện tử chuyên ngành. Đồng thời, Chấp hành viên phải thực hiện đăng tải thông tin bán đấu giá theo quy định. Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra đột xuất các tổ chức đấu giá có nhiều phản ánh. Đồng thời, nâng cao vai trò của Viện kiểm sát trong thực hiện chức năng kiểm sát quy trình thực hiện bán đấu giá, vì đây là một trong các hoạt động thi hành án. Mặt khác, với sự tham gia của Viện kiểm sát sẽ có thêm sự kiểm tra, giám sát sẽ tốt hơn./.

Đọc thêm