Thành phố Hồ Chí Minh: Rủi ro phục hồi kinh doanh sau dịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Cuộc sống trở lại bình thường sau dịch, nhiều người kinh doanh bắt đầu lao vào cuộc mưu sinh để bù đắp lại khoảng thời gian “ngủ đông”. Tuy nhiên, không ít người phải “khóc ròng” do vội vàng đưa ra lựa chọn sai lầm.
Hoạt động kinh doanh bán lẻ tại TP HCM khởi sắc trở lại.
Hoạt động kinh doanh bán lẻ tại TP HCM khởi sắc trở lại.

Đổ xô tìm kiếm mặt bằng kinh doanh

Trước Tết 2022, mặc dù cuộc sống dần trở lại bình thường sau dịch, nhưng vẫn là giai đoạn “ngủ đông” của thị trường kinh doanh bán lẻ tại chỗ. Nhiều tiểu thương vẫn thận trọng chưa dám “bung” ra, tiếp tục quan sát thị trường và tình hình dịch bệnh.

Tuy nhiên, vừa qua Tết Nguyên đán đến nay, nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh bùng phát. Sau một thời gian “ngủ đông”, người kinh doanh đổ xô tìm kiếm mặt bằng vừa ý để tiếp tục hoạt động kinh doanh, tìm phương cách mưu sinh sau dịch. Thị trường bất động sản cho thuê đang ghi nhận tốc độ phục hồi đáng kinh ngạc với nhu cầu tìm kiếm mặt bằng cho thuê tăng trưởng mạnh mẽ.

Báo cáo thị trường tháng 2/2022 của Batdongsan.com.vn cho thấy, tại TP HCM, lượng tin rao thuê nhà riêng, nhà phố tại TP HCM tăng 35-55% so với tháng 1/2022, riêng nhà mặt phố phục vụ kinh doanh phục hồi rõ nét với nhu cầu tìm thuê tăng 32% so với tháng trước. Từ sau Tết Nguyên đán, nhiều tuyến đường có mặt bằng cho thuê, trung tâm thương mại ở TP HCM đã nhộn nhịp trở lại. Nhiều mặt bằng bỏ trống đang dần được lấp đầy với hàng loạt quán xá, cửa hàng.

Không chỉ nhu cầu thuê mặt bằng tăng, thị trường cũng chứng kiến sự tăng giá từ nhẹ đến mạnh về giá mặt bằng nhiều nơi, đặc biệt là những con đường “đắt đỏ” trung tâm các quận, có khả năng “ăn nên làm ra”.

Anh Nguyễn Quốc Việt, nhân viên môi giới của một công ty bất động sản khu vực Bình Thạnh, Phú Nhuận chia sẻ, thời gian này anh “vắt chân lên cổ” vì đi “săn” mặt bằng cho khách. Theo anh Việt, dường như nhu cầu thuê mặt bằng đang tăng cao hơn bao giờ hết. Thị trường cũng đang chứng kiến giá mặt bằng “nhích” lên từng ngày.

“Giá mặt bằng các con đường lớn đang tăng tầm 30% so với thời điểm trong dịch. Thậm chí, tăng 10% so với thời điểm vừa qua Tết đến nay. Tại các con đường lớn, có khả năng làm ăn tốt ở các quận như Bình Thạnh, Phú Nhuận có mức giá trên 30 triệu đồng cho mặt bằng nguyên căn, từ 20 triệu đồng trở lên cho mặt bằng không. Thi thoảng được cái mặt bằng giá rẻ thì môi giới và người cần mua xúm vào tranh nhau. Như cách đây hai tuần, một chủ nhà cho thuê mặt bằng nhỏ hơn 30m2 ở góc Nguyễn Trọng Tuyển - Lê Văn Sĩ một trệt một lầu chỉ 17 triệu, tin vừa rao xong, tôi lao đến thì đã thấy một hàng dài đang xếp hàng gặp chủ nhà, căn này chốt thuê ngay lúc ấy”, anh Việt cho biết.

Thảm cảnh thất thu, gánh lỗ

Chị Lê Tâm Ánh, trước dịch kinh doanh các món bún, hủ tiếu ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Dịch bệnh, chị phải nghỉ bán, cả nhà sinh sống bằng thu nhập từ nghề shipper của chồng chị, còn chị chuyển qua nấu tại nhà bán online. Cách đây 2 tháng, chị tìm được một mặt bằng ở đường Bạch Đằng để mở lại quán bún.

“Trước kia tôi thuê mặt bằng nhỏ xíu bán bún, một tháng giá thuê là 12 triệu đồng, thuê đã nhiều năm nay giá tăng rất nhẹ hàng năm. Mỗi tháng, sau khi trừ đi chi phí cũng dư được mười mấy triệu, cả nhà sống cũng ổn định. Thời điểm vừa qua ảnh hưởng dịch, tôi nấu bún bán online cộng với thu nhập shipper của chồng cũng chỉ hơn mười lăm triệu mỗi tháng, không đủ để chi phí sinh hoạt với nuôi hai con đang tuổi ăn, tuổi học. Tôi quyết tâm thuê mặt bằng bán bún trở lại, mà giờ hình như ai cũng đi thuê mặt bằng nên cạnh tranh dữ lắm. Chỗ cũ của tôi người ta thuê mất, với giá 16 triệu. Tìm mãi cuối cùng tôi sang Bạch Đằng mới thuê được cái mặt bằng nhỏ với giá 18 triệu/tháng. Tuy nhiên, suốt thời gian thuê cho đến nay khách vắng lắm. Tôi thuê một thời gian mới biết khu này không hợp với bán hàng ăn uống. Tôi gánh lỗ suốt một tháng nay, giờ chắc phải xin chủ nhà cho rút cọc để chuyển đi chỗ khác mà không biết họ đồng ý không”, chị Ánh bày tỏ.

Cùng tình trạng với chị Ánh, nhiều tiểu thương thuê mặt bằng thời gian qua đang điêu đứng vì trót đầu tư thuê nhà kinh doanh nhưng gánh lỗ vì không có khách. Khu vực Thảo Điền, quận 2, thời gian qua cũng chứng kiến những cuộc thuê rồi trả mặt bằng hàng loạt. Chỉ tính riêng con đường Nguyễn Bá Lân đã có mấy căn nhà đổi qua 2-3 chủ từ thời điểm trước Tết cho đến nay.

Anh Nguyễn Quang K, thuê mặt bằng đoạn Nguyễn Bá Lân giao với đường Xuân Thủy chia sẻ, anh mới thuê mặt bằng giá 30 triệu tháng trước, tháng này đã phải trả mặt bằng và chuyển sang Phú Nhuận dù đã đầu tư gần 200 triệu đồng cho mặt bằng nói trên. Theo anh K, lý do trả mặt bằng là suốt một tháng không có doanh thu, đồng thời cũng phát hiện ra khu vực này không phù hợp với hình thức kinh doanh của vợ chồng anh.

Thuê nhà vội vàng, muốn nhanh chóng phục hồi kinh tế gia đình sau dịch, nhiều người kinh doanh đã phải thất thu không ít vì chọn sai địa điểm kinh doanh, hoặc “liều” chấp nhận mặt bằng giá cao nhưng không gánh nổi đường dài khi vắng khách. Sau khi đầu tư mặt bằng trả lại, nhiều người kinh doanh khóc ròng vì mất số tiền đầu tư, thậm chí không lấy lại tiền đặt cọc vài chục đến vài trăm triệu.

Những tín hiệu vui đang trở lại với hoạt động kinh doanh nơi thành phố sầm uất bậc nhất cả nước. Nhưng, bên trong sự sôi động ấy vẫn tiềm tàng những rủi ro, đòi hỏi người kinh doanh sự cân nhắc, thận trọng để tránh thiệt hại nhiều hơn nữa.

Đọc thêm