Thanh toán bằng đồng nhân dân tệ và và nguy cơ lệ thuộc

Bên lề hội nghị thường niên Bộ trưởng Thương mại ASEAN tại Đà Nẵng, hôm 26/8, Bộ trưởng thương mại Trung Quốc Trần Đại Minh một lần nữa nêu vấn đề đưa đồng nhân dân tệ (NDT) vào sử dụng tối đa trong các thương vụ giữa nước này và các nước thành viên ASEAN. Liệu đề xuất này có khả thi, và liệu đồng NDT đã đủ lực để ASEAN đặt lòng tin?

Bên lề hội nghị thường niên Bộ trưởng Thương mại ASEAN tại Đà Nẵng, hôm 26/8, Bộ trưởng thương mại Trung Quốc Trần Đại Minh một lần nữa nêu vấn đề đưa đồng nhân dân tệ (NDT) vào sử dụng tối đa trong các thương vụ giữa nước này và các nước thành viên ASEAN. Liệu đề xuất này có khả thi, và liệu đồng NDT đã đủ lực để ASEAN đặt lòng tin?

Nỗ lực mới để Nhân dân tệ "soán ngôi"

Đây không phải đề xuất mới của Trung Quốc! Viện dẫn sự phụ thuộc vào đồng đôla trong thương mại quốc tế, vài năm nay, đặc biệt kể từ cuối năm 2008, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới, Trung Quốc đã bắt tay thực hiện một loạt hành động để quốc tế hóa đồng NDT.

Còn nhớ, trước khi diễn ra Hội nghị G20 tại London năm 2009 và hội nghị thượng đỉnh các nước BRIC tại Saint Petersburg, Trung Quốc đã ráo riết vận động để thay thế đồng đô la Mỹ bằng một phương tiện thanh toán quốc tế khác, trong đó đồng NDT chiếm một vai trò nhất định, ngày càng lớn hơn. Thời điểm đó, người ta đã đặt vấn đề về tham vọng soái vương của đồng NDT trong thanh toán quốc tế, và một cấu trúc quyền lực mới trong hệ thống tài chính với vai trò lớn hơn của Trung Quốc. Song, tuyên bố chung của cả hai hội nghị đó đều không có nội dung gì về vấn đề này, chứng tỏ các nước chưa chưa chấp nhận đề nghị đó.

Vừa qua, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã có một loạt động thái để chứng tỏ với thế giới rằng nước này đã sẵn sàng từng bước quốc tế hóa đồng NDT, như quyết định điều chỉnh tỷ giá hối đoái và cam kết duy trì tính linh hoạt của đồng NDT...

Với khu vực ASEAN, ngay từ cuối năm 2008, Trung Quốc đã thực hiện chương trình thử nghiệm thanh toán xuyên biên giới bằng NDT với một số nước trong khu vực, bên cạnh việc áp dụng với Hồng Kông và Macau. Tới thời điểm này, hai nước thành viên ASEAN là Indonesia và Malaysia đã chấp nhận sử dụng đồng NDT trong giao thương với Trung Quốc.

Gợi ý của Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trần Đại Minh là một nỗ lực tiếp theo để thực hiện mục tiêu của Trung Quốc từ nhiều năm nay nhằm thúc đẩy việc nâng cao vị thế của đồng NDT và giảm bớt vai trò của đồng đô la Mỹ trong thương mại quốc tế.

Khả năng hoán đổi song phương giữa đồng tiền quốc gia và đồng NDT nhất thiết phải được bảo đảm để tránh bị đơn phương rơi vào "bẫy Nhân dân tệ" mà không thoát ra được.

TS Lê Đăng Doanh nhận định, điều này có thể hiểu được khi Trung Quốc đã vượt Đức để trở thành nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất và có dự trữ ngoại tệ lớn nhất hành tinh.

Thực tế, như ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phân tích, "mỗi quốc gia tùy vào sức khỏe và sức mạnh đồng tiền của mình để có thể mở cửa, cho phép sử dụng đồng tiền trong thanh toán giao dịch thương mại quốc tế hay không. Sức mạnh của đồng NDT đang gia tăng và Trung Quốc có tham vọng, điều đó đã được thể hiện rõ".

Tuy nhiên, liệu đề xuất này có khả thi, và liệu đồng NDT đã đủ lực để ASEAN đặt lòng tin?

Đồng Nhân dân tệ có đáng tin?

TS Lê Đăng Doanh phân tích, "việc sử dụng đồng NDT trong quan hệ thanh toán song phương cần được chuẩn bị kỹ về nhiều mặt vì một nền kinh tế có thể lớn mạnh nhưng vai trò của đồng tiền lại thường được thừa nhận chậm hơn nhiều và phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác chứ không chỉ quy mô xuất khẩu hay dự trữ ngoại tệ".

Kinh tế Mỹ đã vượt kinh tế Anh từ năm 1928 về quy mô nhưng mãi đến 1948 đồng đô la Mỹ mới thay thế được đồng bảng Anh là đồng tiền quan trọng nhất thế giới.

Việc đề xuất là của Trung Quốc, nhưng chấp nhận hay không, mỗi quốc gia và DN phải tính kĩ lợi hại, thiệt hơn trên cơ sở xem xét kĩ nhiều yếu tố. TS Lê Đăng Doanh lưu ý, việc "chấp nhận thanh toán bằng đồng NDT phải có lợi hơn, an toàn hơn so với dùng đồng USD".

Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc khoảng 2500 tỷ USD, lớn nhất hành tinh, nhưng lại rất nhỏ bé so với dự trữ của Mỹ bằng đồng USD. Hiện nay, nước xuất sang Trung Quốc có thể sử dụng đồng USD để thanh toán với tất cả các nền kinh tế khác, không chỉ Trung Quốc. Thêm vào đó hệ thồng ngân hàng-tài chính Mỹ rất phát triển, các dịch vụ thanh toán, đầu tư đều bảo đảm chất lượng.Các nước ASEAN cần xem xét đầy đủ: khả năng hoán đổi đầy đủ của đồng NDT được các nước khác chấp nhận và bảo đảm thế nào, các thể chế tài chính-ngân hàng của Trung Quốc có các công nghệ và dịch vụ có chất lượng cao để bảo đảm thanh toán một cách nhanh chóng, an toàn và thuận lợi hay không v.v.

Vào thời điểm hiện nay, theo quan sát của ông Cao Sỹ Kiêm, "vị trí đồng NDT chưa đủ mạnh, cũng không nằm trong danh sách 5 đồng tiền uy tín trong thanh toán quốc tế", vì thế, việc chấp thuận cho thanh toán quốc tế cần "cân nhắc thận trọng" nhất là khi NDT chưa phải là ngoại tệ được tự do chuyển đổi.

Ngay cả các động thái tích cực để quốc tế hóa đồng NDT của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc như quyết định điều chỉnh tỉ giá hối đoái, cam kết duy trì tính linh hoạt của đồng NDT... cũng là kết quả của một loạt sức ép từ Mỹ và các nước phương Tây. Giới quan sát còn cho rằng đó chỉ là biện pháp trấn an thế giới của Trung Quốc mà thôi.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng Huỳnh Bửu Sơn chỉ rõ, đồng nhân dân tệ tuy mạnh về mặt tỷ giá nhưng hệ thống tài chính - ngân hàng của Trung Quốc lại không ổn định và hàm chứa những nguy cơ cao, trong khi đó, chính sách tiền tệ của Trung Quốc rất khó tiên lượng và không nhất quán. Do đó, sẽ còn lâu đồng NDT mới có thể được xem như một đồng tiền thanh toán quốc tế.

Khi đó, theo TS Lê Đăng Doanh "việc chấp nhận đồng NDT sẽ dẫn đến rủi ro, làm cho nước chấp nhận đồng tiền đó phụ thuộc đơn phương vào Trung Quốc".

"Điều cần phải đạt được là khả năng hoán đổi song phương giữa đồng tiền quốc gia và đồng NDT nhất thiết phải được bảo đảm để tránh bị đơn phương rơi vào "bẫy Nhân dân tệ" mà không thoát ra được", TS Lê Đăng Doanh cảnh báo.

Vả lại, nhìn vào thực trạng giao thương ASEAN - Trung Quốc, khả năng hiện thực hóa đề xuất này lại càng có vẻ xa vời. Trung Quốc là nước xuất siêu với ASEAN trong một thời gian dài và chưa có dấu hiệu là Trung Quốc sẽ chấp nhận trở thành một nước nhập siêu đối với ASEAN. Như vậy, dự trữ nhân dân tệ của các nước ASEAN hầu như bằng không. "ASEAN sẽ lấy đâu ra NDT để thanh toán với Trung Quốc và với nhau?"

Ngay cả khi Trung Quốc sẵn sàng cho các nước ASEAN vay NDT để thanh toán, nhưng đối với các nước ASEAN, vay NDT hàm chứa rủi ro tỷ giá cao, vì đồng NDT trong tương lai chắc chắn sẽ cao giá hơn hiện nay. Vay NDT bây giờ, theo ông Sơn, không khác nào vay đồng Yên vào thập niên 1980, 1990, các nước vay nợ không những chịu thiệt thòi về lãi suất cao mà còn chịu rủi ro tỷ giá rất lớn.

Vì vậy, không thể phủ nhận là vai trò của đồng NDT sẽ tiếp tục tăng lên trên toàn thế giới và trong quan hệ với ASEAN, song đây không phải là một vấn đề giản đơn, có thể diễn ra một sớm một chiều mà cần thời gian và các điều kiện chín muồi, không chỉ phụ thuộc thuần túy vào quy mô kinh tế mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

Các nước ASEAN chắc chắn sẽ xem xét đề nghị này một cách tích cực, song phải thận trọng và một cách chuyên nghiệp.

Phương Loan

VietNamNet

Đọc thêm