Theo đó, từ ngày 4/7 đến 31/7/2019, Đoàn Thanh tra liên ngành của TP Hà Nội sẽ tiến hành thanh tra tại 80 đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn đang nợ BHXH, BHYT. Theo kế hoạch, Đoàn Thanh tra liên ngành sẽ chia làm 4 tổ công tác, mỗi tổ thực hiện thanh tra 20 đơn vị sử dụng lao động. Tại mỗi đơn vị, đoàn sẽ trực tiếp làm việc trong 2 ngày (không kể ngày nghỉ, ngày lễ). Thời kỳ được chọn thanh tra là từ 1/1/2018 đến thời điểm thanh tra.
Ông Vũ Đức Thuật - Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội cho biết: Thanh tra liên ngành về BHXH, BHYT đợt 1 được thực hiện đối với 100 đơn vị nợ BHXH và đã thu hồi được 29,5 tỉ đồng.
Trong số đó, có 22 đơn vị đã nộp hết số nợ với số tiền 10,4 tỉ đồng, tính đến ngày 15/6/2019. Thanh tra liên ngành đợt 2 sẽ tiến hành đối với 80 đơn vị nợ BHXH, với tổng số 4.219 lao động và tổng số nợ 34,5 tỉ đồng.
Bà Trương Thị Kim Anh - Phó Trưởng phòng Thanh tra 4, Thanh tra TP Hà Nội -cho biết: Đây là đợt thanh tra liên ngành về BHXH, BHYT thứ 2 trong năm 2019 tại Hà Nội. Đợt 1 đã thanh tra đối với 100 đơn vị nợ BHXH và số nợ truy thu đạt kết quả đáng kể.
Những đơn vị sử dụng lao động được chọn thanh tra đợt này dựa theo báo cáo của BHXH TP Hà Nội, có dấu hiệu vi phạm Luật BHXH, Luật BHYT như nợ đọng dây dưa, kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và tình hình an sinh xã hội Thủ đô.
“Đợt thanh tra này nhằm đánh giá việc chấp hành chính sách pháp luật về thu, trích nộp BHXH, BHYT theo quy định Luật BHXH, Luật BHYT tại các đơn vị sử dụng lao động. Xác định rõ nguyên nhân nợ đọng BHXH, đặc biệt là đưa ra được những giải pháp chấn chỉnh, khắc phục số nợ đó. Đợt thanh tra cũng xác minh rõ trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu đơn vị, nếu không đảm bảo quyền lợi cho người lao động theo quy định của pháp luật” - bà Trương Thị Kim Anh nhấn mạnh.
Với tư cách là Trưởng Đoàn Thanh tra liên ngành, tại buổi công bố quyết định thanh tra, bà Trương Thị Kim Anh yêu cầu các tổ công tác phải thanh tra đúng nội dung, đảm bảo tiến độ thời gian, chính xác, khách quan và không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân được thanh tra. Mặt khác, các đơn vị được thanh tra và cá nhân liên quan có trách nhiệm hợp tác, cung cấp đầy đủ, kịp thời hồ sơ tài liệu theo yêu cầu của Đoàn Thanh tra.
Đồng thời, bà Trương Thị Kim Anh cũng khuyến cáo, trường hợp các đơn vị được thanh tra tự giác chấp hành nộp đủ số tiền nợ BHXH, BHYT thì Đoàn Thanh tra sẽ tiếp nhận hồ sơ và báo cáo người ra quyết định thanh tra xem xét để có thể ra quyết định dừng thanh tra tại đơn vị.
Đại diện đơn vị được thanh tra ký biên bản công bố quyết định thanh tra |
Tính đến hết tháng 05/2019, tổng số nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội lên tới 3.432,8 tỷ đồng, chiếm 7,91% kế hoạch thu. Trong đó, có trên 34.212 đơn vị giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, hết lao động với số tiền nợ bảo hiểm là 1.109 tỷ đồng, chiếm 32,2% tổng số nợ. Đáng chú ý, có 1.1449 đơn vị nợ kéo dài từ 36 tháng với số tiền là 663,3 tỷ đồng; 367 đơn vị nợ từ 24 đến dưới 36 tháng với số tiền 169,7 tỷ đồng…Việc này sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động và an sinh xã hội trên địa bàn TP Hà Nội.