Thành triệu phú nhờ 'chim thần thoại'

(PLVN) - Đầu tư trang trại nuôi chim công lớn nhất miền Tây, anh Trần Văn Toản (ngụ khu vực Bình Yên B, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) thu về hơn 200 triệu đồng mỗi năm.
Anh Toản đã lai tạo được công ngũ sắc
Anh Toản đã lai tạo được công ngũ sắc

Nhờ thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh 

Năm 2000, anh Toản bắt tay gây dựng sự nghiệp bằng mô hình nuôi gà Đông Tảo. Lúc này, việc nuôi gà Đông Tảo đem lại lợi nhuận cao hơn so với nuôi gà truyền thống vì rất được thị trường ưa chuộng. Năm 2012, anh thành lập trang trại chăn nuôi với diện tích 1.000m2, chuyên cung cấp con giống, gà thương phẩm và gà kiểng. Tuy nhiên, chỉ sau vài năm, giống gà Đông Tảo ngày càng được nhân rộng, nuôi tràn lan khiến cho giá thành giảm dẫn đến thua lỗ, khiến anh không còn đam mê với những chú gà.

“Năm 2016, không thể tiếp tục duy trì trang trại trong tình trạng này, tôi lần mò lên mạng tìm hiểu thông tin xem có vật nuôi nào mới lạ mà đem lại hiệu quả kinh tế cao. Vô tình, tôi phát hiện chim công đang rất có giá trên thị trường, lại có bộ lông đẹp. Tôi liền bị thu hút bởi loài chim này”, anh Toản chia sẻ.

Theo đó, chim công không chỉ là loài chim quý hiếm, có vẻ ngoài đẹp đẽ, lộng lẫy, được những người có tiền “săn” về làm cảnh, thưởng ngoạn thể hiện sự sang trọng, thanh nhã. Mà bên cạnh đó, nó còn được xem là vật nuôi phong thủy, được tôn sùng trong thần thoại Hindu và Hy Lạp, được xem là quốc điểu của Ấn Độ. 

Những con chim công "đẻ ra tiền" trong trang trại của anh Toản
Những con chim công "đẻ ra tiền" trong trang trại của anh Toản

Biết được “đẳng cấp” của loài chim này, anh dần dần chuyển hướng từ nuôi gà sang nuôi công. Ban đầu, anh nhập thử 2 cặp chim công bố mẹ, thuộc giống chim công Ấn (hay còn gọi là công lam) với giá 20 triệu đồng/cặp từ Thái Lan về nuôi. 

Chỉ trong một thời gian ngắn, cặp chim giống bắt đầu sinh sản. Thấy khả quan, anh nhập thêm chim công trắng (hay còn gọi là công bạch tạng) về thuần dưỡng, lai tạo với chim công lam, cho ra chim công ngũ sắc với một vẻ đẹp đặc biệt.

Hiện tại, anh Toản đã sở hữu trang trại với khoảng hơn 60 con chim bao gồm công và trĩ bảy màu. Mỗi năm anh cung cấp ra thị trường hàng trăm con giống. “Chim công mới nở được bán với giá 1 triệu đồng/con, công Ấn 1 tháng tuổi 2 triệu đồng/cặp, công trắng 1 tháng tuổi 5 triệu đồng/cặp, chim công bố mẹ 15 - 20 triệu đồng/cặp”, anh Toản cho biết.

Với khả năng sinh sản tốt, tỉ lệ ấp nở thành công khá cao, lên đến 85%. Bình quân một con chim mái có thể “đẻ” ra cho anh Toản khoảng 20 - 30 triệu đồng/năm. Như vậy, mỗi năm anh thu về hơn 200 triệu đồng. Anh đang dự định đầu tư mở rộng chuồng trại, tiếp tục nhân giống tăng đàn chim công để cung cấp ra thị trường. 

Nuôi thế nào để công “đẻ” ra tiền?

Theo ông Trần Văn Bể (cha anh Toản) nuôi chim công khá nhàn, không tốn nhiều công chăm sóc, giá cả lúc nào ổn định, thu nhập hàng năm đều đều. Do chim có nguồn gốc hoang dã nên sức đề kháng tốt, dễ thích nghi với môi trường mới. Ngoài ra, loài này thuộc họ ăn tạp nên thức ăn của chúng cũng đơn giản, chủ yếu là thóc, cám, sâu, rau xanh, chuối  xiêm... 

Đặc biệt, loài công ăn rất ít, chỉ bằng 1/3 gà nên tiết kiệm được thêm 1 khoảng chi phí chăn nuôi. Đối với nước uống cho chim công, cần phải thật sạch và được thay mới định kỳ 1 lần/ngày. Có thể sử dụng loại máng ăn, uống dùng cho nuôi gà, vịt để đựng thức ăn, nước uống cho chim. Thường xuyên vệ sinh máng ăn, uống để trách mầm bệnh gây hại cho công.

Chuồng trại của công đòi hỏi phải khô ráo, sạch sẽ, hàng ngày phải quét dọn để chim luôn khỏe mạnh, ít bệnh. Chuồng được rào xung quanh bằng lưới mắt cáo (lưới thép B40 - PV), phía trên nóc lợp bằng lưới cước để công không thể bay ra. Vì nuôi nhân tạo, nên cần thiết kế bên trong trại thêm nhiều cành cây, mái che để công đậu, trú ẩn. Tuy nhiên, phải đảm bảo độ thoáng và đủ ấm vào mùa đông thì chim mới lớn nhanh và có bộ lông đẹp như ý. 

Công được xem là vật nuôi phong thủy mang đến may mắn, hòa khí và danh tiếng cho chủ nhân
Công được xem là vật nuôi phong thủy mang đến may mắn, hòa khí và danh tiếng cho chủ nhân

Tiêu chuẩn diện tích chuồng lại tùy thuộc vào số lượng chim công. Một chuồng rộng 3,5 - 4m, dài 5 -  6m, cao 2,7 -  3m có thể nuôi từ 4 -  6 con chim trưởng thành hoặc với tỷ lệ này cũng có thể nuôi 10 - 15 con từ 6 - 12 tháng tuổi. Ngoài ra, nên tạo một khoảng sân nhỏ để chim công tự do vận động, nhảy múa, tắm nắng. Sân và nền chuồng làm cao, dùng cát vàng làm nền chuồng để khi di chuyển lông đuôi của công không bị dính bẩn và công có thể tắm cát thoải mái..

Chim công trống có tính đa thê, mùa sinh sản được trải ra nhưng dường như phụ thuộc vào những cơn mưa. Chim công thường động dục từ 2 - 3 tuổi. Chim trống thể hiển sự tán tỉnh bằng cách xòe lông đuôi thành một cánh quạt hình cung và đi múa quanh con mái. 

Theo anh Toản: “Chim công nuôi khoảng 2 năm là trưởng thành và đủ tuổi sinh sản. Mỗi năm chim chỉ đẻ một lần, rơi vào khoảng đầu mùa xuân (khoảng tháng 12) đến cuối mùa hạ. Mỗi lần từ 25 - 27 trứng, trứng mất khoảng 28 ngày để nở. Có thể để chim mái tự ấp hoặc sử dụng máy ấp”.

Từ năm thứ ba, thứ tư trở đi, khả năng sinh sản của chim mới ổn định và tỷ lệ ấp, nở đạt kết quả cao hơn. Phòng trị bệnh cho chim công cũng giống như gia cầm, có thể thường xuyên tiêm phòng cho chim các loại vacxin theo chỉ dẫn của bác sỹ thú y.

Đọc thêm