Thảo Cầm viên Sài Gòn trả lan rừng về với thiên nhiên

(PLVN) -  Sáng ngày 21/3, tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn, hơn 2,5 tấn lan rừng đã được trả về với thiên nhiên. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án nhằm bảo tồn lan rừng, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên của Thảo Cầm Viên Sài Gòn và các đơn vị hợp tác.
Dự án “Đưa hoa lan rừng về với thiên nhiên” nhằm đảm bảo việc khai thác và bảo tồn lan rừng, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên (ảnh Ngọc Mai)

Dự án “Đưa hoa lan rừng về với thiên nhiên” do Công Ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn, Tạp chí điện tử Môi trường Xây dựng phối hợp cùng Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, Công ty TNHH Yến Thạch Hộc thực hiện.

Đây là một dự án ý nghĩa, đảm bảo việc khai thác và bảo tồn lan rừng, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên; đồng thời tập trung nguồn lực và sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, địa phương trong việc bảo tồn thiên nhiên.

Chương trình nhằm lưu giữ những giống hoa Lan rừng trên những cây cổ thụ của Thảo Cầm Viên Sài Gòn (TCV SG), từ đó người dân vừa có thể chiêm ngưỡng, vừa có thể lưu giữ những cá thể lan rừng quí hiếm trong khuôn viên TCV SG. Đây cũng là một trong những hình ảnh trực quan sinh động thực tại giúp những du khách có ý thức trong việc gìn giữ loài hoa lan rừng quí mà thiên nhiên ban tặng.

Lần này, TCV SG sẽ trả về thiên nhiên 2,5 tấn lan với nhiều giống lan như Lan kiếm , Phi điệp, Ngọc điểm… của những cánh rừng Hòn Hèo, Nam Cát Tiên, Bù Gia Mập, Măng Đen, Buôn Đôn… đã được nhân giống thành công.

Lễ phát động và kí kết chương trình hợp tác dự án “Đưa hoa lan rừng về với thiên nhiên” (ảnh Ngọc Mai)

Tại buổi lễ phát động và kí kết chương trình hợp tác dự án “Đưa hoa lan rừng về với thiên nhiên”, bà Huỳnh Thu Thảo, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Một TV Thảo Cầm Viên Sài Gòn cho biết: “Thú chơi lan từ lâu đã phát triển mạnh tại TP HCM nói riêng và nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Thế nhưng, chính từ nhu cầu chơi lan ngày càng đông và lan rộng đã xuất hiện một số người chuyên “săn” lan để tìm kiếm những gốc lan có giá trị cao, khiến một số loại lan rừng quý hiếm đã không còn xuất hiện ở Việt Nam.

Vì vậy, nhằm bảo vệ lan rừng chúng ta cần hành động triệt để và mạnh mẽ hơn. Để có thể bảo tồn và nuôi dưỡng các giống lan rừng còn lại hiện nay, các cơ quan chức năng cần quyết liệt đưa ra các biện pháp bảo tồn các loài thực vật quý hiếm, trong đó có lan rừng bằng các biện pháp thiết thực như hỗ trợ các địa phương thành lập các khu bảo tồn; khuyến khích người dân thực hiện các kế hoạch về bảo tồn lan rừng; tuyên truyền nhân dân bảo vệ vẻ đẹp nguyên sơ của đại ngàn…

Thông qua hoạt động “trả lan rừng về với thiên nhiên”, TCV SG mong muốn góp phần bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, đồng thời giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ và chăm sóc để các loài lan rừng, làm đẹp thêm hệ sinh thái của nước ta”.

Về kĩ thuật cấy ghép lan rừng, bà Trần Thị Thúy Hằng, Phó Giám đốc phụ trách Xí nghiệp Thực vật TCV SG chia sẻ, các kĩ sư nông nghiệp đã có sự nghiên cứu kĩ lưỡng và lựa chọn khu vực có tầng cây tương đối râm mát, mặt đất ẩm để tập trung thực hiện cấy ghép lan giống. Dự kiến, sau 3 tháng, lan rừng có thể cứng cáp, thích nghi với khí hậu, môi trường là có thể bắt đầu thực hiện nhân giống rộng rãi khắp các cây xanh trong khu vực TCV.

Kĩ thuật viên thực hiện cấy ghép lan rừng lên cây cổ thụ tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn (ảnh Ngọc Mai)

Được biết hoạt động cấy ghép, bảo tồn lan rừng đã diễn ra tại một số địa phương trên cả nước. Từ nhiều năm nay, Thái Lan, một đất nước có nền nông nghiệp phát triển đã thành công mạnh mẽ trong việc cấy ghép lan rừng, kết hợp phát triển du lịch.

Tại TPHCM, đây là hoạt động cấy ghép, bảo tồn lan rừng có quy mô lớn hàng đầu. Dự án ý nghĩa này đang được giới trẻ và đông đảo người dân TPHCM bày tỏ sự ủng hộ. Hy vọng dự án sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp, góp phần bảo vệ thiên nhiên, nâng cao ý thức người dân, đồng thời sẽ là một điểm nhấn đẹp cho du lịch TPHCM.

Đọc thêm