Hàng loạt dự án đổi đất lấy hạ tầng (BT) quy mô được nhà đầu tư trả lại cho Nhà nước. Khác với thời điểm trước đây, những dự án này giờ đang trở thành "trái đắng" của nhà đầu tư…
|
Lễ khởi công xây dựng đường cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình hồi năm 2010 |
Dù đã được “úp mở” từ lâu, nhưng trong một diễn biến mới nhất, Tập đoàn Nam Cường đã chính thức xin bàn giao lại dự án Khu đô thị Quốc Oai cho Hà Nội.
Đây là dự án có quy mô 1.200 ha, là công trình đối ứng của dự án Đường trục phát triển kinh tế, xã hội Bắc Nam do Nam Cường làm chủ đầu tư theo hình thức BT.
Nguyên nhân trả lại dự án, phía nhà đầu tư cho hay do thị trường bất động sản trầm lắng nên buộc lòng phải phải cơ cấu lại danh mục đầu tư cho phù hợp. Đại diện tập đoàn này nói rằng, vì dự án chưa triển khai đền bù nên việc thôi không tiếp tục triển khai dự án không ảnh hưởng đến vấn đề tài chính của doanh nghiệp.
Không chỉ riêng gì dự án này, Nam Cường cũng đã trả lại Hà Nội dự án Khu đô thị Thạch Thất với quy mô trên 800 ha.
Với tổng mức đầu tư khủng lên đến 18.000 tỷ đồng như công bố, dư luận cũng từng bất ngờ trước thông tin Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) tiến hành nhảy vào thực hiện dự án đường cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình. Đây là dự án được triển khai theo hình thức BT.
Tuy nhiên, duyên tình với đường cao tốc của doanh nghiệp này xem ra cũng đứt đoạn, bởi mới đây, Geleximco đã chính thức xin dừng triển khai dự án đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình do không thể hoàn thành công trình theo tiến độ đã cam kết.
Ông Nguyễn Văn Thái, một người dân sống ở xã Tiến Xuân, nơi gần con đường cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình, cho biết, ngay khi biết có đường cao tốc mới, đất đai thời điểm đó vốn đã “sốt” lại càng thêm “tăng nhiệt” hơn. “Người Hà Nội đổ xô lên mua đất, giá nào họ cũng mua vì tâm lý “đón” dự án mới”, ông Thái nói.
Rầm rộ khởi công vào cuối năm 2010 khi thị trường bất động sản đang ở đỉnh cao, nhiều chuyên gia cho hay Geleximco kỳ vọng vào quỹ đất đối ứng khi thực hiện dự án quy mô khổng lồ này. Dự án này có chiều dài khoảng 33km, trong đó đoạn qua Hòa Bình cần 6.745 tỷ đồng và đoạn qua TP Hà Nội 11.021 tỷ đồng.
Mặc dù khẳng định là dự án trọng điểm, nhưng phía Geleximco cho hay do tổng mức đầu tư quá lớn, kinh tế đang trong giai đoạn suy thoái vì vậy chủ đầu tư khó có thể thu xếp được dòng vốn để triển khai.
Số phận của con đường gần 20.000 tỷ đồng gần như đã được định đoạt, chủ đầu tư ban đầu của nó là Geleximco sẽ trả lại cho địa phương hoặc là bàn giao lại cho Bộ Giao thông Vận tải.
Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, ông Đặng Hùng Võ, bình luận rằng có thể đã có sự dễ dãi trong việc phê duyệt các dự án theo phương thức BT. Khi dự án bị cầm chừng hoặc bị trả lại, thì những hậu quả được ông Võ gọi là “nghiêm trọng” sẽ nhìn thấy rõ. Đó là sự lãng phí đất đai, tiền bạc của nhân dân. Rõ ràng là có mối liên hệ giữa thị trường bất động sản với các dự án BT khi các nhà đầu tư “xắn tay” vào thực hiện. Và khi “nước lên thì thuyền lên”, theo như ông Võ, khi bất động sản tăng mạnh thì các nhà đầu tư xin “đất tốt” để thực hiện các dự án BT. Tuy nhiên, khi bất động sản xuống dốc cũng là lúc chủ đầu tư khó khăn về nguồn lực thực hiện dự án, dẫn đến đất đai bị lãng phí.
Theo Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội, qua kết quả kiểm tra, rà soát mới đây cho thấy, mới chỉ có 5 dự án trên tổng số 63 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng. |
Việt Hưng