Bộ Tư pháp cho biết, thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, ở Trung ương, tính đến năm 2015, tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ đều đã thành lập Cục, Vụ Pháp chế; tổ chức pháp chế của các cơ quan thuộc Chính phủ cũng đã được thành lập, củng cố, kiện toàn; ở nhiều tổng cục và tương đương, cục trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ cũng đã thành lập tổ chức pháp chế chuyên trách hoặc bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác pháp chế.
Đến nay, có 5.759 người làm công tác pháp chế (chuyên trách là 1.784 người, kiêm nhiệm là 3.975 người) được biên chế tại các tổ chức pháp chế thuộc bộ, ngành, hầu hết đều có trình độ đại học luật trở lên. Ở cơ quan chuyên môn thuộc UBND các tỉnh, thành phố, đã thành lập được 286 Phòng Pháp chế (trước năm 2011 có 40 Phòng Pháp chế và có 70 Tổ công tác pháp chế), với số lượng là 2.059 người, trong đó có 1.071 người có trình độ đại học luật trở lên, đạt hơn 52% (chuyên trách là 1.312 người, kiêm nhiệm là 747 người).
Luật Ban hành VBQPPL 2015 quy định: “Nhà nước có chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ, công chức tham gia xây dựng, ban hành VBQPPL phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ quy định tại Luật này; hiện đại hóa phương tiện, hạ tầng kỹ thuật; bảo đảm kinh phí cho hoạt động xây dựng chính sách, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện và ban hành VBQPPL”.
Để triển khai thi hành Luật năm 2015, hiện nay Bộ Tư pháp đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Nghị định quy định chi tiết Luật Ban hành VBQPPL 2015, trong đó có nhiều nội dung quan trọng liên quan đến vấn đề bảo đảm nguồn lực trong xây dựng và ban hành VBQPPL. Dự thảo văn bản nêu trên đã được đăng tải, xin ý kiến góp ý của bộ, ngành, địa phương.