Chán thịt, bánh chưng, giò chả… sau Tết Nguyên đán, người Hà Nội xếp hàng mua các loại đồ ăn giải ngấy khiến các mặt hàng thực phẩm như rau xanh, cá, đậu phụ luôn hút khách, thậm chí, nhiều loại còn trong tình trạng cháy hàng.
Theo ghi nhận của PV, nhộn nhịp nhất là mặt hàng rau xanh, thịt bò, lợn... Giá các loại rau xanh không những không giảm mà còn tăng thêm từ 5-10 nghìn đồng.
Cụ thể, cải bắp 30 nghìn/kg (tăng 8-10 nghìn so với trước Tết), cải xoong 12 nghìn/mớ (tăng gấp 2 lần), cải cúc 20 nghìn đồng/mớ (tăng gấp 3 lần), khoai tây 30 nghìn/kg (tăng 10 nghìn đồng), cà chua 40 nghìn/kg (tăng 10 nghìn đồng). Riêng có cải ngọt và súp lơ giảm nhẹ so với thời điểm trước Tết. Ở thời điểm hiện tại, cải ngọt có giá 35 nghìn/kg (giảm 5 nghìn), súp lơ 15 nghìn/cây (giảm 10 nghìn).
Lý giải nguyên nhân dù trời ấm hơn nhưng giá rau vẫn tăng cao, chị Hà Thị Anh tiểu thương tại chợ Gia Lâm (Long Biên) cho biết: “Vừa qua, đợt rét đậm có mấy ngày, rau làm sao phát triển nhanh thế được. Nguồn cung vẫn còn hạn chế, các chị phải lấy rau từ đầu nguồn, vận chuyển cũng tốn kém nên giá rau vẫn cao là chuyện đương nhiên”.
Bên cạnh mặt hàng rau xanh, giá thịt các loại cũng tăng từ 20-50 nghìn/kg so với trước Tết. Thịt lợn có giá từ 100-110 nghìn/kg (tăng 10-20 nghìn), thịt bò 300nghìn/kg (tăng 50 nghìn), thịt bê 280 nghìn/kg, thịt gà 150 nghìn/kg (tăng 20 nghìn)…
Trong khi rau tăng giá thì các loại cá đang giảm về với mức giá như ngày thường. Đơn cử như: cá chép loại 1,5kg/con trở lên có giá 75.000 đồng/kg, cá trắm đen giá 150.000 đồng/kg, cá trắm cỏ loại 3,5kg/con trở lên có giá 80.000 đồng/kg, loại nhỏ hơn giá 70.000 đồng/kg, cá rô phi loại 1kg/con trở lên giá 45.000 đồng/kg…
Chị Cao Thị Mai bán cá tại chợ Gia Lâm (Long Biên) chia sẻ, hai ngày gần đây mỗi ngày chị bán hết nửa tấn cá gồm cá trắm, chép, rô phi, cá quả. Khách mua tấp nập, giờ cao điểm thì khách thường phải xếp hàng chờ 10-15 phút mới tới lượt mua vì chị cân và làm cá không kịp.
“Như hôm nay, mới có hơn 4 giờ chiều mà cá quả, cá trắm đã cháy hàng, giờ chỉ còn 2 con cá chép và mấy con cá rô phi loại nhỏ”. chị Mai nói và cho biết, trong Tết dân ăn thịt nhiều nên sau Tết họ tìm mua cá về ăn để giải ngấy khiến các loại cá bán đắt như tôm tươi.
Trước tình trạng giá rau ngày một tăng, bạn Hạnh (sinh viên trường Đại học Giao thông vận tải) chia sẻ: “Giá rau ở quê rẻ hơn khoảng 10-15 nghìn so với Hà Nội. Em cùng các bạn trong phòng trọ chia nhau mang rau từ nhà lên ăn, có hơi cực tý nhưng rẻ mà an toàn”.
Với các gia đình không quen tự cung tự cấp rau thì nguyện vọng mua được rau sạch là rất lớn, song, chuyện đi siêu thị cũng là khó khăn với dân công sở hoặc những người bận bịu. Do đó, nhiều cá nhân quyết định mở cửa hàng chuyên bán rau sạch kèm dịch vụ giao hàng tận nhà.
Nhiều dân văn phòng tận dụng được các vườn rau ở quê hay tại nhà còn nảy ra ý tưởng bán rau online cho khách hàng. Chị Hồng Nhung (nhân viên văn phòng) cũng cho biết: Bố mẹ ở quê đất rộng, nên tranh thủ canh tác 5 vườn rau bao gồm các loại: Rau cải, đỗ dài, xu hào, bắp cải, cà rốt, khoai lang, các loại rau ăn sống...để gửi cho vợ chồng chị trên Hà Nội ăn dần.
"Lo ngại vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, rau nhiều thuốc trừ sâu, bố mẹ tôi ở quê trồng rau gửi lên để hai vợ chồng ăn dần. Tuy nhiên, vì trồng quá nhiều không ăn hết nên tôi và chồng tranh thủ bán cho đồng nghiệp và bạn bè tại Hà Nội. Ngoài giờ làm, chị cùng chồng tranh thủ buổi trưa, chiều đi giao hàng cho các khách hàng quanh khu vực".
Chị Hồng Nhung chia sẻ thêm, rau sạch nhà chị bán vừa rẻ hơn giá rau tại chợ, lại an toàn, không chứa thuốc trừ sâu. Nhiều đồng nghiệp có con nhỏ thay vì phải vào siêu thị mua rau an toàn thì thường mua của chị. Số lượng rau bố mẹ chị gửi từ quê không đủ cung cấp cho người mua nên sắp tới chị tính sẽ mở rộng quy mô trồng rau dưới quê, thuê thêm đất nhà hàng xóm để có nguồn cung rau sạch ổn định.
Không chỉ bán các loại rau sạch, chị Nhung còn bán thêm cả trứng gà ta, các loại nấm tự trồng... "Công việc kinh doanh thuận lợi nên sắp tới, tôi dự tính sẽ vừa làm công việc văn phòng, vừa kinh doanh rau sạch trên mạng".
Theo tiểu thương tại các chợ, rau xanh, đậu phụ, cá… hút khách mua, nhiều loại cháy hàng một phần là do nhu cầu của người dân mua đồ ăn giải ngấy tăng cao sau mấy ngày Tết ăn nhiều thịt, bánh. Phần khác nữa là do tại các chợ, đa phần tiểu thương vẫn còn nghỉ Tết, chưa mở hàng bán lại nên nguồn hàng ở chợ khan hiếm. Tuy nhiên, các tiểu thương cũng chia sẻ, mặc dù hàng hóa hút khách mua nhưng giá lại đang có xu hướng giảm dần về lại mức giá ngày thường chứ không tăng mạnh như những năm trước đó.