1 năm, trên 13 triệu vụ việc vi phạm hành chính

(PLO) - Bộ Tư pháp vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2014. Một con số giật mình được nêu ra tại báo cáo này là đã có tới trên 13,4 triệu vụ việc vi phạm hành chính xảy ra trong năm 2014 với số tiền phạt thu được trên 11.883 tỷ đồng. 
1 năm, trên 13 triệu vụ việc vi phạm hành chính
Áp dụng luật chưa nghiêm
Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, nhìn chung việc tổ chức triển khai áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) chưa thật sự nghiêm túc do Luật XLVPHC có nhiều quy định mới, phức tạp, các địa phương ngại thực hiện hoặc lúng túng trong quá trình triển khai. 
Điều này thể hiện qua số liệu về các vụ VPHC bị đề nghị áp dụng các biện pháp hành chính năm 2014 là rất ít, chủ yếu là các vụ vi phạm xảy ra trước 1/1/2014 và được xem xét, áp dụng theo quy định của Pháp lệnh XLVPHC năm 2002 (sửa đổi, bổ sung năm 2008). Trong tổng số trên 13,4 triệu vụ việc vi phạm xảy ra, chỉ có hơn 8,8 triệu quyết định xử phạt được ban hành. 
Bên cạnh bất cập này, nhiều khó khăn trong vấn đề nhân sự, kinh phí cho công tác theo dõi thi hành pháp luật (THPL) về XLVPHC cũng đã được Bộ Tư pháp báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, thực hiện quy định của Luật XLVPHC và các văn bản hướng dẫn thi hành, các Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm kiện toàn tổ chức, bộ máy, bố trí nguồn nhân lực để triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý thống nhất công tác THPL về XLVPHC. 
Qua báo cáo của các Bộ, ngành cho thấy, đa số các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã giao cho Vụ Pháp chế là đơn vị đầu mối triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác THPL về XLVPHC, bố trí từ 01 đến 03 cán bộ thực hiện công tác này. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác THPL về XLVPHC còn thiếu về số lượng, kiêm nhiệm nhiều công việc. 
Do đó, khi thực hiện nhiệm vụ liên quan đến quản lý công tác THPL về XLVPHC còn có những khó khăn, vướng mắc nhất định, đặc biệt là đối với những việc tham mưu, xử lý những vụ việc liên quan đến nghiệp vụ chuyên sâu. 
Cùng với nhân sự, kinh phí cho công tác theo dõi THPL về XLVPHC cũng là một vấn đề nan giải. Bên cạnh đó, do chưa có hướng dẫn cụ thể của cấp có thẩm quyền nên hiện nay kinh phí và các điều kiện, phương tiện đảm bảo hoạt động cho quản lý công tác THPL về XLVPHC chưa được bố trí, chỉ lồng ghép trong các hoạt động chuyên môn các lĩnh vực khác. 
Bước đầu chuyển biến
Mặc dù còn nhiều khó khăn và trong năm 2014 hầu hết các Bộ chưa xây dựng kế hoạch kiểm tra việc theo dõi THPL về XLVPHC nhưng công tác kiểm tra việc THPL về XLVPHC  đã được các Bộ quan tâm, tổ chức thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: tổ chức các đoàn kiểm tra; lồng ghép hoạt động theo dõi THPL với nhiệm vụ quản lý công tác THPL về XLVPHC thông qua các chuyên đề theo dõi THPL về XPVPHC trong từng lĩnh vực cụ thể…
Tại các địa phương, mặc dù công tác kiểm tra, kiểm tra liên ngành việc THPL về XLVPHC mới được quy định và đang trong giai đoạn đầu triển khai thực hiện nhưng nhiều địa phương đã rất quan tâm thực hiện, thường xuyên đôn đốc làm tốt chức năng hướng dẫn, kiểm tra, việc thực hiện các quy định của pháp luật để ngăn chặn và cương quyết xử lý dứt điểm, triệt để mọi hành vi vi phạm ngay từ khi mới phát sinh. 
Bên cạnh các địa phương có kế hoạch kiểm tra, một số địa phương đã thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất để kiểm tra tình hình THPL về XLVPHC trong các lĩnh vực “nóng” như: đất đai, môi trường, xây dựng, giao thông đường bộ… 
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác này, bên cạnh việc đề nghị được bố trí nhân sự, kinh phí phù hợp, Bộ Tư pháp cũng đề nghị Chính phủ ban hành một Nghị định quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về XLVPHC và ban hành văn bản hướng dẫn về công tác kiểm tra, xử lý tình hình THPL về XLVPHC để các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương có cơ sở thực hiện kiểm tra tình hình THPL về XLVPHC trong lĩnh vực, địa bàn quản lý của mình. 
Theo báo cáo của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố và các cơ quan hữu quan, VPHC diễn ra trên mọi lĩnh vực, trên khắp các địa bàn tỉnh, thành trên cả nước. Trong đó, chỉ riêng trong lĩnh vực an toàn giao thông, tổng số vụ vi phạm đã là trên 4 triệu vụ với tổng số tiền phạt trên 2.365 tỷ đồng. Tiếp đến là các lĩnh vực như an ninh trật tự, an toàn xã hội với trên 1,2 triệu vụ vi phạm, số tiền phạt trên 646 tỷ đồng; xây dựng, đất đai 6.255 vụ vi phạm với số tiền phạt trên 18 tỷ đồng; bảo vệ môi trường 2569 vụ vi phạm, với số tiền phạt trên 42 tỷ đồng…

Đọc thêm