Hoạt động từ năm 2007 đến nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp tỉnh Tiền Giang được giao nhiệm vụ, có kế hoạch hoạt động hàng năm, nhiệm kỳ và được đánh giá xếp loại thi đua như các hội khác. Tuy nhiên cho đến nay, mới chỉ có 48/157 xã, phường, thị trấn và 9/11 huyện, thị, thành được công nhận Hội đặc thù và cấp kinh phí hoạt động.
Tại khoản 12, điều 23 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, ngày 21/4/2010 của Chính phủ Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội có nêu rõ: Được nhận các nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật. Được nhà nước hỗ trợ kinh phí đối với những hoạt động gắn với nhiệm vụ của nhà nước giao, thế nhưng 109 xã, phường, thị trấn còn lại trong tỉnh vẫn chưa được công nhận là hội đặc thù, phần lớn chưa được cấp kinh phí hoạt động và phụ cấp cho người làm công tác Hội.
Dù vậy, các cấp hội vẫn hoạt động đều đặn, làm tốt công tác, đặc biệt là vận động nguồn lực để giúp đỡ nạn nhân nhiễm chất độc da cam trên địa bàn tỉnh rất hiệu quả và thiết thực, nhiều gia đình nạn nhân vượt qua khó khăn do bệnh tật, biết mưu sinh vươn lên trong cuộc sống; rõ nét hơn, nguồn kinh phí vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ nạn nhân tăng cao hàng năm.
|
Lễ bàn giao “Mái ấm da cam” cho gia đình nạn nhân Trần Thị Hồng (người mặc áo xanh bên trái) |
Riêng năm 2020, nạn nhân chất độc da cam/dioxin tăng 878 người, nâng tổng số nạn nhân lên 11.750 người trên toàn tỉnh. Hội đã vận động tiền, hiện vật từ các tổ chức, cá nhân nhằm giúp đỡ cho các nạn nhân với tổng số tiền hơn 18 tỷ đồng. Trong đó, đã hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân trên địa bàn tỉnh thông qua các hoạt động tặng hơn 44.000 suất quà; xây dựng 44 “Mái ấm da cam”; hơn 2.000 suất khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí; tặng 53 xe lăn, xe lắc; tặng 15 xe đạp và nhiều phần học bổng cho học sinh là nạn nhân nghèo…
Ông Dương Quốc Thanh - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã An Hữu, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, tâm sự “Tôi là một cán bộ hưu trí, dù không được hưởng tiền trợ cấp hơn 10 năm qua, nhưng với đồng lương hưu ít ỏi của mình, hàng tháng xuất ra một ít để làm chi phí cho hoạt động Hội, đi đây đi đó vận động tìm nguồn hỗ trợ cho nạn nhân, bởi hầu hết gia đình nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam đều sống rất khó khăn, thiếu thốn mọi thứ; nhiều nạn nhân phải chịu nỗi đau do bệnh tật hoành hành, tối rất cảm thông với họ. Có thể nói nạn nân da cam là người nghèo khổ nhất trong những người nghèo khổ, đau khổ nhất trong những người đau khổ…”.
Để tạo điều kiện tốt cho những người làm công tác Hội, nhiều năm qua, Hội tỉnh đã khảo sát tình hình hoạt động nhiều Hội cơ sở và gửi các công văn phản ánh, kiến nghị với các ngành chức năng và lãnh đạo các cấp, để có nguồn hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin cùng cấp với mức hỗ trợ cụ thể do UBND cấp xã xem xét, tùy theo số lượng nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn nhưng vẫn chưa được giải quyết thoả đáng.
Sau nhiều năm đề xuất, phản ánh, đến nay UBND tỉnh Tiền Giang đã ra công văn số 6376 ngày 30/12/2020 về việc quy định chi tiết mức chi tiền công 01 ngày của người được giao thực hiện nhiệm vụ của các Hội chưa được công nhận là hội đặc thù. Đây là một trong những hoạt động ghi nhận sự đóng góp của những người làm công tác Hội trong suốt nhiều năm qua
Năm 2021, việc hỗ trợ kinh phí hoạt động và tiền công cho cán bộ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin của 109 xã và Hội thị xã Gò Công, thị xã Cai Lậy không chỉ còn trên văn bản, mà với trách nhiệm của mình UBND cùng cấp sẽ sớm giải quyết theo chỉ đạo để các Hội nhận nhiệm vụ Nhà nước không phải tiếp tục trông chờ./.