Thảo luận dự án Luật Tố tụng hành chính, Luật Thanh tra (sửa đổi)

Ngày làm việc thứ tư, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XII, các đại biểu làm việc tại hội trường, thảo luận các dự án Luật Tố tụng hành chính, Luật Thanh tra (sửa đổi)

Ngày làm việc thứ tư, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XII, các đại biểu làm việc tại hội trường, thảo luận các dự án Luật Tố tụng hành chính, Luật Thanh tra (sửa đổi).

Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh tại kỳ họp.  Ảnh:  PV
Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh tại kỳ họp.
Ảnh: PV
Thảo luận dự án Luật Tố tụng hành chính, phần lớn các đại biểu đồng tình với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tố tụng hành chính. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị làm rõ khái niệm "quyết định hành chính" để tránh tình trạng một số cơ quan "lách luật" ra quyết định không phải dưới dạng quyết định hành chính gây khó khăn cho toà án khi xử lý và người dân khởi kiện. Về khởi kiện vụ án hành chính (điều 104), đại biểu Lê Văn Hưng (Hưng Yên) đề nghị, cần bổ sung cơ chế, bộ máy, lực lượng cho ngành Toà án có đủ điều kiện giải quyết hiệu quả các vụ khởi kiện hành chính, để việc thực hiện luật được khả thi. Về phát biểu của Kiểm sát viên (điều 161) khi tham gia các phiên toà, phiên họp của Toà án, vẫn còn hai luồng ý kiến khác nhau. Một số đại biểu tán thành như dự thảo luật đã nêu. Số khác lại đề nghị dự thảo luật cần quy định Kiểm sát viên vừa được phát biểu về kiểm sát việc tuân theo pháp luật của thẩm phán, Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng đồng thời phát biểu về việc giải quyết vụ án. Liên quan việc xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao (NDTC), dự thảo luật quy định tại các điều 228, 229, 237 và 238 cho phép Hội đồng Thẩm phán Toà án NDTC được xem xét lại Quyết định của mình khi có kiến nghị của Chánh án Toà án NDTC hoặc của Viện trưởng Viện KSNDTC với những thủ tục khá chặt chẽ. Tuy nhiên, một số đại biểu lại đề nghị, cơ quan yêu cầu Hội đồng Thẩm phán Toà án NDTC xem xét lại những bản án giám đốc thẩm có sai sót là các cơ quan có thẩm quyền như Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ QH. Các đại biểu QH phát biểu ý kiến cũng tán thành dự thảo luật quy định giao Bộ Tư pháp giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính. Ngoài ra, các đại biểu còn đề cập một số vấn đề như cần quy định rõ hơn vai trò của luật sư, việc xác minh, thu thập chứng cứ, thẩm quyền của tòa án quân sự giải quyết các khiếu kiện quyết định hành chính, vi phạm hành chính trong quân đội... trong dự thảo luật

Thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), phần lớn các đại biểu đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung như Ban soạn thảo đã quy định. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cần làm rõ một số khái niệm về quyền hạn, trách nhiệm và địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra. Về địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra, nhiều đại biểu cho rằng, cơ quan thanh tra cần được tổ chức theo hướng vừa gắn với hoạt động quản lý nhà nước, nhưng có tính độc lập tương đối với cơ quan quản lý nhà nước. Đề nghị cơ quan thanh tra phải được xây dựng theo hướng bảo đảm tính độc lập cao với cơ quan quản lý nhà nước như Kiểm toán nhà nước, hoặc như cơ quan tư pháp. Vì thanh tra là hoạt động chuyên ngành, có nhiệm vụ thanh tra, phát hiện những vụ việc tiêu cực, nhất là tham nhũng, lãng phí. Nhiều đại biểu đề nghị, không nên quy định thanh tra các cấp là cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND, vì như vậy không bảo đảm tính độc lập trong hoạt động thanh tra.

Về chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra nhân dân, một số đại biểu tán thành với quy định đưa Thanh tra nhân dân vào luật và nâng cao tính pháp lý của Ban Thanh tra nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi giúp Thanh tra nhân dân hoạt động có hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó, để hoạt động thanh tra nhân dân mang tính thực chất, Ban Thanh tra nhân dân phải do nhân dân tại cơ sở bầu và thanh tra viên không được kiêm nhiệm chức vụ chính quyền. Ban Thanh tra nhân dân chịu sự giám sát của MTTQ cơ sở. Về cơ quan thanh tra chuyên ngành, có nhiều ý kiến trái ngược chung quanh việc thành lập thanh tra chuyên ngành thuộc bộ, ngành chuyên môn, hay lập cơ quan thanh tra chuyên ngành riêng, hoạt động độc lập. Nhiều đại biểu cho rằng, nên lập cơ quan thanh tra chuyên ngành riêng biệt, còn hoạt động thanh tra tại các bộ, ngành hiện nay chỉ là hoạt động thanh tra, kiểm tra bình thường và không mang tính chuyên ngành. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác cho rằng, điều này chưa thể thực hiện trong điều kiện hiện nay và làm phình bộ máy hành chính.

Quốc hội tiếp tục làm việc./.

Đọc thêm