Ngày 26-5, Quốc hội nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật con nuôi; thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau về dự thảo Luật Con nuôi; Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bưu chính; thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bưu chính.
|
Luật trước hết vì người được nhận nuôi, chứ không phải người nhận nuôi
Thảo luận tại hội trường về những nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Con nuôi, các đại biểu đề nghị Luật cần quy định rõ lệ phí, chi phí đăng ký giải quyết con nuôi, quy định chi tiết việc nuôi con nuôi ở khu vực biên giới cũng như vấn đề khuyến khích nhận trẻ em bị khuyết tật, nhiễm HIV/AIDS làm con nuôi… nhằm thực hiện đạo lý chung trong vấn đề con nuôi: Luật trước hết vì người được nhận nuôi, chứ không phải người nhận nuôi. Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đề nghị xem xét lại điều 14. Khoản 2, điều 14, có nói: người chưa được xóa án tích về một trong các tội như xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm người khác, ngược đãi ông bà, cha mẹ ..., ép buộc dụ dỗ trẻ vị thành niên phạm tội và mua bán đánh tráo trẻ em thì không được nhận nuôi con nuôi. Đại biểu băn khoăn rằng, người đã phạm những tội như vậy, chỉ sau một vài năm tòa án xử, không tái phạm là được xóa án tích, liệu có thay đổi được bản chất hay không. Đại biểu cho rằng không nên để những người này nuôi con, vì mục đích nuôi con nuôi vì quyền lợi trẻ em, không phải vì để những người này đỡ cô đơn lúc tuổi già.
Đồng tình với quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định, chính sách của Đảng, Nhà nước thực hiện đạo lý chăm lo việc tìm mái ấm gia đình cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chứ không phải là tìm trẻ em cho cha mẹ. Trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt thì Nhà nước phải chăm lo tìm mái ấm gia đình nơi có thể trưởng thành, phát triển bình thường và thậm chí có thể tốt hơn, thay vì việc đi tìm trẻ em cho cha mẹ để đáp ứng nhu cầu của cha mẹ. Đặt lợi ích của trẻ em là trên hết, chứ không phải lợi ích của cha mẹ. Bộ trưởng cũng khẳng định, đối với sự trưởng thành, phát triển của trẻ em, không có môi trường nào tốt nhất bằng môi trường chính đất nước mình đã sinh ra. Đây là nguyên tắc đã được quy định trong Công ước Lahay là chỉ có thể tìm gia đình thay thế cho trẻ em ở nước ngoài khi không có điều kiện trong nước. Vì thế các điều kiện đối với người nuôi con nuôi cần phải rất chặt chẽ.
Không “phân bước” trong giải quyết tranh chấpdịch vụ bưu chính
Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cho rằng, luật quy định người sử dụng dịch vụ bưu chính khi khởi kiện thì phải có điều kiện: có đơn khiếu nại và phải được các cơ quan chức năng giải quyết khiếu nại trong thời hiệu đó. Nếu vượt qua thời hiệu hoặc không đồng ý mới được khởi kiện ra tòa hoặc ra trọng tài. Theo đại biểu, đó là sự hạn chế về quyền của người sử dụng dịch vụ. Nên quy định để người sử dụng dịch vụ có thể lựa chọn hoặc là các biện pháp theo quy định của Luật Thương mại, đó là thương lượng, hòa giải hoặc có thể khởi kiện trực tiếp mà không cần phải có điều kiện khiếu nại trước. Đại biểu Nguyễn Thu Hà (Gia Lai) cho rằng, hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính được giao kết bằng văn bản phải được lập bằng tiếng Việt để tránh phát sinh những trường hợp tranh chấp về hợp đồng mà hai bên không thống nhất về ngữ nghĩa của các từ ngữ sử dụng trong hai hợp đồng. Đại biểu Trần Thế Vượng (Hải Dương) cho rằng, tranh chấp giữa hai bên đương nhiên là một bên thấy bên kia vi phạm và gây thiệt hại thì có thể yêu cầu bên đó khắc phục làm đúng hợp đồng, nếu gây thiệt hại thì yêu cầu bên kia bồi thường. Nếu yêu cầu đó phía bên kia không chấp nhận, không thực hiện thì có quyền khởi kiện ra tòa hoặc ra trọng tài, chứ không chia làm hai giai đoạn: khiếu nại, không giải quyết khiếu nại mới khởi kiện. Đại biểu cũng cho rằng, dự án Luật chỉ thể hiện được nội dung bên sử dụng dịch vụ khiếu nại với bên cung cấp, không thấy quy định nào nói về bên cung cấp dịch vụ được quyền khiếu nại, khởi kiện bên sử dụng dịch vụ. Vì vây, cần làm rõ trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ và sử dụng dịch vụ trong giải quyết tranh chấp.
Hôm nay, Quốc hội tiếp tục làm việc.
Đại biểu Lê Thị Mai ( Hải Phòng ): Cần quy định rõ vấn đề theo dõi, kiểm tra việc nuôi con nuôi
Vấn đề theo dõi, kiểm tra, giám sát việc nuôi con nuôi sau khi quan hệ nuôi con nuôi đã được xác lập là giai đoạn rất quan trọng. Bởi vì chúng ta không chỉ làm nhiệm vụ xác lập việc lập quan hệ nuôi con nuôi là xong, mà còn phải biết rõ trẻ có được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt không. Nhất là trong thực tế hiện nay, nhiều trẻ em còn bị xâm hại, bị ngược đãi thì trẻ được cho làm con nuôi càng cần được theo dõi và kiểm tra. Có một thực tế nữa là việc theo dõi và giám sát về lĩnh vực nuôi con nuôi, theo cá nhân tôi, qua việc nghiên cứu tài liệu cung cấp thông tin để có những thông tin tham gia ý kiến vào xây dựng dự thảo luật này, việc theo dõi về lĩnh vực này còn rất sơ sài, ngay những thông tin tóm lược về vấn đề nuôi con nuôi khi đại biểu Quốc hội được cung cấp thông tin, mới chỉ có báo cáo của 2/3 số tỉnh, thành phố trong cả nước, chưa phải cả các tỉnh, thành phố trong cả nước nắm một cách đầy đủ về vấn đề này. Vì vậy, chúng tôi thấy thực tế luật quy định chưa chặt chẽ, tôi đề nghị chuyển khoản 2, điều 23 thành điểm d, khoản 3, điều 49 và bổ sung như sau: "Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cha mẹ nuôi thường trú có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện việc nuôi con nuôi, kịp thời ngăn ngừa những hành vi ngược đãi, lạm dụng xâm hại con nuôi"
Vấn đề nữa, trẻ được cho làm con nuôi người nước ngoài tại điều 23 và điều 39 mới chỉ là quy định đối với trẻ cho con nuôi trong nước, còn lại tôi chưa thấy quy định trách nhiệm cụ thể về quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này. Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung vào điều 48 trách nhiệm của Bộ Ngoại giao trong việc chỉ đạo các cơ quan đại diện ở nước ngoài, trong việc theo dõi, kiểm tra tình hình nuôi con nuôi đối với trẻ em Việt Nam được cho làm con nuôi ở nước ngoài.