(HPĐT)- Ngày 24-5, Quốc hội nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thi hành án hình sự; thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thi hành án hình sự; nghe báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trọng tài thương mại; thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trọng tại thương mại.
|
Bà Lê Thị Nga: "Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng hình thức tử hình bằng tiêm thuốc độc". Ảnh: TTXVN. |
Hình thức tiêm thuốc độc là phù hợp nhất
Đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội thống nhất với những chỉnh sửa của dự thảo Luật Thi hành án hình sự đưa ra lấy ý kiến tại kỳ họp này. Nhiều ý kiến đồng tình với đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định hình thức thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc. Cũng có ý kiến đề nghị quy định hình thức thi hành án tử hình bằng xử bắn, hoặc cả 2 hình thức tiêm thuốc độc và xử bắn. Các đại biểu Nguyễn Hữu Nhơn (Đồng Tháp), Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) cùng một số đại biểu ủng hộ việc quy định thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc bởi hiện nay, việc thi hành án tử hình bằng hình thức xử bắn bộc lộ nhiều bất cập như về pháp trường tổ chức thi hành án, về áp lực tâm lý đối với cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thi hành án và thân nhân người bị thi hành án. Các đại biểu cho rằng, trong các hình thức thi hành án tử hình đang được nhiều nước áp dụng, hình thức tiêm thuốc độc ít gây đau đớn hơn cho người bị thi hành án, bảo đảm tử thi còn nguyên vẹn và giảm áp lực tâm lý cho người trực tiếp thi hành án. Kinh nghiệm từ các nước áp dụng hình thức này cho thấy, quy trình, công nghệ sử dụng việc tiêm thuốc độc dễ thực hiện và phù hợp nhất, xét trên mọi khía cạnh. Một nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là vấn đề giải quyết cho nhận hài cốt, tử thi của người bị thi hành án tử hình. Dự thảo luật không quy định việc cho nhận tử thi, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc cho thân nhân của người bị thi hành án tử hình được nhận tử thi dễ gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự an toàn xã hội và làm phát sinh các vấn đề cần phải giải quyết như việc bảo quản tử thi, việc tổ chức mai táng. Tuy nhiên, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) lại đề nghị, Quốc hội về cơ bản nên cho phép thân nhân nhận xác tử tù với điều kiện kèm theo là phải có cam kết về bảo đảm an ninh trật tự, không tổ chức tang lễ linh đình và giao chính quyền địa phương giám sát. Riêng đối với một số trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ vì lý do bảo đảm an ninh trật tự, Nhà nước không cho phép thân nhân nhận xác tử tù và Nhà nước có trách nhiệm tổ chức chôn cất, bảo đảm phần mộ tử tù, đồng thời cho phép thân nhân sau đó được phép thăm viếng.
Đề cao nguyên tắc tự nguyện trong giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài thương mại
Đại biểu Lê Văn Tâm (Cần Thơ) cho rằng, quy định tại khoản 4, điều 4, dự thảo luật “giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được tiến hành không công khai” là chưa thỏa đáng, không có tác dụng, nên sửa theo hướng “giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được tiến hành công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”. Tuy nhiên theo đại biểu Nguyễn Đăng Trừng, Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh), nguyên tắc giải quyết các tranh chấp của trọng tài là không công khai, khác với nguyên tắc xét xử của Tòa án. Nguyên tắc này phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của các bên, không gây ồn ào, ảnh hưởng đến hoạt động, kinh doanh của doanh nghiệp. Đại biểu Ngô Quang Xuân (Đồng Tháp) cũng đồng tình nguyên tắc hoạt động của trọng tài là tự nguyện và không công khai. Do đó, nên quy định việc giải quyết tranh chấp tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.