Thảo luận tổ về Dự án đường sắt cao tốc: Cần cân nhắc cách làm, thời điểm làm cho phù hợp với điều kiện KT-XH của đất nước

Buổi chiều ngày 21/5/2010 các vị đại biểu Quốc hội Đoàn Thái Nguyên tham gia làm việc ở tổ. Theo chương trình làm việc, Quốc hội dành trọn thời gian buổi chiều để các ĐBQH thảo luận cho ý kiến về một nội dung mà đang được cử tri cả nước và các đại biểu Quốc hội quan tâm, đó là "Dự án Đường sắt cao tốc Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh".

1
 

Buổi chiều ngày 21/5/2010 các vị đại biểu Quốc hội Đoàn Thái Nguyên tham gia làm việc ở tổ. Theo chương trình làm việc, Quốc hội dành trọn thời gian buổi chiều để các ĐBQH thảo luận cho ý kiến về một nội dung mà đang được cử tri cả nước và các đại biểu Quốc hội quan tâm, đó là "Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh".

Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh là Dự án quan trọng quốc gia, với tổng mức đầu tư lên tới gần 56 tỷ đô la Mỹ (USD) bằng nguồn vốn vay ODA. Theo Báo cáo đầu tư của Chính phủ với Quốc hội nếu dự án được khả thi sẽ đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hành khách đến năm 2030 - 2035 và trong tương lai (đáp ứng bình quân vận chuyển một chiều từ 50 triệu - 70 triệu hành khách/năm; 156.000 hành khách/ngày) đóng góp vào sự phát triển KT-XH của đất nước. Theo tính toán tốc độ tàu cao tốc đạt 300km/h, nếu đi Hà Nội - Tp Hồ Chí Minh chỉ mất 5 giờ đồng hồ. Các ý kiến phát biểu đã tập trung thảo luận về những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau như:  Sự cần thiết đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - Tp Hồ Chí Minh; về lựa chọn phương án đầu tư; về phương án phân kỳ đầu tư và lựa chon công nghệ, lựa chọn hướng tuyến; tính khả thi của công tác quy hoạch và tiến độ thực hiện dự án; về nguồn vốn và phương án huy động vốn trong điều kiện đang triển khai nhiều công trình quan trọng quốc gia khác; về hiệu quả kinh tế - xã hội, hiệu quả tài chính của Dự án...
Trước khi phát biểu ý kiến, đa số các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều bày tỏ quan điểm: đối với điều kiện kinh tế còn khó khăn như đất nước ta thì đây là một dự án “lãng mạn” với tổng mức đầu tư lên tới 56 tỷ USD.
Tiếp đó, các ĐBQH đồng ý về chủ trương và tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết đầu tư xây dựng đường sắt Hà Nội - Tp Hồ Chí Minh song song với việc nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống đường sắt hiện có; việc phát triển hiện đại, đồng bộ, bảo đảm hoạt động giao thông đường sắt thông suốt, an toàn, chính xác và hiệu quả, góp phần phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh quốc phòng và môi trường phù hợp với chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, Chính phủ cần cân nhắc kỹ về cách làm và thời điểm làm để phù hợp với điều kiện KT-XH của Việt Nam. Trong ý kiến thảo luận của mình, đại biểu Nguyễn Văn Vượng, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đã phân tích, kiến nghị về 4 vấn đề:
Thứ nhất, đồng ý với chủ trương xây dựng Dự án và đồng tình với báo cáo thẩm tra của Uỷ ban khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đề nghị Chính phủ nên xem xét đầu tư khai thác các loại hình giao thông khác có hiệu quả ngay, mức đầu tư không lớn so với Dự án đường sắt cao tốc như: giao thông đường biển… vì đây là thế mạnh của đất nước ta có giao thông đường biển chạy dài theo đất liền vẫn chưa được khai thác nhiều.
Thứ hai, về tài chính với tổng mức đầu tư lớn như vậy, thì cần phải cân nhắc xem xét cách làm và nên làm vào thời điểm nào cho phù hợp với điều kiện KT-XH của đất nước.
Thứ ba, về thời gian thực hiện Dự án kéo dài đến 25 năm, thì cần phải xem xét, lựa chọn “công nghệ” cho phù hợp với xu thế công nghệ phát triển mạnh như hiện nay để sau này vẫn không lạc hậu.
Thứ tư, cần phải dự báo được biến động của tiền tệ, với tổng mức đầu tư tới gần 56 tỷ USD, phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn đi vay nước ngoài. Trong bối cảnh hiện nay nợ nước ngoài của Việt Nam vào khoảng 38,9% GDP, nợ chính phủ đã ở mức trên 42% GDP, tích luỹ nội địa và dự trữ ngoại tệ thấp, do đó Dự án này sẽ làm gánh nặng nợ quốc gia tăng lên. Trong khi đó thời gian thu hồi vốn theo tính toán là 45 năm là quá dài cho một dự án. Nếu Dự án được thực hiện cần xem xét huy động sức mạnh của các thành phần kinh tế trong nước tham gia, làm giảm gánh nặng cho Chính phủ.

Đức Công - Giang Long

Đọc thêm