Ngày 22-10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ. Phần lớn ý kiến đồng tình với báo cáo của Chính phủ đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 và cho rằng, năm 2011, cần tiếp tục tập trung xây dựng nền tảng cho ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng, và bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội.
Nhiều đại biểu nhìn nhận, phần lớn nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém xuất phát từ nội tại của nền kinh tế, nổi lên là mô hình tăng trưởng kinh tế dựa nhiều vào việc tăng vốn đầu tư và phát triển chiều rộng, chưa chú trọng đến chất lượng tăng trưởng.
Dự kiến của Chính phủ về tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 7-7,5% năm 2011 được đa số ý kiến nhất trí vì cho rằng, mặc dù năm 2010 có những khó khăn lớn, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn đạt mức 6,7%.
Theo đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (TP HCM): Năm 2011, tập trung phát triển kinh tế với ba mục tiêu chính là ổn định kinh tế vĩ mô, tốc độ tăng trưởng và ngăn chặn lạm phát. Trong đó, cần tập trung kiềm chế lạm phát, tránh lạm phát cao trở lại, đặc biệt là ở thời điểm cuối năm.
Một số ý kiến cho rằng, kinh tế thế giới trong năm 2011 vẫn chưa ổn định, các ”điểm nghẽn” của nền kinh tế trong nước chưa thể khắc phục ngay trong một vài năm, vì thế năm 2011 chưa phải là thời kỳ tăng tốc đối với Việt Nam. Đại biểu Nguyễn Đăng Kính (Hà Nội) nêu ý kiến, công tác quản lý vĩ mô chưa tốt, từng việc quản lý điều hành của Chính phủ chưa tốt nên xảy ra bất cập và dẫn đến thất thoát trong các công trình.
Về dự kiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 7% năm 2011, một số đại biểu cho rằng, mặt bằng giá năm 2011, mặc dù chịu tác động của điều chỉnh giá những mặt hàng cơ bản như điện, than... và tỷ giá, nhưng cũng có những nhân tố giảm áp lực tăng so với năm 2010. Thí dụ, tốc độ phục hồi kinh tế thế giới 2011 được dự báo chậm lại, trong khi giá hàng hóa thị trường trong nước đỡ căng thẳng do tác động của gói kích cầu kinh tế năm 2009, vì vậy, chỉ số giá tiêu dùng năm 2011 tăng không quá 7% là hợp lý.
Đại biểu Nguyễn Sinh Hùng (TP HCM) nhận định: Muốn tăng trưởng được phải ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tốc độ tăng trưởng cao hơn. Mục tiêu 2011 tốc độ lạm phát thấp hơn tốc độ tăng trưởng, với mức 7% là cao hơn so với thế giới.
Nhiều đại biểu khác cho rằng, nếu tiếp tục để lạm phát năm 2011 ở mức cao thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân. Hơn nữa, chúng ta đã có kinh nghiệm từ việc điều hành kiềm chế lạm phát những năm qua, nên cần đặt mục tiêu giảm lạm phát xuống thấp hơn, khoảng 6,5%.
Nhiều đại biểu nhìn nhận, tình trạng nhập siêu cao kéo dài liên tục trong mấy năm qua đang gây nguy cơ mất cân đối cán cân vãng lai, ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định của kinh tế vĩ mô. Năm 2009 nhập siêu là 12,85 tỷ USD, dự kiến năm 2010 nhập siêu là 13,5 tỷ USD (tương đương 19,85% kim ngạch xuất khẩu). Như vậy nhập siêu tuy đạt mức dưới 20% kim ngạch xuất khẩu, nhưng nếu loại trừ đá quý, kim loại quý xuất khẩu thì nhập siêu vẫn trên 23%. Năm 2011, Chính phủ dự kiến nhập ở mức 14,6 tỷ USD - nhiều đại biểu đề nghị cần có biện pháp quyết liệt hơn, tăng mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu chặt chẽ, giảm tối đa việc nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ để làm sao bảo đảm mức nhập siêu năm 2011 không vượt quá của mức năm 2010.