Thảo luận về các Văn kiện ở đoàn và tham luận tại Hội trường

Hôm qua 13-1, ngày làm việc thứ hai của Ðại hội. Buổi sáng, các đại biểu tiếp tục làm việc tại đoàn, thảo luận, đóng góp ý kiến vào các Dự thảo Văn kiện trình Ðại hội XI. Các văn kiện được các Ðoàn tập trung thảo luận gồm: Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011)...

Hôm qua 13-1, ngày làm việc thứ hai của Ðại hội. Buổi sáng, các đại biểu tiếp tục làm việc tại đoàn, thảo luận, đóng góp ý kiến vào các Dự thảo Văn kiện trình Ðại hội XI. Các văn kiện được các Ðoàn tập trung thảo luận gồm: Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội  2011 - 2020; Báo cáo Chính trị Ðại hội XI của Ðảng; Báo cáo một số vấn đề bổ sung, sửa đổi Ðiều lệ Ðảng; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa X. 

Quang cảnh Đại hội.

Buổi chiều, Ðại hội làm việc, thảo luận tại Hội trường. Ðồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, thay mặt Ðoàn Chủ tịch, điều hành Ðại hội.  Có tám tham luận tại Hội trường đề cập các vấn đề về xây dựng Ðảng, về CNXH, về kinh tế- xã hội, về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc... (Báo Nhân Dân trích đăng một số tham luận trên số báo hôm nay).

Mở đầu, đồng chí Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên T.Ư Ðảng, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, đọc tham luận về ’Kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta’. Tham luận khẳng định, sự nghiệp đổi mới của nước ta đến nay đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn và có ý nghĩa lịch sử chính nhờ chúng ta nhận thức đúng đắn bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và vận dụng một cách sáng tạo trong thực tiễn xây dựng CNXH ở nước ta.Trên cơ sở phân tích tình hình trong nước và quốc tế, tham luận nêu rõ yêu cầu cấp bách là, không những phải nắm vững và kiên định chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mà còn phải vận dụng sáng tạo trong điều kiện tình hình mới.   

Tham luận về ’Nhìn lại 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010, những bài học rút ra để thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020’ của đồng chí Võ Hồng Phúc, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư, khẳng định: Ðất nước đang tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HÐH, tiềm lực kinh tế được tăng cường; nguồn lực con người, năng lực khoa học và công nghệ, kết cấu hạ tầng, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được hình thành và phát triển. Tham luận đồng thời nêu những mặt  hạn chế, bất cập; tổng kết, rút ra bốn bài học lớn nhằm thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2011-2020.

Ðồng chí Vũ Hồng Khanh, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, trình bày tham luận về ’Ðẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, đưa nước ta phát triển nhanh và bền vững’. Tham luận nêu rõ tại Ðại hội IX, lần đầu tiên, Ðảng ta đã ghi vào văn kiện luận điểm quan trọng về phát triển kinh tế tri thức với tư cách là một yếu tố mới cấu thành đường lối CNH, HÐH đất nước. Thực tiễn phát triển của nước ta trong những năm vừa qua đã chứng tỏ một cách thuyết phục rằng, Việt Nam có đủ năng lực và điều kiện để thực hiện thành công đường lối phát triển kinh tế tri thức. Ðại biểu Vũ Hồng Khanh đề xuất bảy giải pháp cụ thể, góp phần vào việc tiếp tục triển khai nhiệm vụ chiến lược quan trọng này. 

Với nhận thức sâu sắc đại đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta, là một trong những bài học lớn của cách mạng Việt Nam, đồng chí Huỳnh Ðảm, Ủy viên T.Ư Ðảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, đọc tham luận ’Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng’. Tham luận nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường, mở rộng và phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể nhân dân trong thời kỳ mới, đồng thời chỉ ra các mục tiêu công tác nhằm đạt được yêu cầu nêu trên.

Tham luận ’Về kiến nghị một số giải pháp nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế’, của đồng chí Nguyễn Văn Ðua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh, nêu rõ: Cần đổi mới tư duy về chức năng quản lý kinh tế của nhà nước thông qua việc sử dụng công cụ kế hoạch hóa phù hợp với sự vận hành của cơ chế thị trường: Sử dụng hiệu quả công cụ chính sách kinh tế- tài chính để thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nội bộ các ngành kinh tế. Sử dụng các tổ chức kinh tế của Nhà nước như công cụ để khắc phục và hạn chế những khuyết tật của thị trường; chuyển từ cơ cấu kinh tế địa phương sang cơ cấu kinh tế vùng. Ðổi mới tổ chức hoạt động của chính quyền đô thị trong khuôn khổ tổ chức hệ thống chính quyền địa phương theo hướng mở rộng tính tự chủ và chịu trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao.

Ðồng chí Phạm Khôi Nguyên, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, tham luận về ’Công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững’. Với quan điểm phát triển nhanh bền vững là yêu cầu cấp thiết trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bảo vệ môi trường trong thời gian tới có ý nghĩa sống còn, là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải đổi mới tư duy, đổi mới cách làm. Tham luận nêu lên tám biện pháp cụ thể, đồng bộ để thực hiện các mục tiêu về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu do Ðại hội XI đề ra.

Ðồng chí Ngô Xuân Lịch, Ủy viên T.Ư Ðảng, Trung tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, tham luận về ’Xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới’. Tham luận nhấn mạnh một số vấn đề cần tập trung giải quyết nhằm thực hiện nhiệm vụ cách mạng của nước ta hiện nay là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, kịp thời ngăn ngừa, đẩy lùi mọi nguy cơ chiến tranh, làm thất bại mọi hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đồng thời sẵn sàng giành thắng lợi khi có tình huống phức tạp hơn.

Về tiếp tục phát triển sâu rộng quan hệ với các chính đảng trên thế giới, đồng chí Hoàng Bình Quân, Ủy viên T.Ư Ðảng, Trưởng ban Ðối ngoại T.Ư, trình bày tham luận ’Tiếp tục phát triển sâu rộng quan hệ với các chính đảng trên thế giới’. Tham luận nêu rõ: Qua các kỳ Ðại hội, chúng ta càng hoàn thiện hơn đường lối đối ngoại trong thời kỳ đổi mới; đường lối đó cần được thực hiện nhất quán và sáng tạo. Chủ trương lớn của chúng ta là triển khai đồng bộ và toàn diện hoạt động đối ngoại; phương châm lớn của chúng ta là chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; giải pháp lớn của chúng ta là phối hợp chặt chẽ hoạt động đối ngoại Ðảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân: Triển khai công tác đối ngoại trên bình diện rộng với yêu cầu là sự kết hợp hài hòa đối ngoại chính trị với ngoại giao  kinh tế, đối ngoại quốc phòng, an ninh, văn hóa đối ngoại... Tiếp tục phát triển sâu rộng quan hệ với các chính đảng trên thế giới; thúc đẩy quan hệ với các đảng cộng sản và công nhân đi vào chiều sâu và thực chất hơn.

Trong ngày làm việc thứ hai, Ðại hội đã nghe đồng chí Hoàng Tuấn Anh, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bộ trưởng  Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy viên Ðoàn Thư ký, thông báo danh sách 28 điện mừng của các chính đảng, tổ chức và bạn bè quốc tế gửi tới Ðại hội trong ngày khai mạc 12-1. Như vậy, cho đến ngày 13- 1, Ðại hội đã nhận được 149 điện mừng của các chính đảng, tổ chức và bạn bè quốc tế từ khắp các châu lục.

Hôm nay 14-1, Ðại hội tiếp tục làm việc tại Hội trường.

Theo: nhandan.org.vn

Đọc thêm