Thảo luận về Dự án Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt

Chiều ngày 21-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) (sửa đổi). Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh Thái Nguyên, Lào Cai, Quảng Nam.

Chiều ngày 21-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) (sửa đổi). Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh Thái Nguyên, Lào Cai, Quảng Nam.

Các đại biểu thảo luận ở tổ.
Các đại biểu thảo luận ở tổ.

Các ĐB đã tập trung thảo luận những vấn đề quan trọng của Luật Thuế TTĐB như đối tượng chịu thuế; việc quy định các mức thuế suất tính theo dung tích xi-lanh đối với ô-tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống, thuế suất đối với rượu, bia; thẩm quyền điều chỉnh thuế suất; việc miễn, giảm thuế,…

Đa số ý kiến phát biểu của các ĐBQH đều đề nghị giữ nguyên quy định về thẩm quyền điều chỉnh thuế suất là của Quốc hội, chứ không giao Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định đối với mặt hàng ô-tô và sau đó báo cáo Quốc hội trong kỳ họp gần nhất. Vì theo quy định của Hiến pháp, vấn đề này thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Hơn nữa, Quốc hội một năm họp 2 kỳ nên Chính phủ hoàn toàn có thể chủ động báo cáo Quốc hội xem xét quyết định. Đồng thời, làm như vậy bảo đảm được tính minh bạch, ổn định thuế suất trong thời gian nhất định, làm an lòng các nhà đầu tư, thương nhân.

ĐB Huỳnh Nghĩa, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng, cho rằng về tên gọi của sắc thuế là “Thuế Tiêu thụ đặc biệt”(TTĐB), tuy nhiên trong dự thảo Luật lại không có khái niệm để nêu rõ Thuế TTĐB là gì. Vì vậy, ĐB đề nghị Ban soạn thảo phải nghiên cứu, nêu cho được khái niệm về sắc thuế này trong luật (tương tự như thuế Giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp…).

Theo ĐB Huỳnh Nghĩa, để đảm bảo việc đánh thuế vừa đúng đối tượng (những hàng hoá, dịch vụ xa xỉ…), vừa phải đảm bảo tính thực tiễn trong quản lý, đề nghị không đưa các chế phẩm từ lá thuốc lá (dùng để nhai, ngửi) vào đối tượng chịu thuế. Vì thực tế cho thấy các chế phẩm này không mang tính phổ biến, việc sản xuất không mang tính công nghiệp mà mang tính sơ chế nhiều hơn nên rất khó quản lý, hiệu quả quản lý thu không cao, chi phí quản lý thu nhiều hơn số thuế thu được.

ĐB đề nghị đưa thêm hoạt động “phẩu thuật thẩm mỹ, chăm sóc sắc đẹp” vào đối tượng chịu thuế. Vì đây là dịch vụ cao cấp, chỉ có những đối tượng có thu nhập cao mới có nhu cầu sử dụng; đồng thời, nếu đưa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ góp phần quản lý chặt chẽ hơn đối với hoạt động này, tránh tình trạng các cơ sở thẩm mỹ không đảm bảo các điều kiện hoạt động, gây nguy hiểm cho người tiêu dùng.

Đồng tình với ĐB Huỳnh Nghĩa, đại biểu Nguyễn Thị Mỹ Hương (Đà Nẵng) cho rằng Ban soạn thảo chưa rà soát chặt chẽ đối với một số dịch vụ, đối tượng chịu thuế TTĐB như dịch vụ thẩm mỹ vì chỉ có những người có thu nhập cao mới có thể sử dụng dịch vụ này.

Về thuế suất, ĐB Hương đề nghị không nên giảm thuế suất đối với những loại xe ô-tô chạy bằng năng lượng mặt trời, năng lượng sinh học, vì bản chất của thuế TTĐB là đánh thuế trên hành vi mua cái xe đó chứ không phải đánh thuế trên hành vi sử dụng loại năng lượng này. Nếu chúng ta muốn khuyến khích sử dụng năng lượng mặt trời và năng lượng sinh học thì chúng ta có thể sử dụng nhiều loại chính sách khác.

HỮU HOA

Đọc thêm