Ngày 16/9, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Dự án Hỗ trợ tái cơ cấu nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Một số vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020)”. GS.TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương chủ trì Tọa đàm.
Buổi tọa đàm đã thu hút sự tham gia của gần 100 đại biểu, gồm đại diện lãnh đạo các bộ, ngành; các diễn giả là các nhà nghiên cứu và các chuyên gia đến từ các cơ quan quản lý của Trung ương, các viện nghiên cứu, các chuyên gia kinh tế độc lập ở trong nước và quốc tế.
Một trong những nhiệm vụ chính của Ban Kinh tế Trung ương trong năm 2014 là nghiên cứu đề xuất các luận cứ khoa học để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020. Do đó, việc cần phải có những phân tích đánh giá và dự báo tình hình kinh tế thế giới, khu vực và tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 2011-2015 của Việt Nam làm cơ sở cho việc xây dựng hệ thống chỉ tiêu và chủ trương giải pháp cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 là rất quan trọng.
Để thực hiện nhiệm vụ này Ban Kinh tế Trung ương đã đặt hàng, phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị tiến hành nghiên cứu. Trong đó, đặc biệt là báo cáo nghiên cứu độc lập của ba nhóm nghiên cứu là: Viện Chiến lược phát triển của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.
|
Buổi tọa đàm cũng đã nghe ý kiến của các chuyên gia, các học giả thảo luận xung quanh các kịch bản tăng trưởng; đề cập đến các vấn đề cụ thể như: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, phát triển nguồn nhân lực; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng; các chính sách vĩ mô ở tầm ngắn hạn như: kiểm soát lạm phát, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tái cơ cấu đầu tư công, đánh giá bối cảnh quốc tế và những tác động tới Việt Nam…
Đánh giá về các báo cáo trình bày tại Tọa đàm, nhiều chuyên gia cho rằng các Báo cáo của các nhóm là rất bổ ích, đã đưa ra nhiều nghiên cứu có giá trị, có ý nghĩa quan trọng, cung cấp thêm nhiều cứ liệu hữu ích. Tuy nhiên, vấn đề này cần được tiếp tục nghiên cứu để có được một kịch bản tăng trưởng 2016-2020 tối ưu, sát với tình hình thực tiễn đất nước, góp phần thiết thực vào việc xây dựng Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.