Thảo luận về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2008 và dự thảo Luật Người khuyết tật

(HPĐT)-Ngày 28-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2008; nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Người khuyết tật; thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật người khuyết tật.

(HPĐT)-Ngày 28-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2008; nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Người khuyết tật; thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật người khuyết tật.

Vẫn căn bệnh “con nhà nghèo”

Thảo luận về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2008, các đại biểu bày tỏ sự băn khoăn bởi nhiều hạn chế trong sử dụng nguồn kinh phí ngân sách, giống như những “căn bệnh kinh niên”. Tuy đã được nêu ra tại nhiều kỳ họp trước đây, nhưng căn bệnh đó vẫn chưa thuyên giảm, thậm chí còn trầm trọng hơn.

1
Công trình đầu tư sử dụng vốn ngân sách không hiệu quả sẽ bị ngừng hoặc giãn tiến độ.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) chỉ rõ, đó là những căn bệnh thu chưa vững chắc; chi dàn trải, không hiệu quả; kỷ luật chi không nghiêm. Thêm vào đó là căn bệnh “nhà giàu” của con “nhà nghèo” là thích “hoành tráng”. Thêm nữa là căn bệnh xuất hiện khoảng mươi năm nay: thích dự án. Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết nói: “Căn bệnh chi không hiệu quả chưa được khắc phục, thậm chí còn nặng hơn. Bệnh “hoành tráng” cũng ngày càng nặng nề, từ công trình này, công trình kia”. Trong khi đó, người dân nhiều nơi, như ở xã Đắc Nông (Kon Tum) đang ngày ngày phải vượt sông Pô Kô bằng cách đu dây cáp. Tại sao người có trách nhiệm chưa nghĩ đến việc xây cầu, làm đường”. Vì sao vỉa hè đang yên lành lại bóc lên, phải chăng cứ làm vì có dự án, có nguồn chi… Những căn bệnh ấy nếu không được chữa trị dứt điểm, khó khắc phục được tình trạng nợ nần hiện nay, nền kinh tế khó đi lên”.

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ ra, thu chi vượt lớn so với dự toán còn có nguyên nhân là xây dựng và giao dự toán chưa sát thực tế, chưa bao quát hết các nguồn thu. Điều này dẫn đến nhiều nhiệm vụ chi không đủ kinh phí thực hiện phải bổ sung, nhiều khoản chi không hết nhiệm vụ phải chuyển sang năm sau. Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) nêu dẫn chứng, trong khi Chính phủ phải vay tiền của nước ngoài để đầu tư, thì trong nước lại thất thu quá nhiều từ phí môi trường, thậm chí chi cho hoạt động sự nghiệp môi trường cũng thực hiện không đủ (tỷ lệ chi dành cho môi trường vào khoảng 1% GDP). Vì vậy, nhiều đại biểu cho rằng, để công tác thu, chi thời gian tới được lên kế hoạch căn cơ và hiệu quả hơn, cần sớm sửa đổi toàn diện Luật Ngân sách; sớm đưa chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế vào triển khai, kiên quyết cắt giảm các dự án sử dụng vốn ngân sách để giảm gánh nặng nợ ngân sách.

Khuyến khích doanh nghiệp nhận người khuyết tật

 Thảo luận về dự thảo Luật Người khuyết tật, các đại biểu đề nghị cần quan tâm bảo đảm quyền lợi, như quyền được quan tâm, quyền được làm việc của người khuyết tật. Đại biểu Lệ Phi (Cần Thơ) cho rằng, người khuyết tật nặng dễ xác định, nhưng dự thảo luật cần bổ sung mức độ người khuyết tật trung bình. Các mức độ về khuyết tật nên được ghi rõ ràng, chi tiết là bao nhiêu phần trăm (%) để dễ cho việc thực hiện các chế độ ưu đãi. Nếu xác định mức độ khuyết tật theo phương pháp quan sát trực tiếp là không thể chính xác mà cần phải thăm khám cụ thể, giám định y khoa. Chia sẻ với quan điểm trên, đại biểu Lê Thị Mai (Hải Phòng) nêu ý kiến: Để xác định mức độ khuyết tật, ngoài việc giao UBND xã xác định mức độ khuyết tật cần giao thêm các cơ quan y tế, Hội đồng y khoa cấp huyện trở lên và Sở Lao động-Thương binh -Xã hội. Nhiều cơ quan có thẩm quyền xác định mức độ khuyết tật đối với người khuyết tật mới rõ ràng, khách quan, tránh tình trạng “chạy” chứng nhận để được hưởng trợ cấp, ưu đãi của Nhà nước.

Cũng trong phần thảo luận này, các đại biểu đề nghị cụ thể hơn điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc. Đại biểu Võ Thị Dễ (Long An) cho rằng, để khuyến khích càng nhiều doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc, trong dự thảo luật nên sửa là cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng trên 30% số lao động là người khuyết tật được hỗ trợ cải thiện điều kiện, môi trường làm việc phù hợp...Đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang) cho rằng, trong luật quy định các doanh nghiệp cần có trách nhiệm tuyển lao động là người khuyết tật. Nếu doanh nghiệp nào không tuyển đủ số lượng lao động là người khuyết tật theo quy định phải nộp tiền vào Quỹ hỗ trợ người khuyết tật.

Ngày 31-5, Quốc hội  tiếp tục làm việc../.

Đọc thêm