Lá lốt, một loại cây rất quen thuộc trong dân gian nhưng không phải ai cũng biết hết công dụng của nó. Ngoài giá trị làm thức ăn và gia vị, từ lâu lá lốt đã được nhân dân ta dùng làm thuốc chữa thấp khớp và một số bệnh khác. Bộ phận được dùng làm thuốc là cả cây, thu hái lúc có hoa càng tốt.
|
Theo nghiên cứu của Trường Đại học Dược khoa Hà Nội: thành phần hóa học của lá lốt chủ yếu là tinh dầu (tỷ lệ 0,57%), piperin, piperidin. Kết quả thực nghiệm trên súc vật cho thấy nước ép lá lốt, cao lá lốt tươi và cao lá lốt khô đều có tác dụng kháng sinh, chống viêm rõ rệt trên súc vật gây viêm thực nghiệm.
Theo nghiên cứu về kháng sinh thảo mộc của Viện Y học dân tộc: Lá lốt (giã dập) có tác dụng mạnh đối với nhiều loại vi khuẩn gây bệnh như Staphylococcus, Streptococcus, Salmonella typhi, Shigella flexneri, sonnei, Shiga, B. subtilis, Es. coli, C. diphteriae, D. pneumoniae, H. pertusis… Trong dân gian, lá lốt được dùng chữa nhiều bệnh, chủ yếu là chữa thấp khớp, chân tay lạnh, tê bại, đau lưng, mỏi gối, đau răng, rối loạn tiêu hóa, nôn mửa, đau bụng, đầy bụng, tiêu chảy do phong hàn. Liều dùng mỗi ngày từ 8-12g dưới dạng thuốc sắc. Có thể dùng tươi hay phơi khô. Một số bài thuốc dùng lá lốt chữa thấp khớp, đau răng:
Chữa thấp khớp, đau nhức xương:
- Lá lốt 20g, thiên niên kiện 12g, gai tầm xoọng 16g, nước 400ml, sắc uống ngày một thang. Lá lốt (cả rễ và thân cây) 20g, dây đau xương 10g, rễ thầu dầu tía 10g, tất cả cắt ngắn, phơi khô, sắc với 600ml nước lấy 200ml, uống làm hai lần trong ngày; 7-8 ngày là một liệu trình.
- Lá lốt 20g, cỏ xước 20g, cành dâu 20g, cà gai leo 20g, ngải cứu 10g, sao qua, sắc uống ngày một thang, 3-5 ngày là một liệu trình.
Chữa đau răng:
Lấy rễ lá lốt rửa sạch, giã nát với mấy hạt muối, ép lấy nước, dùng bông sạch tẩm vào răng đau, ngậm 2-3 phút rồi súc miệng bằng nước muối. Ngày tẩm thuốc 3-4 lần, làm liên tục 1-2 ngày, răng đau sẽ khỏi hoặc giảm đau rõ rệt.
Bích Trâm (st)