Thập kỷ F1 và những dấu ấn khó phai

Có thể nói, giải đua Công thức một (Formula One – F1) thập kỷ vừa qua là giai đoạn biến động nhất

Có thể nói, giải đua Công thức một (Formula One – F1) thập kỷ vừa qua là giai đoạn biến động nhất kể từ khi giải đua này khởi tranh vào năm 1950.

Trong số những dấu ấn suốt 10 năm qua thì 7 lần vô địch của Michael Schumacher, vụ scandal giữa McLaren và Ferrari, hay chức vô địch Lewis Hamilton giành được ở chặng đua cuối là nổi bật nhất.

Tay lái của thập kỷ

Với 7 chức vô địch, Michael Schumacher xứng đáng là tay đua của thập kỷ vừa qua. Chắc chắn huyền thoại người Đức này sẽ còn có cơ hội khẳng định vị trí của mình khi chính thức trở thành thành viên của đội Mercedes GP tham gia mùa giải F1 2010.

Michael Schumacher (biệt danh là Schumi, sinh ngày 3 tháng 1 năm 1969, tại Hürth Hermülheim, Đức) là cựu tay đua Công thức 1, và từng bảy lần giành chức vô địch thế giới. Theo website chính thức của F1, Shmumacher chính là tay đua vĩ đại nhất trong môn thể thao này. Anh là người Đức đầu tiên đoạt chức vô địch Công thức 1 thế giới và được cho là người đã giúp phổ biến môn thể thao Công thức 1 tại Đức. Trong một cuộc điều tra năm 2006 của Liên đoàn Ôtô thế giới FIA, Michael Schumacher được bầu là tay đua nổi tiếng nhất trong giới hâm mộ Công thức 1.

Sau khi đoạt hai chức vô địch với Benetton, Schumacher chuyển sang thi đấu cho Ferrari năm 1996 và đoạt 5 danh hiệu liên tiếp giành cho tay đua với đội này. Schumacher nắm giữ nhiều kỷ lục trong môn Công thức 1, gồm số lượng vô địch giành cho tay đua nhiều nhất, số chiến thắng chặng nhiều nhất, vòng đua nhanh nhất nhiều nhất, giành pole nhiều nhất, điểm ghi được nhiều nhất, và nhiều chiến thắng chặng nhất trong một mùa giải. Schumacher là tay đua Công thức 1 đầu tiên và duy nhất từng đứng trên bục nhận giải trong toàn bộ cả một mùa (2002).

Phong cách lái xe của anh thỉnh thoảng gây ra một số tranh cãi: anh đã hai lần liên quan tới những vụ đụng xe mang tính quyết định tới chức vô địch, đáng chú ý nhất là việc anh bị loại khỏi chức vô địch năm 1997 vì gây ra một vụ va chạm với Jacques Villeneuve. Ngày 10 tháng 9 năm 2006, Schumacher thông báo giã từ đường đua. Schumacher hiện là trợ lý cho CEO Jean Todt của đội đua Scuderia Ferrari trong Mùa giải Công thức 1 năm 2007.

Tuy nhiên, sau 3 năm vắng bóng, Schumi đã quyết định trở lại đường đua F1 trong màu áo của “tân binh” mùa giải 2010 Mercedes GP. Theo Bild, nhật báo nổi tiếng tại Đức, Schumacher đã ký thỏa thuận một năm với Mercedes. Mức lương là 6,2 triệu bảng và hợp đồng cho phép anh gia hạn nếu thi đấu thành công.

Sự trở lại của Schumacher sẽ là cuộc tái xuất đáng chú ý nhất kể từ khi tay đua người Áo, Niki Lauda, chấm dứt quãng thời gian giải nghệ 2 năm, để thi đấu trong mùa giải 1982 cho đội McLaren. Khi đó, Lauda đã 33 tuổi. Lauda về sau vẫn tiếp tục thi đấu và đoạt danh hiệu vô địch thế giới lần thứ ba năm 1984.

Ngoài đường đua, Schumacher là đại sứ cho UNESCO và là người phát ngôn cho lái xe an toàn. Trong suốt cuộc đời, anh đã tham gia vào nhiều dự án nhân đạo. Schumacher là anh trai của tay đua công thức 1 đội đua Toyota Ralf Schumacher.

Vụ scandal của thập kỷ

Vụ McLaren đánh cắp tài liệu mật của kình địch Ferrari được xem là vụ bê bối lớn nhất của giải đua Công thức 1 trong thập kỷ vừa qua. McLaren sau đó đã bị phạt 100 triệu USD và bị trừ hết toàn bộ số điểm của mùa giải F1 2007.

Ngày 17/5/2007, Ferrari cáo buộc Nigel Stepney (khi đó đang làm giám đốc kỹ thuật của đội đua Ý) đã cố tình phá hoại xe đua Ferrari tại Monaco bằng cách rắc một loại bột (không rõ nguồn gốc) màu trắng vào bình xăng xe. Ngay sau đó, Ferrari tổ chức một cuộc điều tra về nhân viên cấp cao của mình và vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử F1 đã nổ ra.

Vụ McLaren đánh cắp tài liệu mật của kình địch Ferrari được xem là vụ bê bối lớn nhất của giải đua Công thức 1 thập kỷ vừa qua

Ngày 21/6/2007, Ferrari chính thức gửi đơn khởi kiện Nigel Stepney về tội đánh cắp và chuyển các tài liệu mật của đội cho một nhân viên cao cấp của đội McLaren.

Đầu tháng 7/2007, McLaren đã gửi thư yêu cầu Liên đoàn xe hơi thế giới FIA đến kiểm tra xe đua của họ để xác nhận rằng, McLaren không sử dụng các thông số kỹ thuật của Ferrari vào việc chế tạo xe đua.
Ngày 9/7/2007, Tòa án thành phố London chính thức công bố việc Ferrari nộp đơn khởi kiện Mike Coughlan, thiết kế trưởng của McLaren vì chính ông ta là người nhận và sở hữu các tài liệu (chừng 780 trang chứa trong hai đĩa CD) của Ferrari bị đánh cắp. Vụ việc bị vỡ lở khi vợ Coughlan đem tập tài liệu đó đi photocopy và nhân viên cửa hàng này đã báo cho Ferrari.

Ngày 26/7/2007, WMSC (Hội đồng mô-tô thể thao thế giới trực thuộc FIA) đã nhóm họp phiên bất thường tại Paris để nghe McLaren tường trình. Cuối cuộc họp, các thành viên WMSC đã khẳng định rằng McLaren phạm luật trong việc sở hữu các tài liệu của Ferrari nhưng không đưa ra hình phạt với đội đua Anh quốc vì không có bằng chứng là họ đã sử dụng các thông tin đánh cắp vào việc xây dựng xe đua. Cùng lúc đó, WMSC cũng tuyên bố rằng, nếu có thêm bằng chứng mới thì họ sẽ tổ chức phiên họp mới và khi đó McLaren sẽ phải gánh chịu hậu quả nếu không giải trình được vụ việc.

Ngày 31/7/2007, ông Max Mosley, chủ tịch FIA tuyên bố: “FIA sẽ tổ chức phiên phúc thẩm, trong đó, Ferrari sẽ được thuyết trình vấn đề theo quan điểm của mình (trong phiên họp của WMSC trước đó mấy hôm, mặc dù có liên quan nhưng đại diện Ferrari chỉ được mời tới… nghe chứ không có quyền phát biểu).

Ngày 5/9/2007 FIA đưa ra tuyên bố rằng họ nhận được nhiều bằng chứng mới liên quan đến vụ việc gián điệp công nghệ.

Ngày 13/9, WMSC quyết định án phạt đối với đội đua McLaren.

Chặng đua của thập kỷ

Lewis Hamilton đã đi vào lịch sử giải đua Công thức 1 với tư các là tay đua trẻ nhất từng giành chức vô địch. Tuy nhiên, cái cách mà tài năng trẻ người Anh đạt được còn đáng nể hơn nhiều.

Trận mưa to cuối chặng đua ở Interlagos tưởng như đã buộc Lewis Hamilton năm thứ hai liên tiếp để mất ngôi vô địch thế giới. Vì phải vào pit thay lốp chạy trong điều kiện ẩm ướt ở vòng 66 (trong tổng số 71 vòng), anh đã bị tụt xuống thứ 6, trong khi Massa đang dẫn đầu. Nếu thứ tự này không thay đổi, Massa sẽ lần đầu tiên ở trên đỉnh F1 thế giới. Tuy nhiên, ở vòng chạy cuối cùng, Hamilton đã vượt lên trên Timo Glock của Toyota, cán đích thứ 5 - vừa đủ để kết thúc 18 Grand Prix với tổng điểm 98, hơn Massa chỉ 1 điểm.

Lewis Hamilton - Tay đua trẻ nhất trong lịch sử F1

Sinh ngày 7/1/1985, Hamilton đã trở thành nhà vô địch thế giới trẻ nhất trong lịch sử F1. Anh đã phá kỷ lục mà người đồng đội cũ Alonso lập được năm 2006, khi 24 tuổi. Với chiến thắng này, Hamilton cũng chấm dứt cơn khát kéo dài suốt 9 năm qua của McLaren. Kể từ sau khi Mikka Hakkinen vô địch mùa 1999, không có bất cứ một tay lái nào của đội đua nước Anh lên ngôi, vì sự xuất sắc của Ferrari và sau đó tới Renault.

Đọc thêm