Thấp thỏm cùng nông dân

Với nhiệt huyết cống hiến, nhiều anh kỹ sư trẻ đầy hoài bão đã giúp người nông dân có được những kiến thức khoa học ban đầu trong sản xuất. Trong số đó, anh Lê Văn Thông và Bùi Ngọc Huy là hai điển hình tiêu biểu cho đội ngũ cán bộ trẻ tham gia công tác nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học vào phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa.

Với nhiệt huyết cống hiến, nhiều anh kỹ sư trẻ đầy hoài bão đã giúp người nông dân có được những kiến thức khoa học ban đầu trong sản xuất. Trong số đó, anh Lê Văn Thông và Bùi Ngọc Huy là hai điển hình tiêu biểu cho đội ngũ cán bộ trẻ tham gia công tác nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học vào phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa.

Anh Lê Văn Thông hướng dẫn bón phân vi sinh tại ruộng rau sạch của gia đình ông Trần Lương ở thôn Túy Loan Tây 2. 

Về nông thôn nghe kể chuyện khoa học

Cái tên Lê Văn Thông (SN 1979), Phó trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển, Trung tâm Công nghệ sinh học và Ứng dụng Khoa học Công nghệ, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng (Sở KHCN) đã trở thành niềm tự hào của bà con nông dân vùng quê Hòa Châu, huyện Hòa Vang. Hằng ngày, anh thường xuyên về các vùng trồng hoa, rau sạch để hướng dẫn bà con cách bảo vệ cây trồng. Chỉ vào luống rau sạch của gia đình ông Trần Lương, thôn Túy Loan Tây 2, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, anh nói: “Trong 2 năm trở lại đây, chúng tôi hướng dẫn và khích lệ bà con nông dân sử dụng phân vi sinh từ phế thải nông nghiệp và phế thải trồng nấm. Phân hữu cơ mới này không chỉ giúp sản phẩm làm ra bảo đảm được tiêu chí: xanh, sạch, năng suất cao, mà còn góp phần giữ được độ tơi xốp cho đất và hạn chế ô nhiễm môi trường”.

Từ hiệu quả đạt được ở các vùng rau, hoa ở các xã Hòa Ninh (Hòa Vang), Hòa Phát (Cẩm Lệ)…, quy trình sản xuất phân hữu cơ theo kiểu này được chuyển về cho một số HTX trên địa bàn thành phố. HTX sản xuất giống và nuôi trồng nấm An Hải Đông là đơn vị đã ứng dụng thành công chương trình trên, đồng thời tự sản xuất và bày bán trên thị trường với giá 3 nghìn đồng/gói. Chị Vũ Thị Mùi, Chủ nhiệm HTX cho biết: “Anh Thông là người thầy tận tụy của chúng tôi. Bây giờ người trẻ ít quan tâm đến nông nghiệp vì xem đó là cái cũ, cái lạc hậu, nên những cá nhân như anh Thông vô cùng đáng quý”.

Cùng trung tâm trên, Bùi Ngọc Huy (SN 1983), Phó trưởng phòng Nuôi cấy mô tế bào thực vật cũng là một cái tên được nhiều nông dân nhắc đến. Tẩn mẩn trong phòng thí nghiệm, vườn ươm, đến nay, anh cùng đồng nghiệp đã tạo ra nhiều giống cây trồng nuôi cấy mô (NCM) được ứng dụng vào thực tế, đem lại nguồn lợi lớn cho bà con như: hoa cúc hòe, ly ly, phong lan... Anh Huy nói: “Chúng tôi rất kỳ vọng vào công việc của mình vì đây là hướng đi hiệu quả. Trong tương lai gần, chúng tôi sẽ đáp ứng được nhu cầu về giống hoa cho bà con nông dân, giảm bớt chi phí và công sức cho họ”.

Quy trình sản xuất nấm, phân hữu cơ của anh Thông, quy trình trồng hoa của anh Huy hiện nay đã được bà con nông dân áp dụng đại trà. Và đáng quý hơn, mỗi người dân lại trở thành một tuyên truyền viên, một “nhà khoa học dân gian” để chia sẻ kinh nghiệm khoa học cho những người đi sau.

Cùng làm, cùng suy ngẫm

Trăn trở lớn nhất của những nhà khoa học trẻ như anh Thông, anh Huy là làm sao giúp bà con thích nghi với một nền nông nghiệp hiện đại, hướng vào chiều sâu với những kỹ thuật tiên tiến. Thay vì dàn trải công sức trên những thửa ruộng thẳng cánh cò bay, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, người nông dân có thể tiếp cận khoa học công nghệ để đạt được hiệu quả cao, bớt đi công sức lao động. “Tâm lý bà con thường ngại sự thay đổi. Để một chương trình khoa học được bà con chấp nhận đưa vào ứng dụng, mình phải cùng làm, cùng xem xét và suy ngẫm. Đây là trách nhiệm của chúng tôi, những thế hệ sinh sau đẻ muộn”, anh Thông chia sẻ.

Những nhà khoa học trẻ như Lê Văn Thông, Bùi Ngọc Huy đã không ít lần thức trọn đêm với bà con trên đồng rau sạch, tại vườn hoa tươi, chỉ để cảm nhận được cái vất vả của bà con, và rồi tự hứa với lòng phải cố gắng hơn. Cứ mỗi lần đem giống mới về các anh lại thấp thỏm. Chỉ khi bà con điện thoại báo tin vui rau đã nảy mầm, hoa đã nở nụ thì họ mới thở phào nhẹ nhõm. Anh Huy kể lại một kỷ niệm đáng nhớ khi chuyển giao cho 50 hộ nông dân ở quận Sơn Trà kỹ thuật “trồng rau an toàn không cần dùng đất”: “Đây là kỹ thuật trồng rau mà nhiều nước tiên tiến vẫn áp dụng vì không phụ thuộc nhiều vào đất. Rau được trồng trên nhiều loại giá thể bao gồm xơ dừa, phân chuồng, mùn cưa... thay cho đất. Lần đầu tiên nghe đến cách trồng trọt “kỳ quặc” này, bà con rất nghi ngờ. Mình đành phải về nhà tự làm 5 bồn rau, đợi có kết quả như ý mới đem đến quảng cáo với bà con. Lúc đó họ mới tin”, anh Huy cho hay.

Ông Đặng Công Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân Đà Nẵng cho biết: “Từ năm 2009 đến nay, Hội đã tổ chức gần 300 lớp chuyển giao công nghệ - khoa học kỹ thuật cho hơn 10.000 nông dân. Điều đáng mừng là ngày càng có nhiều cán bộ khoa học trẻ tham gia vào công tác nghiên cứu, thâm nhập thực tế nhằm tìm ra những mô hình sản xuất phù hợp thực tiễn và tạo hiệu quả kinh tế cao cho bà con”.


KHÁNH HÒA


Đọc thêm