“Đối với nhiều người trong các nước đang phát triển và tại châu Phi, thay đổi khí hậu là một vấn đề sống hoặc chết”, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma nhấn mạnh tại lễ khai mạc Hội nghị Liên Hợp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu lần thứ 17 (COP-17) khai mạc tại Durban, Nam Phi hôm 28/11.
Những nhà hoạt động của tổ chức phi chính phủ Oxfam biểu tình trước Hội nghị về khí hậu tại Durban. |
COP-17 có lịch trình làm việc 12 ngày, kể từ ngày 28/11, sẽ tập trung bàn về số phận của Nghị định thư Kyoto – hiệp ước toàn cầu duy nhất về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ hết hiệu lực vào năm 2012 – và đáp lại tiếng gọi từ những nước dễ bị tổn thương nhất trước hiện tượng nóng lên của trái đất.
Trong bài phát biểu khai mạc, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma nhấn mạnh: “Kết quả của hội nghị lần thứ 17 về khí hậu phải khẳng định được rằng việc giải quyết vấn đề khí hậu không thể tách khỏi đấu tranh chống đói nghèo”. Đại diện của 191 quốc gia và một số vùng lãnh thổ tham gia hội nghị. “Trong vòng gần 2 tuần, chúng tôi phải thu được kết quả”, Bộ trưởng Ngoại giao Mexico Patricia Espinosa phát biểu.
Bên cạnh vấn đề tương lai của Nghị định thư Kyoto, hiệp ước quốc tế duy nhất áp đặt những mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại 40 quốc gia công nghiệp hóa, các đại biểu tham dự hội nghị còn thảo luận về vấn đề tài trợ cho các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất để các nước này đối phó với sự thay đổi khí hậu. Nguồn tài trợ này được đưa vào “Quỹ Khí hậu xanh” với mục tiêu đến năm 2020 đạt mức tài trợ 100 tỉ USD/năm cho các nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.
Bước vào hội nghị, các nước đang phát triển đòi hỏi các nước nước phát triển phải nối lại cam kết sau giai đoạn ban đầu dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm 2012 và các cuộc thương lượng phải khai thông được khuôn khổ quốc tế mới áp đặt đối với tất cả các quốc gia. Các nước đang phát triển cáo buộc các nước giàu chưa nỗ lực giảm khí thải và đóng góp tài chính để giúp khắc phục hậu quả của thiên tai do biến đổi khí hậu.
Nội bộ nhóm nước đang phát triển cũng chia rẽ khi những nước nghèo nhất e ngại những nền kinh tế đang nổi như Ấn Độ và Trung Quốc muốn trì hoãn việc thông qua một thỏa thuận toàn cầu mới về cắt giảm khí thải đến tận năm 2020. Các quốc gia đảo, trong đó có những nước dễ bị tổn thương nhất, thì gióng lên tiếng chuông cảnh báo bằng việc khẳng định rằng sự trì hoãn đưa ra quyết định mới từ các nước thải nhiều khí CO2 nhất là “một sự phản bội đối với những người dân dễ bị tổn thương nhất trước sự thay đổi khí hậu”.
Thái độ của các nước mới nổi như Ấn Độ và Trung Quốc, thậm chí cả Mỹ, tại hội nghị lần này sẽ là yếu tố mấu chốt để tránh một thất bại mới khi mà tiến trình này của LHQ còn rất mong manh sau hội nghị Copenhagen. Tuy nhiên, Mỹ cho thấy nước này thật sự không nghiêng về thảo luận một khuôn khổ có tính cưỡng chế tại Durban.
Có khả năng các nền kinh tế lớn sẽ xem lại từ nay tới năm 2020 mục tiêu của họ trong việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhà thương thuyết Jonathan Pershing nói với báo giới.
Sự chia rẽ quá lớn giữa các bên cũng thể hiện ở chỗ hầu hết các nước phát triển tuyên bố sẽ đồng ý cắt giảm thêm khí thải với điều kiện 2 nước gần như không bị ràng buộc bởi Nghị định thư Kyoto là Mỹ và Trung Quốc phải chấp nhận những tiêu chuẩn ngặt nghèo hơn về khí thải.
Phúc Lợi (Theo AFP, BBC)