Thay đổi tư duy đầu tư phát triển công nghiệp, hướng tới mục tiêu chất lượng, hiệu quả và bền vững

Trong thập niên đầu của thế kỷ 21, ngành công nghiệp  thành phố có sự phát triển đáng khích lệ. 5 năm đầu của thập niên (2001-2005) sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 19,9%, 5 năm tiếp theo (2006-2010) mặc dù chịu ảnh hưởng của tình hình tăng giá và lạm phát cao năm 2008, khủng hoảng tài chính tiền tệ thế giới năm 2009, sản xuất công nghiệp của thành phố vẫn tăng trưởng bình quân 15,25%, để rồi đạt tốc độ tăng trưởng bình quân cả thập niên là 17,55%/năm. Đây là  thành tích mà không phải địa phương nào cũng có được.

Trong thập niên đầu của thế kỷ 21, ngành công nghiệp  thành phố có sự phát triển đáng khích lệ. 5 năm đầu của thập niên (2001-2005) sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 19,9%, 5 năm tiếp theo (2006-2010) mặc dù chịu ảnh hưởng của tình hình tăng giá và lạm phát cao năm 2008, khủng hoảng tài chính tiền tệ thế giới năm 2009, sản xuất công nghiệp của thành phố vẫn tăng trưởng bình quân 15,25%, để rồi đạt tốc độ tăng trưởng bình quân cả thập niên là 17,55%/năm. Đây là  thành tích mà không phải địa phương nào cũng có được. Để mục tiêu trở thành  thành phố công nghiệp, hiện đại, văn minh trước năm 2020 thành hiện thực, công nghiệp Hải Phòng phải có sự bứt phá mạnh mẽ cùng một chiến lược phát triển táo bạo, theo hướng bền vững. 

 

Dây chuyền luyện thép của Công ty CP Thép Sông Đà được đầu tư theo tiêu chuẩn hiện đại, thân thiện với môi trường Ảnh: Duy Lân

Dây chuyền luyện thép của Công ty CP Thép Sông Đà được đầu tư theo tiêu chuẩn hiện đại, thân thiện với môi trường

Ảnh: Duy Lân

Những thành tựu nổi bật

 

Trong 10 năm qua, công nghiệp thành phố có bước đổi mới về cơ cấu sản phẩm, từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hoá, đổi mới công nghệ, phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp có liên quan đến biển và sản xuất hàng xuất khẩu có tiềm năng và lợi thế; từng bước hình thành trung tâm công nghiệp đóng tàu, sản xuất kim loại của vùng và cả nước đồng thời phát triển một số ngành sản xuất ứng dụng kỹ thuật cao như sản xuất máy móc thiết bị điện, điện tử, dụng cụ y tế, dụng cụ chính xác, thiết bị văn phòng máy tính …Sự phát triển mạnh mẽ trong 10 năm qua  đưa công nghiệp trở thành ngành chủ lực của kinh tế thành phố, đóng góp hơn 30% cho tăng trưởng kinh tế chung, gần 50% cho ngân sách thành phố, 83-85% kim ngạch xuất khẩu và giải quyết hơn 30% việc làm cho lao động khu vực phi nông nghiệp, đứng thứ 6 trong số 63 tỉnh, thành phố về giá trị sản xuất công nghiệp, thứ hai ở khu vực phía Bắc.

 

Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp của Hải Phòng những năm qua chủ yếu phát triển theo chiều rộng, tăng trưởng chủ yếu dựa vào đầu tư phát triển cơ sở sản xuất công nghiệp mới. Tăng trưởng dựa trên cơ sở đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị công nghệ để tăng sản lượng chưa nhiều. Vì thế, chất lượng tăng trưởng còn thấp, hiệu quả và khả năng cạnh tranh  hạn chế,  chưa thật bền vững. Cơ cấu công nghiệp sau ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 2009 bộc lộ một số bất cập, hiệu quả thấp. Quy mô các doanh nghiệp nhỏ, khoảng 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển chưa ổn định,  chưa tương xứng tầm với vai trò là cực tăng trưởng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và tiềm năng, vị thế của thành phố.

 

Định hướng cho tương lai

 

Sản xuất công nghiệp của Hải Phòng trong vòng 5 năm tới được xác định với  mức tăng trưởng GDP công nghiệp, xây dựng bình quân đạt 13,2-13,8%/năm;  chỉ số phát triển công nghiệp đạt mức tăng trưởng bình quân 14-15%/năm. Theo cách tính toán của các nhà làm kế hoạch và hoạt động trong ngành thống kê, chỉ tiêu này tương đương với mức tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp (cách tính cũ) vào khoảng 18%/năm. Nếu chỉ nhìn về con số, thì tốc độ tăng trưởng này không tăng nhiều lắm so với tốc độ tăng trưởng của 10 năm trước. Nhưng trên thực tế, quy mô sản xuất công nghiệp năm 2010 đã gấp nhiều lần so với năm 2000 thì tốc độ tăng trưởng như vậy có thể tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp khá lớn. Cùng với việc nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, những biến động của kinh tế thế giới sẽ tác động trực tiếp đến các hoạt động kinh tế - xã hội ,  sản xuất công nghiệp; ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu tiếp tục tác động đến ngành công nghiệp nhất là khối các doanh nghiệp đóng tàu, sản xuất xe có động cơ cộng thêm tác động khủng hoảng của Vinashin và tình hình thiếu điện luôn rình rập, để có được chỉ số phát triển công nghiệp tăng 14-15%/năm là cả một chặng đường đầy cam go và thử thách.

 

Để đạt mục tiêu tăng trưởng, góp phần đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, sản xuất công nghiệp trong vòng 5 năm tới cần phát triển với tốc độ nhanh, có chất lượng và hiệu quả, nâng dần vị thế công nghiệp Hải Phòng trong công nghiệp cả nước và vùng Bắc Bộ, trở thành một trong các trung tâm công nghiệp lớn của đất nước. Phương thức phát triển là phát triển cả theo chiều rộng gắn với phát triển theo chiều sâu. Điều đó có nghĩa là sự tăng trưởng tới đây của công nghiệp tiếp tục dựa vào sự tăng thêm cơ sở sản xuất công nghiệp mới, đồng thời dựa vào đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ, từng bước chuyển sang tăng trưởng chủ yếu vào đầu tư đổi mới công nghệ ở giai đoạn sau (2016-2020), nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng hiệu quả và phát triển bền vững.

 

Bảo vệ môi trường, phát triển bền vững

 

Trước hết, ngay từ bây giờ phải tiến hành tái cơ cấu ngành công nghiệp một cách hợp lý và hiệu quả. Những bất cập trong cơ cấu phát triển công nghiệp do tác động của khủng hoảng vừa qua là cơ sở để đánh giá và tiến hành cơ cấu lại theo hướng tập trung phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp truyền thống có lợi thế một cách hợp lý, tránh tập trung quá nhiều vào một ngành, lĩnh vực hoặc loại sản phẩm nào đó, đa dạng hoá ngành nghề, sản phẩm nhằm hạn chế rủi ro khi có biến động của thị trường. Các phân ngành cấp 2 cần có  tỷ lệ hợp lý và hiệu quả trong cơ cấu chung của toàn ngành. Trước mắt, phối hợp với tổ công tác của Chính phủ thực hiện tái cơ cấu lại ngành đóng tàu thuộc Vinashin nằm trên địa bàn thành phố theo hướng tập trung vào ba lĩnh vực chủ yếu: đóng mới và sửa chữa tàu, sản xuất sản phẩm phục vụ nội địa hoá con tàu và đào tạo nhân lực có chất lượng cho đóng và sửa chữa tàu. Việc tái cơ cấu  bắt đầu từ công tác chấp thuận đầu tư và triển khai các dự án đầu tư, ngay từ cuối năm 2010, đầu năm 2011 và phải làm kiên trì, quyết liệt trong nhiều năm thì mới có thể có một cơ cấu hợp lý và hiệu quả.

 

Thứ hai, tăng cường thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp mà hiện nay Hải Phòng chưa có như công nghiệp hoá dầu, công nghiệp chế biến sử dụng nguyên liệu là sản phẩm của ngành công nghiệp hoá dầu, phát triển công nghiệp phụ trợ nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hoá và hiệu quả kinh tế, trước hết là công nghiệp phụ trợ cho ngành đóng tàu, cho ngành dệt may, giày dép và phát triển ngành công nghiệp môi trường. Trong đó, phát triển ngành công nghiệp môi trường được coi là một việc làm đạt hai mục tiêu, vừa đóng góp vào tăng trưởng công nghiệp vừa là biện pháp giải quyết về môi trường  bảo đảm phát triển bền vững. Trong 5 năm tới cần tập trung khuyến khích và có cơ chế đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại,  thân thiện môi trường. Đây chính là yếu tố có tính quyết định đến cải thiện chất lượng tăng trưởng gắn với bảo vệ môi trường. Để làm điều này, thành phố có những bước khởi động bằng việc tổ chức nghiên cứu đề án “Nghiên cứu cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư dây chuyền thiết bị công nghệ thân thiện với môi trường” từ cách đây 2 năm, về cơ bản đã hoàn tất, cần sớm phê duyệt đưa vào thực hiện. Thành phố cũng đã ban hành Quyết định số 221/QĐ-UBND ngày 3 - 2 - 2010 về việc ban hành danh mục các dự án công nghiệp khuyến khích đầu tư, không chấp thuận đầu tư giai đoạn 2010-2015 định hướng đến 2020. Tuy nhiên, để làm tốt việc đổi mới thiết bị công nghệ, còn thiếu một cơ quan (hoặc một trung tâm) đủ trình độ để hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp trong việc tìm kiếm tiếp nhận công nghệ mới đồng thời  tham mưu với  lãnh đạo thành phố, với vai trò là người gác cổng không cho nhập khẩu thiết bị công nghệ lạc hậu khi thẩm định chấp thuận đầu tư. Đây đang là bất cập cần được giải quyết sớm thì Hải Phòng mới tránh khỏi việc chuyển giao công nghệ lạc hậu từ các nước trong khu vực.

 

Thứ ba là rà soát bổ sung hoàn chỉnh và đồng bộ hoá các quy hoạch phát triển. Sau quy hoạch phát triển thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, các quy hoạch có liên quan đến phát triển công nghiệp đang được triển khai tích cực. Quy hoạch phát triển điện lực thành phố đến 2015 có xét đến 2020 sẽ hoàn thành trong tháng 12- 2010. Các quy hoạch chi tiết phát triển điện lực các huyện Thuỷ Nguyên, An Dương, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo hoàn thành, cần triển khai sớm quy hoạch điện cho hai huyện còn lại (Kiến Thụỵ và An Lão). Bên cạnh đó, cần sớm triển khai quy hoạch phát triển công nghiệp ở thời kỳ 2011-2020, tầm nhìn đến 2030 và một số quy hoạch phát triển ngành công nghiệp chủ lực; xem xét điều chỉnh quy hoạch sản xuất thép (đặc biệt là sản xuất phôi và cán thép xây dựng) theo hướng gắn với nguồn cung nguyên liệu, sử dụng năng lượng và nhu cầu của thị trường tiêu thụ. Các sản phẩm này đang có dấu hiệu vượt quá mục tiêu quy hoạch được duyệt và vượt quá nhu cầu. Cũng cần xem xét lại quy hoạch sản xuất vật liệu xây dựng, nhất là quy hoạch phát triển xi măng cho phù hợp với khả năng cung cấp nguyên liệu cho sản xuất; quy hoạch phát triển ngành giày với khả năng đáp ứng về lao động. Cần chấm dứt tình trạng phát triển không theo quy hoạch như những năm vừa qua.

 

Một biện pháp quan trọng cần được quan tâm là kể từ năm 2011 không chấp thuận đầu tư đối với những dự án sản xuất công nghiệp vào những địa điểm nằm ngoài các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch. Đây chính là điều kiện để quản lý và xử lý chất thải công nghiệp (nhất là nước thải) bảo vệ môi trường. Muốn làm được điều này cần đẩy nhanh xây dựng các khu công nghiệp trên địa bàn  được Thủ tướng chấp thuận; sớm phê duyệt quy hoạch các cụm công nghiệp và đưa vào xây dựng hạ tầng cơ sở để có mặt bằng sạch thu hút đầu tư;  tiếp tục khuyến khích và có kế hoạch di chuyển các nhà máy, cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm ra khỏi đô thị, khu dân cư để cải thiện môi trường sống; phấn đấu 100%  số cơ sở sản xuất mới  áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải  bảo đảm đạt tiêu chuẩn môi truờng đồng thời thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp.

 

Cần có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển. Cần đổi mới phương thức đào tạo theo hướng: đào tạo theo nhu cầu của sự phát triển, theo địa chỉ, theo hợp đồng với cơ sở sản xuất, gắn cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp.

 

Đã đến lúc cần thay đổi tư duy đầu tư phát triển công nghiệp bằng mọi giá để có tăng trưởng cao bằng việc đầu tư phát triển có chọn lọc, có chất lượng và hiệu quả kinh tế, gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Có như vậy, công nghiệp Hải Phòng mới đạt mục tiêu tăng trưởng đặt ra và góp phần để thành phố hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

 

Đỗ Quang Thịnh

Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng

Đọc thêm