Tại cuộc họp lãnh đạo sáng kiến Liên minh Vịnh Hạ Long - Cát Bà lần thứ 5 tổ chức vào chiều 13/3/2018 tại TP Hạ Long, ông Hồ Quang Huy - Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long tiết lộ về khoản đầu tư 154 triệu USD vào dự án xử lý nước thải trên vịnh Hạ Long, trong đó vốn đối ứng của TP Hạ Long là 29 triệu USD, 125 triệu USD còn lại là vốn vay ODA. Đây chính là dự án Phục hồi môi trường nước Vịnh Hạ Long hợp tác với Bỉ.
Tháng 12/2015, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có buổi làm việc với Tập đoàn Rent A Port và quỹ Westpac Belgium (đối tác của Bỉ) về nội dung Báo cáo tiền khả thi đề án nghiên cứu các giải pháp và công nghệ làm sạch Vịnh Hạ Long. Bản báo cáo khi đó đã đưa ra dự toán chi phí cần thiết để thu gom và tái sử dụng khối lượng chất thải ô nhiễm hiện nay trên Vịnh Hạ Long vào khoảng 129 triệu USD.
Tháng 8/2016, UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục có buổi làm việc với Tập đoàn Rent A Port về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Phục hồi môi trường nước Vịnh Hạ Long. Mục tiêu của dự án theo báo cáo tiền khả thi là nhằm phục hồi môi trường nước trước hai nguồn chất thải chính và các biện pháp thực hiện, gồm: thu gom và xử lý dầu nổi và rác thải rắn trôi nổi; thu gom và xử lý chất thải từ tàu du lịch. Phạm vi không gian của dự án là khu vực rộng 538km2, bao gồm vùng lõi Di sản Vịnh Hạ Long, vùng ven bờ biển TP Hạ Long, TP Cẩm Phả và một phần giáp ranh huyện Vân Đồn.
Các hạng mục đầu tư chính của Dự án gồm: các hạng mục xử lý chất thải (1nhà máy đốt rác tạo năng lượng điện với công suất thiết kế 100 tấn/ngày, 5 hệ thống xử lý nước đen); các hạng mục thu gom chất thải (9 cụm, 54 bể nổi Septikon để thu gom và lưu trữ rác thải, 2 tàu thu gom chất thải, hệ thống cầu cảng và bến cảng để 2 tàu thu gom neo đậu, vận chuyển chất thải).Thời gian thực hiện dự án là 10 năm, từ 2017-2026, chia thành 2 giai đoạn. Trong 5 năm đầu(2017-2022) sẽ thực hiện các hợp đồng EBOT (thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao), 5 năm tiếp theo, tỉnh Quảng Ninh sẽ vận hành dự án. Khái toán kinh phí dự án là 125 triệu USD/10 năm.
Như vậy, tổng vốn vay ODA của dự án này là 2.875 tỷ đồng. Nếu tính với mức phí thu được từ bán vé tham quan Vịnh Hạ Long năm 2017 là 1.100 tỷ đồng thì chỉ cần 3 năm bán vé là đủ tiền tái đầu tư. Thế nhưng thực tế việc xử lý ô nhiễm nước thải Vịnh Hạ Long hiện nay không chỉ là vấn đề xử lý nước thải trên Vịnh mà là nước thải chảy ra từ các đô thị ven bờ, các khu công nghiệp, dịch vụ, cảng biển…, trong khi phần lớn những bất cập về hạ tầng, quy hoạch không thể xử lý được. Thực tế, vào năm 2010, tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư 1.900 tỷ đồng để xử lý vấn đề môi trường TP Hạ Long.
Theo đó, năm 2010, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 1954/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư các công trình xây dựng thuộc Dự án bảo vệ môi trường TP Hạ Long, sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi (ODA) của Chính phủ Nhật Bản. Với kỳ vọng, Dự án được triển khai sẽ cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường TP Hạ Long, thông qua việc xây dựng các hệ thống cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải hiện đại, phù hợp và kiểm soát môi trường, giảm thiểu tác động đến Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, dự án Bảo vệ môi trường TP Hạ Long gồm 3 tiểu dự án: mở rộng hệ thống cấp nước TP Hạ Long; xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP Hạ Long; xây dựng Trung tâm quan trắc và thông tin môi trường Vịnh Hạ Long.
Dự án sử dụng vốn tín dụng ưu đãi (ODA) của Chính phủ Nhật Bản thông qua Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) và vốn đối ứng trong nước với tổng mức đầu tư: 1.900 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, chủ đầu tư sẽ trực tiếp quản lý dự án. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2008 đến năm 2015. Đến nay, dù dự án đã kết thúc từ lâu, các vấn đề ô nhiễm môi trường Vịnh Hạ Long vẫn còn nguyên như cũ.
Việc đầu tư hạ tầng xử lý nước thải không theo kịp tốc độ đô thị hóa nhanh cũng là tác nhân lớn gây ô nhiễm môi trường biển. Hiện nay, TP Hạ Long có 5 trạm xử lý nước thải tập trung, nhưng hiệu quả rất kém. Cụ thể, Nhà máy xử lý nước thải Bãi Cháy, Trạm xử lý phía Đông TP Hạ Long luôn quá tải, chỉ xử lý khoảng 30% lượng nước thải phát sinh. Trạm xử lý nước thải khu đô thị Cột 5 - Cột 8 mới đạt 5-10% công suất, Trạm Hà Khánh công suất 7.000m3/ngày đêm, mới đạt khoảng 70%…
Ở nhiều khu vực ven biển, hệ thống cống, rãnh thoát nước thải cho khu dân cư, nhà hàng, khách sạn… vẫn chưa có phương án thu gom, xử lý đạt chuẩn mà xả thẳng ra vịnh. Điển hình là khu vực ven bờ Vịnh Hạ Long có trên 24 cống nước thải sinh hoạt thuộc khu Lán Bè - Cột 8, Cao Xanh - Hà Khánh đang xả thẳng xuống vịnh mà không qua xử lý. Người dân địa phương dễ dàng chỉ ra những khu vực “nóng” về ô nhiễm môi trường, nước thải từ Bắc Cửa Lục, cảng Tuần Châu tới cột 5, cột 8 (Hạ Long), Bến Gio, cảng cây số 6 (Cẩm Phả)…Không thể không nhắc đến ngành công nghiệp khai thác than, nước thải mỏ gần 55 triệu m3/năm. 35 trạm xử lý công nghệ cao của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam hiện cũng chỉ xử lý được 74% lượng nước thải mỏ.
Ông Nguyễn Văn Trinh - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Hạ Long - đơn vị vận hành 4 trạm xử lý nước thải cho biết, nguyên nhân chính của nước thải ô nhiễm là do hạ tầng. Nhiều khu dân cư, đô thị mới “mọc” lên vài năm gần đây không được đấu nối vào hệ thống đường ống thải xây dựng từ trước. Bất cập này sinh ra một nghịch lý là chỉ nước thải của các phường trung tâm mới được xử lý, nước thải ở chính nơi đặt nhà máy cũng phải đổ thẳng ra biển.Khả năng xử lý nước thải trên địa bàn theo ước tính chỉ khoảng 35% toàn bộ nước thải. Vì vậy, dự án 3.500 tỷ đồng có theo chân dự án 1.900 tỷ đồng ném tiền xuống biển?
Kỳ 6: Lấn biển và bài toán giữa bảo tồn và phát triển