Gần 10 năm qua, thầy giáo trẻ Trần Nguyễn Khánh Phong, trường THPT A Lưới (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) lặng lẽ làm công việc mà nhiều đồng nghiệp cho rằng “dở hơi”. Đó là, lặn lội vào những bản xa, nơi có đồng bào người Tà Ôi sinh sống để sưu tầm chuyện cổ, văn hoá, hiện vật… Cũng từ đó, cái tên “Phong Tà ôi” gắn với thầy như một cái nghiệp khó bỏ. Thầy dự định khi đầy đủ tư liệu, các loại sách nghiên cứu sẽ mở một thư viện miễn phí, một bảo tàng dân tộc học về người Tà Ôi.
|
Chân dung người con đồng bào A Lưới – “Phong Tà Ôi” |
“Phong Tà ôi”… vì sao?
Khánh Phong sinh năm 1976, tại Thị trấn Tứ Hạ (huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế). Thầy tốt nghiệp Văn khoa, (ĐHKH Huế) vào năm 2000 với tấm bằng đỏ. Nhưng lại từ chối ở lại đồng bằng để lên rẻo cao A Lưới làm công tác “gieo chữ”. “Chân ướt chân ráo lên A Lưới, mình nghĩ rằng, sẽ giảng dạy vài năm rồi về xuôi. Ai ngờ ở mãi đến tận hôm nay”, thầy tâm sự.
Tập làm quen nơi “chốn thâm sơn” biết bao bỡ ngỡ, nhưng điều lôi cuốn Khánh Phong nhất chính là cuốc sống, bản sắc của đồng bào thiểu số nơi đây. Rồi tìm hiểu từ chiếc áo thổ cẩm, cái gùi cho đến những câu chuyện cổ, thầy Phong đã “mê” chúng khi nào không hay. Thầy cho biết: “mình phát hiện ra rằng, văn hoá của người Tà Ôi đặc sắc chẳng kém gì dân tộc khác. Nhưng nếu không ai đứng ra bảo lưu thì nguy cơ mai một đang đến rất gần”.
Nói là làm, thầy bắt tay công tác sưu tầm không công của mình. Trên chiếc xe đạp cà tàng, thầy len lỏi khắp các thôn bản, gặp trực tiếp từng già làng để hỏi về lịch sử, nguồn gốc người Tà Ôi rồi ghi chép cẩn thận. Nhiều lần, Khánh Phong phải bỏ tiền triệu ra để mua những hiện vật mà theo nhiều người chỉ đáng… bỏ đi. Nhiều người không bán cho, thầy lại “lao tâm tổn tướng” để thuyết phục họ. Cách làm việc của thầy chẳng khác gì một nhà dân tộc học chuyên nghiệp.
Ban đầu chỉ là một thú vui sưu tâm văn học dân gian đến sưu tầm một cách quy củ, chỉ sau vài năm, căn phòng tập thể chưa đầy 9m2 của thầy đã giăng kín hiện vật. 1.400 hiện vật có cả những thứ nhỏ nhất như cái vòng đeo tay cho đến loạt tượng nhà mồ đồ sộ. Và nhiều loại nhạc cụ, công cụ lao động mà thầy phải cất công mới kiếm được. Thầy cho biết: “phương châm của mình là lấy vật đổi vật, nếu muốn đổi dây chuyền thì mình lấy dây chuyền của mình đổi cho họ, muốn đổi cái áo thì tháo đồng hồ đeo tay đưa ngay”.
Thời gian trôi qua, cái tên “Phong Tà Ôi” gắn với thầy giáo trẻ như cái duyên trời định.
|
Trên trần nhà, dưới gầm giường, trong kệ sách… nơi nào trong căn phòng 9m2 cũng có tài liệu, hiện vật thầy Phong sưu tầm. |
Vì thầy là con của bản làng
Kể từ ngày sưu tập đến nay, thầy Khánh Phong đã băng đèo lội suối tìm đến với hơn 160 bản làng. Trong đó, có những bản nằm vắt ngang những sườn đồi của tỉnh Quảng Trị, hoặc có nhiều bản nằm sát tận biên giới Viêt – Lào đi bộ cả buổi mới đến. Nhưng bằng tất cả lòng đam mê, “mình đi mà không biết mệt mỏi, những bản làng mình qua các bố các mẹ đều thương”, thầy kể.
Nhưng để có được sự tin yêu của dân bản không phải là một chuyện dễ dàng. Thầy đã từng bị các già làng vốn là lão thành cách mạng nghi ngờ. Buổi đầu, thấy thầy cứ xin xin, nghe nghe, viết viết… bà con dân bản đâm nghi, họ nói thầy đang có âm mưu gì hay là “gián điệp”. Mặc những lời nghị, đến nay “Phong Tà ôi” vẫn đúng nghĩa với cái tên đó. Bây giờ, đi đến đâu thầy cũng nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của bà con. Thầy giáo lên rẫy với các mẹ, nằm ngủ trong nhà sàn với trai làng chẳng khác gì một người Tà Ôi thực thụ. Vậy là từ nghi ngờ, đồng bào Tà Ôi ở A Lưới chuyển sang giúp đỡ. Nhà ai có hiện vật quý, các già làng lại xin giúp cho. Thầy tự hào: “vô bản có chi mình ăn nấy, không sợ bị đói. Các mẹ nuôi mình mà”.
|
hầy giáo Khánh Phong bên những hiện vật quý giá của mình |
Ngoài giờ đứng lớp, thầy giáo trẻ lại đến từng nhà để vận động con em trong các bản xa đi học. Khi thầy giúp con gà, mua áo quần cho các em, học sinh nào thiếu sách vở thầy lại sẻ phần lương ít ỏi của mình ra nhiều phần để hỗ trợ. “Cùng ăn cùng ở với đồng bào, mình lại thấy thương cảnh nghèo của bà con, lại muốn giúp học sinh tới nơi tới chốn”, thầy Khánh Phong thổ lộ.
Nhận xét về giáo viên ưu tú của huyện nhà, ông Hồ Chí Thời, Chủ tịch UBND huyện A Lưới nói: “Chúng tôi luôn hoan nghênh và động viên thầy giáo trẻ Khánh Phong. Anh thực sự là tấm gương sáng vì cộng đồng - người con của nhiều bản làng A Lưới”.
Để giữ “hồn” cho người Tà Ôi
Thầy giáo trẻ chưa bao giờ “thưởng” cho mình một ngày nghỉ trọn vẹn. Với thầy, ngày lễ là thời gian có thể đi sưu tầm nhiều nhất, là dịp để viết báo kiếm tiền “hầu hạ” đam mê của mình. Để giữ “hồn” Tà Ôi, thầy đã lên kế hoạch 30 năm và cho cả cuộc đời: viết 30 đầu sách, 200 bài nghiên cứu. Và đến bây giờ, 5 đầu sách giá trị là: Truyện cổ Tà Ôi, Chàng Phuật Nà, Được mang họ Bác Hồ, Người Tà Ôi (chuyên luận) và Apok Sâu A Rau Konh (truyện) đã được xuất bản.
Khi chúng tôi đến thăm, đúng lúc thầy đang đọc lại bài viết của mình trên một Tạp chí của Viện Dân tộc học. Thầy nói: “Chỉ mong trong tương lai, khi mình mở bảo tàng thì thanh niên Tà Ôi sẽ được “tiếp lửa”, cùng nhau giữ lấy bản sắc. Mình cũng đang phấn đấu để nhanh chóng đạt 3000 đầu sách, tiến hành mở thư viện tư nhân miễn phí. Thực hiện điều này chỉ để thỏa đam mê của mình”.
|
Bộ tượng nhà mồ - hiện vật biểu hiện đời sống tâm linh của người Tà Ôi là hiện vật lớn nhất, chiếm nhiều chỗ nhất. |
Hiện thầy giáo trẻ Trần Nguyễn Khánh Phong đang là Hội viên Hội VNDG Việt Nam, Hội viên Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam. Thầy được nhiều tờ báo, tạp chí đánh giá cao qua các bài nghiên cứu chuyên sâu. Những bài viết của thầy, ít nhiều góp phần bảo lưu và phát triển vốn văn hoá người Tà Ôi.
Trên miên biên cương mù sương này, ngày ngày, người ta vẫn thấy một thầy giáo trẻ đam mê gìn giữ bản sắc dân tộc Tà Ôi đứng lớp. Một người hứa với lương tâm mình rằng, sẽ không trở về đồng bằng khi chưa hoàn thành tâm nguyện.
Theo VnMedia.vn