Thầy thuốc giỏi: Kiến thức, môi trường rèn luyện, cơ chế ưu đãi và sự tâm huyết

Hội thảo “Làm thế nào để phát huy và thu hút các thầy thuốc giỏi?” do Báo Hải Phòng và Sở Y tế vừa tổ chức nhân kỷ niệm 56 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam thu hút hơn 20 bác sĩ - chuyên gia đầu ngành đang công tác tại các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn thành phố tham gia.

Hội thảo “Làm thế nào để phát huy và thu hút các thầy thuốc giỏi?” do Báo Hải Phòng và Sở Y tế vừa tổ chức nhân kỷ niệm 56 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam thu hút hơn 20 bác sĩ - chuyên gia đầu ngành đang công tác tại các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn thành phố tham gia.

Cần môi trường rèn luyện, cơ chế ưu đãi để thành tài

Bác sĩ Nguyễn Văn Rót, chuyên gia đầu ngành về nội-tiêu hóa bắt đầu phần tham luận với câu chuyện rằng, vài năm trước có một bác sĩ về làm việc ở Bệnh viện hữu nghị Việt-Tiệp, nhưng bị điều chuyển hết khoa này sang khoa khác. Một số bác sĩ muốn giúp đỡ bác sĩ trẻ đó, đã tác động với lãnh đạo bệnh viện tiếp nhận anh ấy vào làm việc chính thức. Nhưng cuối cùng, bác sĩ trẻ ấy lại xin chuyển công tác đến một bệnh viện ở Hà Nội. Sau vài năm, người đó trở thành thầy thuốc giỏi, được mời về Bệnh viện hữu nghị Việt-Tiệp để hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật mới trong điều trị lọc máu và chạy thận nhân tạo.

Các thầy thuốc Khoa mắt (Bệnh viện Đa khoa Việt - Tiệp) phẫu thuật mắt cho người bệnh bằng phương pháp mới.

Hoặc trường hợp của bác sĩ Vũ Hải hiện đang làm việc ở Bệnh viện Từ Dũ (thành phố Hồ Chí Minh). Khi ở Hải Phòng, bác sĩ này không được coi trọng vị bác sĩ chuyển vào công tác tại Bệnh viện Từ Dũ. Sau nhiều năm, bác sĩ đó trở nên nổi tiếng, thành chuyên gia đầu ngành về thụ thai trong ống nghiệm và cũng chính vị bác sĩ đó lại quay về Hải Phòng hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm cho Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng. Trường hợp của bác sĩ Ánh - chuyên khoa Tim Mạch và bác sĩ Tuyên, chuyên khoa Ung bướu khi chuyển đi các địa phương khác trở thành chuyên gia đầu ngành, nhiều người biết tiếng.

Từ những trường hợp cụ thể, bác sĩ Nguyễn Văn Rót cho rằng, không có ai sinh ra đã tài mà người tài phải do học tập và rèn luyện mà thành. Do đó cần thời gian rèn luyện qua thực tế. Nhưng để trở thành người tài, phải bắt đầu từ môi trường giáo dục- đào tạo. Đối với Trường đại học Y Hải Phòng, cần tích cực tham gia đào tạo đội ngũ thầy thuốc đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân. Nhưng chất lượng đào tạo là vấn đề cần xem xét. Đội ngũ giảng viên ngày càng mỏng (nhiều thầy giỏi đến tuổi nghỉ hưu), giảng viên ở một số khoa, phòng chưa đáp ứng yêu cầu nhưng quy mô đào tạo tăng gấp 4 lần nên chất lượng đào tạo không bảo đảm. Một thầy thuốc giỏi cần hội đủ các yếu tố như có kiến thức vững, có tố chất, song để tố chất đó được phát huy cần có môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ thỏa đáng. Bác sĩ Rót cho rằng, không ai có thể giỏi mãi, bởi y học là sự tiến bộ không ngừng. Vì thế cần có đội ngũ thầy thuốc trẻ kế cận. Muốn vậy cần nuôi dưỡng nhân tài, tạo điều kiện cho nhân tài phát triển bằng môi trường làm việc, cơ chế đãi ngộ và bằng cả sự hỗ trợ, đùm bọc của chính các đồng nghiệp. Còn những thầy thuốc đã có tên tuổi, lãnh đạo đơn vị nên quan tâm, tạo điều kiện, động viên, khuyến khích họ tiếp tục cống hiến.

Đồng nhất quan điểm này, thạc sĩ Trần Hoài Nam , Phó giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt-Tiệp cho rằng: Chế độ đãi ngộ cho bao nhiêu không quan trọng mà chính là cách cho. Những thầy thuốc giỏi mong được mọi người tôn trọng, được động viên, khích lệ. Bác sĩ Nam cho biết, khi giảng dạy ở Trường đại học kỹ thuật y tế Hải Dương, thù lao cho cả ngày dạy được khoảng 100 nghìn đồng, không đủ tiền xăng đi lại, nhưng địa phương rất quan tâm và cuối năm tặng bằng khen. Việc làm đó tuy nhỏ nhưng động viên các thầy thuốc cố gắng nhiều trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Tiến sĩ Trần Thanh Cảng, Trưởng Khoa hồi sức cấp cứu nội (Bệnh viện hữu nghị Việt-Tiệp) cho rằng: Để tạo điều kiện cho cán bộ, y, bác sĩ thực hiện nhiệm vụ cần sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo các đơn vị. Lãnh đạo đơn vị thường xuyên bám sát, tạo điều kiện trang bị những thiết bị đầy đủ đáp ứng yêu cầu công tác điều trị bệnh cho nhân dân.

Cần sự chia sẻ từ nhân dân

Đa số ý kiến khẳng định, cuộc hội thảo thành công hơn mong đợi, với nhiều ý kiến phát biểu thẳng thắn, chia sẻ tâm tư, suy nghĩ của thầy thuốc. Bác sĩ Bùi Thanh Doanh, Phó giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt-Tiệp cho rằng, từ trước đến nay, việc tuyên truyền chưa được quan tâm đúng mức. Thành công của hội thảo không chỉ góp phần tăng cường sự hiểu biết, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan báo chí, nhất là Báo Hải Phòng trong tổ chức tuyên truyền hiệu quả những mặt được, chưa được, những giải pháp khắc phục, góp phần nói cho dân nghe, dân hiểu.

Các thầy thuốc Hải Phòng tham gia hiến máu tình nguyện nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2.
Đó là do cơ chế chính sách về ngành Y tế chậm đổi mới khiến cho nhiều bệnh viện gặp khó khăn trong việc thực hiện cơ chế tuyển dụng, đãi ngộ người tài. Giá viện phí vẫn giữ nguyên từ năm 1997, nhưng mọi chi phí đều tăng khiến các bệnh viện đang phải gồng mình “tự cân đối thu chi” theo tinh thần Nghị định 43 của Chính phủ Quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Áp lực công việc ngày càng nhiều, nhưng chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng. Mức phụ cấp đối với y, bác sĩ trực thấp và quy định “cứng” mang tính cào bằng làm triệt tiêu thi đua. Thí dụ, một bác sĩ trực đêm chỉ được hưởng mức phụ cấp 45 nghìn đồng, không phân biệt người đó có trình độ chuyên môn ra sao. Nhiều bệnh viện trụ sở được xây dựng từ rất lâu, thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, người bệnh tăng, nhưng không được đầu tư, xây mới, đầu tư thiết bị mới. Việc xã hội hóa thiết bị y tế bước đầu được triển khai song ở một số đơn vị chưa được dân chủ, chưa có sự tham gia của tất cả y, bác sĩ trong đơn vị nên xảy ra tình trạng “lạm dụng” chiếu chụp, làm xét nghiệm…

Những khó khăn này cần sự chia sẻ, tham gia hiến kế của nhân dân để ngành Y tế tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2011, góp phần thiết thực  thực hiện chủ đề “Năm Đô thị và bảo đảm an sinh xã hội” của thành phố, trong đó Báo Hải Phòng là “cầu nối”./.

Hoàng Dũng

Đọc thêm