Thầy thuốc ưa ’phá rào’

Những cú “đột phá” của thầy giáo “khác người” PGS.TS.Vũ Đình Chính trở thành đề tài khiến nhiều người bàn tán, ngưỡng mộ.

Từ một bác sỹ (BS) điều trị chuyển sang làm nhà giáo âu đó cũng là duyên nghề. Những cú “đột phá” của thầy thuốc - thầy giáo “khác người” PGS.TS.Vũ Đình Chính - Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương trở thành đề tài khiến nhiều người bàn tán, ngưỡng mộ.

Mối lương duyên với ngành y

Năm 1971, cơ duyên đã khiến thầy trở thành bác sỹ (BS) quân y, rồi BS quân y nội trú tại Học viện quân y và Chủ nhiệm Khoa Quân y cơ sở, rồi Viện phó của Viện 7 (BVĐK tuyến cuối của quân khu 3).

Thầy Chính thăm cán bộ Phòng xét nghiệm

Cuộc sống yên bình ấy chỉ thực sự bị đảo lộn khi thầy Chính được “gợi ý” chuyển về quản lý tại Trường Trung cấp y tế Hải Dương (trong khi đó thầy giáo cũ của thầy đang định kéo thầy lên BV Trưng ương quân đội 108).

 Để kịp thời thông tin đa chiều về các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là lĩnh vực y tế và sức khỏe, bắt đầu từ hôm nay - 19/11, Báo Pháp luật Việt Nam mở chuyên mục “Sức khỏe & Cuộc sống” trên các số báo ra ngày Thứ sáu hàng tuần. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Đứng giữa ngã ba đường, thầy cũng thoáng chút đắn đo. Song phút ngần ngại ấy qua đi rất nhanh. Những ân tình với nơi “chôn nhau cắt rốn”, sự tò mò, đặc biệt là bản tính ưa mạo hiểm, thích “đột phá” đã cuốn thầy về ngôi trường nhỏ bé này.

Quyết định ấy của thầy một thời gian rất dài đã trở thành chủ đề bàn luận của mọi người. Vợ con thì âu lo, bạn bè thân thiết xì xào bông đùa thầy bị “giáng chức” khi chọn con đường đó.

Nhưng, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, thầy Chính quyết định thử sức... Quyết tâm là như vậy, nhưng khi thực sự vào cuộc rồi, thầy lại thấy chùn bước và “ngao ngán” khi ngày ngày chứng kiến không khí dạy và học đầy tẻ nhạt tại đây. Thầy cũng thực sự buồn và thất vọng khi những hình ảnh sinh hoạt nhộm nhoạn, vô tổ chức của các sinh viên cứ đập vào mắt hàng ngày...

Những tưởng mọi sự sẽ chấm dứt. Nhưng, không, với mong muốn: “Gìn giữ một nền tảng y đức của người thầy, phấn đấu để lại một cái gì đó cho sinh viên…” và tâm thế vững vàng của một người lính được tôi luyện gần 30 năm trong quân ngũ, thầy Chính đã chính thức bắt tay vào phục dựng lại Trường Trung cấp y tế Hải Dương...

Những “cú hích” để đời

Với cương vị của một Phó Hiệu trưởng, thầy Chính được cấp trên giao cho hai nhiệm vụ rất đặc biệt, đây cũng là hai khâu chen chốt và khó khăn nhất của trường lúc bấy giờ: Một là phụ trách cán bộ và hai là chia đất cho cán bộ, công nhân viên trong trường. Hai trọng trách này không biết bao năm rồi không ai làm nổi, vậy mà thầy triển khai rất “ngọt”!.

“Có gì đâu! Chia đất cho anh em phải trên tinh thần công bằng, vì mọi người và không tư lợi. Còn, muốn phụ trách cán bộ tốt thì phải hiểu cán bộ của mình. Muốn hiểu họ càng phải quản lý sát sao và quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của anh em...” - thầy Chính bộc bạch chân tình.

Tháng 5/2000, thầy Chính được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Trung cấp Y tế Hải Dương. Để thực sự hiểu cán bộ của mình, thầy Chính đã phải bỏ ra nhiều ngày để đọc, nhớ một loạt hồ sơ, nhất là tên họ, hoàn cảnh gia đình của họ. Bên cạnh đó, thầy cũng ra sức đốc thúc sinh viên học tập và hình thành lên một phong trào thi đua học tập rất sôi nổi trong trường.

Theo thầy, điều quan trọng nhất trong quá trình giảng dạy là phải biết đối tượng giảng dạy của mình là ai? Mục tiêu đào tạo là gì? Mặt khác, để nâng cao chất lượng giảng dạy, thầy cũng yêu cầu sinh viên phải có đầu óc, biết phân tích và lý giải thật nhuần nhuyễn vấn đề và phải biết thực hành (chứ không phải chỉ biết liệt kê và học “vẹt”).

“Tôi chỉ sợ tôi không tốt. Nếu tôi tốt mọi người sẽ ủng hộ tôi. Và tôi mong muốn mọi người hãy giúp đỡ tôi. Bản thân tôi cũng sẽ cố gắng hết sức mình để hoàn thành mọi trọng trách...” - thầy chia sẻ tận đáy lòng.

Trước thực tế đội ngũ cán bộ kỹ thuật y tế, điều dưỡng viên của cả nước còn quá yếu kém và thiếu thốn, thầy Chính luôn đặt ra câu hỏi: “Trường này là trường gì?”, “nó sẽ đi về đâu?”. Và, thầy đã trả lời những câu hỏi này bằng việc quyết tâm nâng cấp trường lên hệ cao đẳng bằng cách: Nỗ lực và tập trung đầu tư vào việc 1. Cử cán bộ đi học nâng cao (bởi học sinh muốn giỏi thì phải có thầy giỏi hơn) 2. Liên doanh hợp tác với các bệnh viện (BV), trường học để tranh thủ sự đầu tư tài chính và nguồn chất xám của họ.

Thậm chí, thầy còn “nửa đùa, nửa thật” tuyên bố với cán bộ, giảng viên của mình: “Cho tiền đi học mà không thi đỗ thì đi thẳng về thành phố, đừng rẽ vào trường làm gì!”.

Thực ra, trong sâu thẳm suy nghĩ của thầy Chính, “nhảy” lên hệ cao đẳng chỉ là con đường vòng, là bước đi quá độ, thầy không hề thích cao đẳng. Rồi, thầy ngấm ngầm nghiên cứu, chuẩn bị mọi tiền đề để bước lên hệ đại học. Bởi vậy, bên cạnh việc đầu tư vào việc nâng cao chất lượng đào tạo và dạy học trong trường, thầy không ngại khó, ngại khổ trực tiếp đi xin đất, tìm nguồn kinh phí mở rộng trường, xây dựng ký túc xã cho sinh viên bởi “có an cư mới lạc nghiệp”.

Đặc biệt, thầy luôn tập trung vào mục tiêu đào tạo. Từ thực tế của một người đã từng làm công tác điều trị trong BV, thầy đã quá hiểu vai trò của đội ngũ điều dưỡng viên và kỹ thuật viên y tế. Bởi: “Muốn nâng cao chất lượng chăm sóc và chẩn đoán cho bệnh nhân phải quan tâm đến đến hai đội ngũ này. Đây là vấn đề bắt buộc!” - thầy khẳng định.

Thầy cũng cho hay, thực tế trong một BV, lực lượng này chiếm tới 70-80%. Chỉ cần tiêm thuốc nhầm là nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân. Nếu xét nghiệm không chuẩn sẽ dẫn tới chẩn đoán sai bệnh. Mặt khác, trang thiết bị dù hiện đại đến mấy nhưng con người mà không biết sử dụng thì cũng vô nghĩa.

Và, điều mà thầy Chính cũng như toàn các cán bộ, nhân viên nhà trường mong ước và chờ đợi bấy lâu nay cũng đã đến. Ngày 12/7/2007, trường đại học kỹ thuật y tế đầu tiên của cả nước đã ra đời (đây cũng từng là trường trung cấp và cao đẳng kỹ thuật y tế đầu tiên của miền Bắc và cả nước). Tiến thêm một bước, thầy Chính càng thấy trách nhiệm của mình nặng nề hơn.

Muốn cho nhà trường phát triển, theo thầy Chính, phải luôn giữ thế chân kiềng: 1. Cơ sở vật chất tốt 2. Xây dựng và phát triển mô hình “Viện - Trường” và 3. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng giảng dạy (tránh tình trạng “dạy chay”, “học chay”). Để phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường, ngoài nguồn vốn do nhà nước cấp qua các dự án, thầy Chính đã mạnh dạn “xung phong” thực hiện Nghị định 10 của Chính phủ về tự chủ tài chính. Đồng thời tranh thủ sự ủng hộ và hợp tác của các đối tác và tổ chức nước ngoài.

Để có tiền tái đầu tư và xây dựng cơ sở vật chất, thầy quyết định mở phòng khám tại Trường. Bộ Y tế không đồng ý cho trường thành lập phòng khám công thì thầy lập phòng khám bán công. Lấy tên vậy thôi nhưng “treo đầu dê, bán thịt chó”, mang danh bán công nhưng giá khám, xét nghiệm... ở đây vẫn bằng giá BV nhà nước.

Sau khi “danh chính ngôn thuận”, phòng khám của thầy ngày càng đông bệnh nhân bởi chất lượng đến cơ sở vật chất, trang thiết bị không thua kém gì các BV công lập khác đây là nguồn tài chính không nhỏ để phát triển nhà trường. Và, trong một tương lai rất gần thôi, phòng khám này sẽ được nâng cấp thành BV.

Những mong ước mai sau...

Chúng tôi gặp thầy trong một buổi trưa đầu đông nắng chói chang, rực rỡ. Đó cũng là ngày đại hỷ của nhà trường: Ngày kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường và Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương được vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập do Chủ tịch nước trao tặng. Cũng trong dịp này, với những “chiến công” thầm lặng của mình, thầy Chính được vinh dự tặng thưởng Huân chương lao động hạng nhì.

Đấy là phần thưởng quá lớn đối với thầy cũng như mọi người. Nhưng phần thưởng lớn lao hơn dành cho thầy vẫn là cơ ngơi hoành tráng và những con số đầy thuyết phục mà thầy đã kỳ công và phấn đấu không biết mỏi mệt mang đến cho trường. Từ, chỉ có chưa đến chục giáo viên và 80 sinh viên, hiện trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã lên tới vài ngàn sinh viên và hàng trăm giáo viên (trong đó có tới 102 giáo viên có trình độ thạc sỹ, 16 người là tiến sỹ và đang nghiên cứu sinh) với quy mô nhà trường rộng gần chục ha với đầy đủ khoa, phòng, BV và hệ thống xét nghiệm đạt chuẩn...

Trân trọng, ngưỡng mộ và khâm phục là những cảm nhận của tôi khi nghe mọi người nhận xét về thầy Chính. Nhưng, thích “phá rào”, “đi ngược”... cũng là những thông tin chúng tôi có được sau khi tiếp xúc với thầy. Không ngại khó, ngại khổ và va chạm, thầy đã dày công vun đắp cho nhà trường có được ngày hôm nay với một tâm niệm rất rõ ràng cho tương lai. Những người như thầy, trong đời này không có nhiều.

Những bước đi, tầm nhìn và bài học kinh nghiệm mà thầy để lại cho các sinh viên và đồng nghiệp cũng vô cùng giá trị. Nhưng đối với bản thân mình, thầy không đòi hỏi gì cả và thầy đặc biệt khiêm tốn và “ngại” nói về những đóng góp của mình...

Hải Dương, cuối tháng 10/2010

Đoan Trang

Đọc thêm