1% cơ duyên, 99% kiên trì học hỏi
BS Hùng sinh ra lớn lên trong một gia đình truyền thống làm ngành y, có ông nội là BS, bố là GS. Dương Đức Bính, nguyên Giám đốc BV Xanh Pôn, một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho lĩnh vực ngoại khoa tại Việt Nam.
Tốt nghiệp ĐH Y Hà Nội khóa 1983 - 1989, BS Hùng tiếp tục thi đỗ Nội trú, là một trong những lứa sinh viên đầu tiên được “sống cùng 24/24h” ăn ngủ, đào tạo trong BV. Được vào đúng ngành nghề mình yêu thích tại BV Việt Đức, cơ sở ngoại khoa hàng đầu Việt Nam, BS Hùng hồi ức đã dồn hết thời gian, công sức vào trau dồi chuyên môn, nâng cao tay nghề, say mê đến quên ăn, quên ngủ.
BS Hùng nhớ lại, thời điểm đó, chuyên ngành tim mạch ở Việt Nam chưa mấy phát triển. May mắn, ông được là học trò “cưng” của cố GS. Viện sĩ Tôn Thất Bách, được thầy trực tiếp dạy dỗ, đào tạo, truyền nghề. Với những thành tích xuất sắc trong học tập, BS Hùng được cử sang Pháp tu nghiệp vào năm 1995 về phẫu thuật tim người lớn, trẻ em. Tại đây, ông lại được các giáo sư, bác sĩ giỏi của Pháp hướng dẫn chi tiết từ cách đứng mổ, tư thế cầm dao mổ, gây mê, hồi sức, phục hồi chức năng cho bệnh nhân… “Tất cả những gì tôi có được ngày hôm nay cũng là nhờ cơ duyên. Tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống ngành y, bước chân vào nghề thì được những chuyên gia đầu ngành đào tạo, hỗ trợ, chỉ bảo. Khi du học về nước thì lại được các thầy tạo điều kiện cho mổ trực tiếp rất nhiều ca khó”, BS Hùng bộc bạch.
|
Ông may mắn được là học trò “cưng” của cố GS. Viện sĩ Tôn Thất Bách, được thầy trực tiếp dạy dỗ, đào tạo, truyền nghề. |
Từ nước ngoài trở về, BS Hùng đã tiếp cận với các ca mổ khó tại Khoa Phẫu thuật tim mạch & Lồng ngực (BV Việt Đức). Với chuyên môn cao, ông đã cứu cả ngàn người bệnh, tích cực tham gia các hoạt động phát triển phẫu thuật tim mạch, áp dụng thành công các tiến bộ phẫu thuật tim của thế giới vào trong nước; và là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực ghép tạng của BV Việt Đức nói riêng, Việt Nam nói chung.
Cuối năm 2010, trước yêu cầu của công việc, BS Hùng chuyển công tác sang Khoa ngoại (C1) BV Bạch Mai. Lúc này, khoa “chưa có tên trên bản đồ ngoại khoa Việt Nam”, trung bình 1 tuần chỉ mổ 1 ca. Khi Đảng ủy, Ban Giám đốc BV đề ra chủ trương phát triển hệ ngoại của BV thành một chu trình khép kín, BS Hùng tập trung toàn bộ công sức, trí tuệ, tâm huyết phát triển hệ ngoại BV.
Đầu tiên, ông thiết lập lại hệ thống phòng mổ theo mô hình BV Việt Đức, kết hợp mô hình phẫu thuật ngoại khoa đã học tại ngoại quốc. Trên nền nội khoa quá nhiều bệnh nhân nên đơn vị càng thêm phát triển với số lượng, chất lượng, chủng loại phong phú, đa dạng. Tài năng của BS Hùng cũng được phát huy cao độ trong giai đoạn này. Với tâm huyết, nỗ lực, thành quả mang lại cho đơn vị, tháng 11/2011, BS Hùng được lãnh đạo BV tín nhiệm đề cử Trưởng Đơn vị Phẫu thuật Tim mạch (C8), Viện Tim mạch Quốc gia, BV Bạch Mai.
Thắp sáng niềm tin và hy vọng cho người bệnh
Từ một đơn vị mới được thành lập, đến nay C8 mỗi năm phẫu thuật khoảng 1.300 ca. Đây là một con số vô cùng lớn ở Việt Nam. Rất nhiều mặt bệnh, ca bệnh lạ, hiếm gặp trên thế giới cũng như ở Việt Nam đều có ở C8 vì đây là cơ sở y tế nội khoa tuyến cuối của tim mạch, nhiều bệnh nhân nặng dồn về đây. Công việc vô cùng khó khăn, cũng là cơ hội cho các BS trẻ trưởng thành nhanh chóng, những BS vững tay càng có thêm kinh nghiệm để nâng cao tay nghề.
Hiện đội ngũ BS trẻ C8 có thể giải quyết những ca bệnh khó như: Triệt đốt loạn nhịp tim; Phẫu thuật vỡ, lắp tách động mạch chủ; Phẫu thuật ghép van tim từng công đoạn.... Tại C8, kỹ thuật thay van nội soi được các phẫu thuật viên làm hàng ngày.
|
Bác sĩ Hùng hơn 30 năm không ngừng nỗ lực, cố gắng, đam mê, tận tụy cống hiến hết lòng với công việc, với từng bệnh nhân |
Kể từ ca mổ đầu tiên được tiến hành vào năm 2006, BS Hùng và các học trò đã triển khai ghép van tim thường quy và sở hữu nhiều phẫu thuật phức tạp khác. Nghề y là một nghề đặc biệt, ông kể nhiều lúc ông cũng không thể tưởng tượng nổi vì sao mình lại đam mê với công việc này đến vậy. Hết ca mổ này đến ca mổ khác, nhiều lúc đi mổ về đã 4 – 5h sáng, không dám ngủ vì sợ ngủ quên, buổi sáng sẽ lỡ ca mổ khác.
BS Hùng tâm sự coi cơ quan như ngôi nhà thứ hai của mình. Thời điểm mới về C8, các khoa phòng còn sơ sài, thiếu thốn, ông thậm chí phải bỏ tiền túi và kêu gọi sự hỗ trợ của những người thân, anh em, bạn bè đóng góp, ủng hộ, hình thành nên một khoa phòng với đầy đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất. Ông tâm niệm: “Môi trường sinh hoạt chung rất quan trọng, đó là nơi cho cán bộ, nhân viên nghỉ ngơi, làm việc nên phải tiện nghi và sạch sẽ, khi đó hiệu quả công việc mới cao hơn. Đặc biệt, khi mọi người cũng coi đây là ngôi nhà chung, đây không chỉ nơi làm việc mà mỗi người còn có trách nhiệm sang sửa khi hỏng hóc, tuân thủ quy định chung, đối xử với nhau như anh em một nhà”.
|
TS.BS Dương Đức Hùng |
BS Hùng tâm sự, một lãnh đạo BV giỏi không chỉ cần chuyên môn tốt mà phải thông thạo và có kiến thức quản lý, quản trị BV. Cũng vì vậy, cùng với việc trau dồi về chuyên môn, ông vẫn luôn miệt mài nghiên cứu, không ngừng học hỏi về quản trị và tham gia các lớp đào tạo quản lý; giữ vững tâm sáng y đức để góp phần mang lại những điều tốt đẹp cho cuộc sống, thắp sáng niềm tin và hy vọng cho người bệnh.
“Truyền nhân” của ngành tim mạch
Có một kỷ niệm BS Hùng cho biết không thể nào quên, đó là khoảng năm 2001, khi ông đang tập luyện cầu lông ở BV thì nhân viên báo có ca bệnh cần khám, kèm theo bức thư tay của GS Tôn Thất Bách gửi gắm.
Đó là một cô bé 2 tuổi ở Thái Bình, gia đình rất nghèo. Khi BS Hùng vào phòng khám, người cô bé đã tím đen như mực, với một buồng tim bị teo. Cô bé bị dị tật tim bẩm sinh rất nặng, được cha mẹ đưa lên một BV tuyến Trung ương nhưng không xử lý được. Sau khi xem qua, GS Tôn Thất Bách chuyển bệnh nhi sang BV Việt Đức nhờ anh khám lại và phẫu thuật.
Ca phẫu thuật thành công, em bé đã khỏe mạnh, thời gian thấm thoát trôi, thiếu nữ thi đỗ đại học, lấy chồng, gia đình vẫn không quên, tha thiết mời BS Hùng về dự. Ngày cưới cô bé, BS Hùng xúc động rưng rưng: “Cảm giác đó vô cùng sung sướng khi chứng kiến tâm huyết công sức mình bỏ ra được ghi nhận, mình theo dõi được từ lúc cô bé còn nhỏ xíu đến khi trưởng thành”.
Một trường hợp cũng để lại dấu ấn sâu sắc là ca phẫu thuật nội soi thay van hai lá bằng van nhân tạo cho bệnh nhân Đoàn Ngọc Thống (38 tuổi, ở Thanh Hóa). BS Hùng đã thực hiện một kỹ thuật mới là phẫu thuật thay van hai lá bằng van nhân tạo cơ học ON-X bằng phẫu thuật nội soi. Đây là ca mổ nội soi tim có kỹ thuật khó, đòi hỏi phải có những dụng cụ phẫu thuật chuyên biệt. Ngày 23/3/2013, BS Hùng đã thực hiện ca mổ thành công cho bệnh nhân Thống; ghi cột mốc là trường hợp nội soi tim mạch đầu tiên được thực hiện thành công ở Việt Nam, mở ra triển vọng mới trong việc điều trị cho bệnh nhân tim mạch.
Theo BS Hùng, ghép van tim là điều GS Tôn Thất Bách hằng ấp ủ, nhưng khi ra đi ông vẫn chưa thực hiện được mong muốn này. Là người kế tục sự nghiệp của GS Tôn Thất Bách, BS Hùng luôn trăn trở và quyết tâm thực hiện. Sau những tháng ngày mày mò, nghiên cứu, quy trình ghép van tim đã được “truyền nhân” của ngành tim mạch, TS.BS Dương Đức Hùng hoàn thiện. Ca bệnh đầu tiên được ghép thành công, ông vô cùng vui sướng. Ngay buổi chiều bệnh nhân ra viện, BS Hùng ra viếng mộ GS.Tôn Thất Bách, mang theo toàn bộ quy trình viết bằng tay báo cáo để ông mừng. “Thầy đã tâm huyết, dành rất nhiều tâm sức cho lĩnh vực này. Là học trò mà ông tin tưởng, tôi phải đáp đền, phải giúp được những người bệnh. Đó cũng đồng thời chính là “liều thuốc tinh thần” giúp tôi vượt qua mọi khó khăn, vất vả để hoàn thành sứ mệnh, nhiệm vụ người thầy thuốc”, BS Hùng nói.