Thẻ Bảo hiểm y tế "làm khó" cả người ốm và bệnh viện

 Sau hơn 1 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) mới, nhiều bất cập và vướng mắc đã thể hiện khá rõ từ tuyến cơ sở... Đây cũng chính là những lý do làm hạn chế quyền lợi khám chữa bệnh (KCB) của bệnh nhân (BN) có thẻ BHYT.

Sau hơn 1 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) mới, nhiều bất cập và vướng mắc đã thể hiện khá rõ từ tuyến cơ sở... Đây cũng chính là những lý do làm hạn chế quyền lợi khám chữa bệnh (KCB) của bệnh nhân (BN) có thẻ BHYT.

“Làm khó” bệnh viện

Trong quá trình thực tế tìm hiểu về hoạt động KCB BHYT tại một số tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, chúng tôi đã nhận được rất nhiều phản hồi từ phía các cơ sở KCB.

Cụ thể, theo phản ánh của họ, về thủ tục hành chính, do quyền lợi và trách nhiệm của người tham gia BHYT chưa được giải thích rõ ràng khi họ đi mua thẻ nên một bộ phận người dân vẫn không đồng tình với cách giải thích, hướng dẫn của các cơ sở KCB. Thậm chí, có trường hợp người dân còn hiểu sai và cho rằng đây là những thủ tục hành chính rườm rà do ngành y tế quy định.

Khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Long Mỹ

Ngoài ra, việc danh mục thanh toán của Bảo hiểm xã hội (BHXH) không nêu rõ một số kỹ thuật chuyên môn cần thiết để hỗ trợ trong chẩn đoán điều trị phục hồi chức năng khiến các Bệnh viện (BV) phải bỏ nhiều thời gian và công sức để giải thích cho BN trước khi tiến hành điều trị cho họ.

Theo nhận xét của ông Nguyễn Thành Nhôm - Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, hiện các quy định về thủ tục chuyển viện BHYT triển khai xuống các tuyến cơ sở không đồng bộ, thay đổi quy định liên tục đã gây khó khăn rất lớn cho cơ sở y tế và phiền hà cho BN. Quy định thủ tục khi lĩnh thuốc BHYT của BN cũng vậy.

Khi đi lấy thuốc, BN phải ghi rõ họ tên, thủ tục này làm mất rất nhiều thời gian, đặc biệt tạo áp lực cho những BN không biết chữ, mắt kém, lớn tuổi; BN không thể trực tiếp nhận thuốc (người khuyết tật, sức khỏe yếu...) mà phải nhờ người nhà nhận thay. Mẩu giấy chuyển viện cũng thể hiện sự bất cập khi bắt buộc phải ghi số lưu trữ trên đó, trong trường hợp BN được chuyển từ phòng khám vì số lưu trữ BV chỉ cấp khi BN xuất viện...

Cũng theo ông Nhôm, đa số các công ty thuốc đảm bảo về thời gian, đúng với dự trù của cơ sở KCB, trong khi đó thanh toán giữa cơ sở KCB với công ty thì rất chậm. Mặt khác, do cơ quan bảo hiểm chỉ tạm ứng 80% tiền thuốc hàng quý, trong khi đó nhu cầu nhu cầu KCB của người dân ngày càng tăng nên rất khó khăn đối với các BV.

Tình trạng này cũng ảnh hưởng một phần đối với việc thanh quyết toán và tạm ứng với quỹ BHYT. Để có thuốc điều trị cho BN, BV Đa khoa Vĩnh Long đã phải làm văn bản xin Sở Y tế cho mua thuốc, mượn tạm thuốc của BV bạn, nhưng “đó chỉ là giải pháp tình thế” - ông Nhôm nói.

Việc mức chênh lệch giữa giá viện phí cũ và mới hay việc BHYT không thanh toán một số vật tư y tế... cũng dẫn tới hệ lụy là các BV đều trong tình trạng chi vượt quỹ, gây khó khăn rất cho BV, hạn chế đầu tư nghiên cứu và công nghệ cho BV góp phần nâng cao chất lượng KCB...

Phiền hà cho người bệnh

Cũng chính vì những thủ tục hành chính quá rườm rà, phức tạp, thiếu đồng bộ mà không ít BN đã chấp nhận điều trị và chi trả phí KCB vượt tuyến/ trong tỉnh (BHXH chi trả 70%, BN đóng 30% chi phí KCB). Thậm chí, một số BN còn đồng ý cùng chi trả để khám bệnh cùng ngày tại tuyến xã, huyện (đóng 30%), sau đó tiếp tục lên tuyến tỉnh khám (đóng 50%) tạo nên sự quá tải tại các BV tuyến trên.

Bên cạnh những mặt được, quy định phân tuyến KCB mà cơ quan quản lý BHYT đưa ra cũng bộc lộ không ít bất cập làm hạn chế quyền lợi KCB đối với BN tham gia BHYT. Cụ thể, theo phản ánh của Bác sĩ Lâm Thanh Thủy – Phó Giám đốc BV Đa khoa huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang), số BN đến KCB bằng thẻ BHYT của BV chiếm tới 70%.

Tuy nhiên, họ gặp khá nhiều rắc rối trong quá trình chuyển viện. Theo quy định, BHYT phải chuyển đúng tuyến mới được thanh toán nhưng trong trường hợp BN mắc bệnh hiểm nghèo, nếu không chuyển viện kịp thời rất nguy hiểm cho tính mạng (Ví dụ: BN bị nhồi máu cơ tim; bệnh nhi mắc các bệnh lý sơ sinh, đặc biệt là suy hô hấp... nếu không chuyển tuyến kịp thời nguy cơ tử vong rất lớn). Trong khi đó, nếu chuyển đúng tuyến thì rất lòng vòng và mất nhiều thời gian.

Theo quy định BN nào vượt quá khả năng KCB của BV Đa khoa huyện Long Mỹ sẽ được chuyển lên BV Đa khoa tỉnh Hậu Giang; BVĐK tỉnh Hậu Giang không giải quyết được thì mới chuyển tiếp lên Cần Thơ, rồi TP.Hồ Chí Minh. Nhưng, nếu chuyển đúng theo trình tự như thế, phải mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền của, ảnh hưởng đến sự sống còn của BN. Trong khi đó, từ BV Đa khoa huyện Long Mỹ lên BV Đa khoa trung ương Cần Thơ cũng chỉ mất 45 phút (khoảng hơn chục km).

Đáp ứng quyền lợi của người bệnh, Bác sĩ Thủy cho hay, BV đã nhiều lần gửi công văn lên Sở Y tế tỉnh Hậu Giang đề nghị cho BN được chuyển thẳng lên tuyến trên, trong điều kiện bệnh nặng cần phải xử lý gấp nhưng sau khi thảo luận với BHXH, phương án này bị loại bỏ.

Kết ngắn

Thực tế trên không chỉ diễn ra ở Hậu Giang mà là tình trạng chung của hầu các các tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (Vĩnh Long, Bến Tre, Kiên Giang...) và các địa phương khác của cả nước. Để bảo toàn tính mạng cho người thân của mình, nhiều người vẫn chấp nhận bỏ tiền túi để KCB ở những nơi có điều kiện về trang thiết bị, cơ sở vật chất và nhân lực tốt. Nhưng, với những người có hoàn cảnh khó khăn, họ phải làm thế nào?. Đến bao giờ chiếc thẻ BHYT mới thực sự phát huy tác dụng?.

Trà Long

Đọc thêm