Thể chế kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Hôm qua (20/12), tại Hà Nội, một diễn đàn thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp (DN) là Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022, do Bộ Tư pháp tổ chức.
Thể chế kinh doanh

Theo dõi sự kiện này, chúng ta biết, nhiều năm qua, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DN. Chương trình này được đánh giá là một trong 10 chương trình hỗ trợ cho DN hiệu quả nhất.

Chúng ta cũng biết cộng đồng DN, nhất là DN nhỏ và vừa đang phải đi giữa “một rừng” văn bản phức hợp, nhiều loại cũ. Riêng trong năm 2022, Bộ Tư pháp cùng các bộ, ngành đã rà soát gần 22.000 văn bản liên quan và đã kiến nghị, đề nghị bổ sung, sửa đổi hoặc bãi bỏ gần 6.000 văn bản.

Điều này cho thấy có những sự chồng chéo ngoài sức tưởng tượng. Nó cũng cho thấy quyết tâm lớn của Chính phủ trong việc hoàn thiện “thể chế luật pháp” tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như các hoạt động xã hội khác.

Đối với DN nhỏ và vừa, cách đây 5 năm, Quốc hội có Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (Luật số 04/2017/QH14). Tuy nhiên, cộng đồng DN, nhất là DN nhỏ và vừa vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chương trình, dịch vụ hỗ trợ pháp lý...

Điều 5 Luật Hỗ trợ nhỏ và vừa xác định nguyên tắc: Việc hỗ trợ nhỏ và vừa phải tôn trọng quy luật thị trường, phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Bảo đảm công khai, minh bạch về nội dung, đối tượng, trình tự, thủ tục, nguồn lực, mức hỗ trợ và kết quả thực hiện.

Nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý hỗ trợ DN phục hồi, phát triển đang hết sức cần thiết khi đất nước ta đang nỗ lực khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19; đẩy mạnh các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia.

Việc cải cách, hoàn thiện thể chế (nhất là thể chế luật pháp) luôn được xem là một trong những nội dung trọng yếu trong định hướng phát triển đất nước. Trong ba đột phá chiến lược phát triển bền vững đất nước được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển tiếp tục được đặt ở vị trí đầu tiên.

Rõ ràng, việc xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, có sức cạnh tranh quốc tế, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân là trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội... đang đặt ra vô cùng quan trọng, bức thiết.

Đọc thêm