Thế đứng Thiên Trường xưa, Nam Định nay

Thiên Trường xưa, Nam Định nay là vùng đất "Địa linh, nhân kiệt", giàu truyền thống văn hiến, yêu nước, cách mạng, hiếu học, khoa bảng. Bên cạnh những giá trị di sản văn hoá phi vật thể, Nam Định là nơi phát tích và bảo lưu nhiều làn điệu dân ca, dân vũ, các trò chơi dân gian và các làng nghề truyền thống, góp phần tạo nên những giá trị văn hoá phi vật thể phong phú và độc đáo.

Thiên Trường xưa, Nam Định nay là vùng đất "Địa linh, nhân kiệt", giàu truyền thống văn hiến, yêu nước, cách mạng, hiếu học, khoa bảng. Bên cạnh những giá trị di sản văn hoá phi vật thể, Nam Định là nơi phát tích và bảo lưu nhiều làn điệu dân ca, dân vũ, các trò chơi dân gian và các làng nghề truyền thống, góp phần tạo nên những giá trị văn hoá phi vật thể phong phú và độc đáo. Trong nhịp sống hôm nay, cùng với sự khởi sắc trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, giáo dục, Nam Định triển khai có hiệu quả công tác xã hội hoá bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể chính là nền tảng, gốc rễ để sáng tạo những giá trị văn hoá mới trong sự nghiệp phát triển đất nước với mục tiêu: Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Ngày hội Văn hoá cách mạng huyện Hải Hậu năm 2010. Ảnh: Việt Thắng
Ngày hội Văn hoá cách mạng huyện Hải Hậu năm 2010.
Ảnh: Việt Thắng

BẢN SẮC VÀ GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HOÁ

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, phong cách văn hoá và truyền thống văn hiến của đất và người Nam Định có mạch nguồn văn hoá riêng, khó trộn lẫn. Là quê hương - nơi phát tích của vương triều Trần, với Hào khí Đông A đã tạo nên văn minh Đại Việt rực rỡ đạt đến đỉnh cao về "võ công, văn trị" gắn liền với tên tuổi các anh hùng dân tộc như Trần Nhân Tông, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn... Dấu tích về một vương triều vàng son, được coi như kinh đô thứ 2 sau kinh thành Thăng Long với thế đứng "Tức Mặc hành đô cảnh lạ lùng/ Dân vui đời thịnh lại thuần phong" còn lưu lại đến nay như cung Đệ Nhất, Đệ Nhị, Trùng Hoa, Trùng Quang, Đền Trần, Chùa tháp Phổ Minh… minh chứng một giai đoạn lịch sử hào hùng trên quê hương Nam Định.

Nằm giữa hạ lưu 2 con sông lớn của Đồng bằng Bắc Bộ là sông Hồng và sông Đáy, lại có bờ biển dài 72 km cùng hệ thống giao thông đa dạng và thuận lợi (6895 km đường bộ, 417 km đường thuỷ, 42 km đường sắt), Nam Định xưa là một trung tâm thương nghiệp, có nền thủ công mỹ nghệ đa dạng, với các phố phường nổi tiếng nghề thủ công nghiệp, buôn bán sôi động chẳng kém Thăng Long, phố Hiến. Nhiều con phố được đặt tên theo các phường nghề, cho thấy sự phát triển về kinh tế, xã hội nơi đây: "Thành Nam cảnh trí an bài/ Phố phường trên bộ, vạn chài dưới sông/ Vải Màn nhỏ chỉ, nõn bông/ Hàng Cấp dệt lĩnh, Hàng Song buôn thừng/ Hàng Dàu, Hàng Lạc, Hàng Vừng/ Hàng Nâu tươi vỏ đỏ lòng vốn quen/ Hàng Tiện, Hàng Sũ, Hàng Mâm/ Gặp nhau Bến Gỗ vui sân một nhà/ Hàng Cót, Hàng Sắt bao xa/ Ai về Bến Ngự rẽ ra Khoái Đồng". Dưới thời kỳ Pháp thuộc, Nam Định trở thành thành phố trung tâm công nghiệp lớn thứ 3 của miền Bắc (sau Hà Nội, Hải Phòng). Các sản phẩm dệt may, tơ tằm, đặc biệt là "Sa tanh Nam Định" trở thành thương hiệu nổi tiếng trong nước và nước ngoài. Cả thành phố ngày cũng như đêm luôn hối hả tiếng còi tầm vào ca, tiếng máy, tiếng thoi quyện hoà. Có biết bao câu thơ, khúc nhạc, lời văn viết về thành phố Dệt Anh hùng dư ba cung bậc cảm xúc, say đắm lòng người. Thân thuộc và đáng yêu là hình ảnh người thợ dệt với mảnh yếm xanh thắt đáy và chiếc mũ vải trùm tóc bông bụi bám li ti.

Thiên Trường xưa, Nam Định nay là vùng đất "địa linh, nhân kiệt" nổi tiếng là quê hương có truyền thống hiếu học, khoa bảng. Trong 187 khoa thi dưới các triều đại phong kiến, Nam Định có 87 đại khoa, 11 trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa. Nhiều bậc hiển nho tài đức là người con quê hương Nam Định đã nổi danh, đóng góp cho đất nước trong sự nghiệp đấu tranh chống xâm lược, xây dựng và phát triển đất nước qua các thời kỳ lịch sử mãi rạng danh cùng non sông nước Việt như: Dương Không Lộ, Nguyễn Giác Hải (thời Lý); Trần Hưng Đạo, Nguyễn Hiền, Đào Sư Tích (thời Trần); Lương Thế Vinh, Vũ Tuấn Chiêu, Trần Văn Bảo (thời Lê); tiếp nối có Trần Bích San, Phạm Văn Nghị, Trần Tế Xương, Trần Huy Liệu, Sóng Hồng, Văn Cao, Nguyễn Bính. Sang thế kỷ XX, nhiều người con ưu tú của Nam Định phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng đã trở thành nhà lãnh đạo kiệt xuất, giữ chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước như: Trần Văn Lan, Cố Tổng Bí thư Trường Chinh, Vũ Văn Hiếu, Lê Đức Thọ, Nguyễn Cơ Thạch, Song Hào, Nguyễn Văn An.

Thiên Trường xưa - Nam Định nay là vùng quê giàu trầm tích di sản văn hoá với 1655 di tích, trong đó nhiều quần thể di tích có giá trị lịch sử văn hoá và kiến trúc gắn với lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc có sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế: Quần thể di tích Văn hoá Trần; quần thể di tích Phủ Dầy, Nhà lưu niệm Cố Tổng Bí thư Trường Chinh; chùa Cổ Lễ; chùa Keo Hành Thiện… Bên cạnh các di tích lịch sử văn hoá vật thể, Nam Định còn có hệ thống di sản văn hoá phi vật thể với hơn 100 lễ hội chủ yếu diễn ra vào mùa xuân và mùa thu. Hội chợ Viềng xuân Vụ Bản, chợ Viềng xuân Nam Giang (Nam Trực) khai hội vào mùng Tám tháng Giêng hàng năm mang tính độc đáo với nét tín ngưỡng tâm linh cầu may. Trong Lễ hội Phủ Dầy, Lễ hội Trần, Lễ Khai ấn đầu xuân, ngoài phần lễ, du khách được thưởng thức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, các trò chơi dân gian dân vũ như: Hoa trượng hội, hát chầu văn, hát giao duyên, múa rồng, thả đèn trời, tổ tôm điếm, chọi gà, đấu vật mang đậm dấu ấn vùng văn minh lúa nước khu vực Đồng bằng Bắc Bộ. Bên cạnh những nguồn lực văn hoá vật thể, tỉnh ta cũng là cái nôi của các loại hình dân ca, dân vũ nguyên thể như chầu văn, ca trù, chèo, múa rối nước, múa bài bông… Nam Định được coi là "đất trăm nghề" với trên 100 làng nghề, trong đó có hơn 50 làng nghề truyền thống nổi tiếng trong khu vực và cả nước như: làng trồng hoa, cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá, làng rèn Vân Chàng, Nam Giang (Nam Trực); làng dệt Phương Định, Cự Trữ, ươm tơ Cổ Chất (Trực Ninh); sơn quang Cát Đằng, chạm khắc La Xuyên, đúc đồng Tống Xá (Ý Yên), mây tre đan Vĩnh Hào (Vụ Bản)… Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của mỗi làng nghề truyền thống ở Nam Định không chỉ đơn thuần là sản phẩm tiêu dùng, phục vụ đời sống dân sinh, mà còn giàu bản sắc văn hoá bản địa độc đáo, đa dạng; là kết quả từ quá trình lao động, sáng tạo từ bàn tay, khối óc mang đậm dấu ấn tinh hoa và môi trường văn hoá của đất và người Nam Định từ bao đời nay.

Lễ hội Trần. Ảnh: Xuân Thu
Lễ hội Trần.
Ảnh: Xuân Thu

NHỊP SỐNG MỚI TRÊN NỀN TRUYỀN THỐNG

Với "thế đứng" là một tỉnh giàu truyền thống văn hiến, yêu nước, cách mạng và phong phú giá trị di sản văn hoá chính là sức mạnh nội lực để Đảng bộ, quân và nhân dân Nam Định vững tiến, đạt nhiều thành tựu trong công cuộc đổi mới, CNH, HĐH phát triển quê hương, đất nước. Cùng với sự khởi sắc trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, giáo dục, những năm qua, thực hiện Luật Di sản Văn hoá, Nam Định đã làm tốt công tác xã hội hoá bảo tồn di sản văn hoá nói chung và bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể nói riêng. Trong xu hướng "tìm về cội nguồn" theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khoá VIII) của Đảng, nhiều loại hình nghệ thuật dân gian trong tỉnh được khôi phục, phát triển với trên 400 đội văn nghệ quần chúng, 1568 CLB sở thích với nhiều loại hình nghệ thuật dân gian phục vụ nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hoá của nhân dân. Một trong những thành tích nổi bật nhất từ phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" ở Nam Định là công tác xây dựng thiết chế văn hoá thông qua công tác xã hội hoá, huy động các nguồn lực xã hội từ phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Chỉ tính riêng trong 2 năm 2006 đến 2007, nguồn kinh phí do nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, thể thao đạt trên 50 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 1429 nhà văn hoá thôn, xóm, 205 nhà văn hoá xã, thị trấn. Qua đó, các thiết chế cộng đồng ngày một phát triển, khởi sắc tạo ra những hình thức vui chơi, giải trí, học tập phù hợp với các lứa tuổi, hạn chế các hiện tượng tiêu cực, các tai, tệ nạn xã hội, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá ngày càng cao của nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh có 1683 khu dân cư đạt danh hiệu "Khu dân cư tiên tiến", 1154 làng, thôn, xóm đạt danh hiệu "Làng văn hoá", 349.150 hộ đạt danh hiệu "Gia đình văn hoá", 1127 cơ quan, đơn vị được công nhận "Nếp sống văn hoá".

Theo Quyết định số 252/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Dự án "Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Lịch sử - Văn hoá Trần tại Nam Định đến năm 2015" là một công trình văn hoá lớn, nhằm bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá thời Trần trong sự nghiệp CNH-HĐH, phát triển đất nước. Là một tỉnh có tiềm năng và thế mạnh về du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh với hệ thống kiến trúc danh thắng, lịch sử phong phú và đa dạng như: Quần thể di tích Phủ Dầy (Vụ Bản), Chùa Cổ Lễ, (Trực Ninh), Nhà lưu niệm Cố Tổng Bí thư Trường Chinh - Chùa Keo (Xuân Trường), Chùa Đại Bi (Nam Trực)… Như vậy, Dự án "Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Lịch sử -  Văn hoá Trần tại Nam Định đến năm 2015" chính là "điểm nhấn" trong bản đồ du lịch danh thắng, du lịch tâm linh có quy mô khu vực và cả nước: Thăng Long - Hà Nội; Côn Sơn, Kiếp Bạc - Hải Dương - Hưng Yên; Yên Tử - Vịnh Hạ Long - Quảng Ninh; Lam Kinh - Thanh Hoá; Đinh - Lê - Ninh Bình; Tây Sơn - Bình Định… Triển khai thành công dự án là điều kiện quảng bá, hình ảnh quê hương, con người mảnh đất Thiên Trường xưa, Nam Định nay, đáp ứng nhu cầu giải trí, tham quan, nghiên cứu của nhân dân, góp phần vào việc thực hiện đề án "Xây dựng thành phố Nam Định trở thành đô thị trung tâm khu vực Nam Đồng bằng sông Hồng", tạo đà cho bước phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong tương lai./.

Việt Thắng

Đọc thêm