Thế giới ‘bắt tay’ ’hạ bệ’ đồng USD

Trong nhiều năm qua, USD vẫn vững chắc ở vị trí độc tôn trong thanh toán quốc tế khiến nhiều nước ’nóng mặt’ và quyết tâm tìm cách "hạ bệ" đồng tiền này.

Trong nhiều năm qua, USD vẫn vững chắc ở vị trí độc tôn trong thanh toán quốc tế khiến nhiều nước ’nóng mặt’ và quyết tâm tìm cách "hạ bệ" đồng tiền này.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới vừa qua, giới đầu tư nhận ra rằng, hệ thống tài chính toàn cầu đang quá coi Mỹ là trung tâm và quá phụ thuộc vào đồng USD. Tình trạng này đã làm phát sinh quá nhiều vấn đề và được coi là một nguyên nhẫn dẫn đến suy thoái kinh tế.

Tại sao phải kiềm chế ‘sức mạnh’ USD?

Theo phân tích của các chuyên gia, có ba nguyên nhân chủ chốt dẫn đến việc cần phải thay đổi cán cân tiền tệ quốc tế hiện nay.

Thứ nhất là vị thế thống trị của đồng USD với tư cách đồng tiền dự trữ và cách Mỹ điều hành đồng tiền của mình. Đa số giao dịch và dự trữ ngoại hối là dưới dạng USD, cho dù Mỹ chỉ chiếm có 24% GDP toàn cầu. Thương mại quốc tế đa phần được thanh toán bằng USD. Điều đó không những phản ánh sai tình hình kinh tế thế giới mà còn khiến các nước khác dễ bị ảnh hưởng bởi chính sách tiền tệ của bản thân nước Mỹ.

Thứ hai, hệ thống ấy đã tạo ra những kho dự trữ ngoại hối khổng lồ, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi. Dự trữ toàn cầu đã tăng từ 1,3 nghìn tỷ USD (5% GDP toàn cầu) năm 1995 lên 8,4 nghìn tỷ USD (14% GDP toàn cầu) hiện nay. Trong đó, các nền kinh tế mới nổi nắm 2/3 mà phần lớn là được tích trữ trong vòng 10 năm trở lại đây. Kho dự trữ khổng lồ ấy đi ngược lại logic kinh tế vì các nước nghèo đáng lẽ rất cần vốn đầu tư tại nước mình lại đang cho các nước giàu, mà chủ yếu là Mỹ, vay với lãi suất rẻ mạt.

Những khoản cho vay ấy đẩy lãi suất dài hạn tại Mỹ xuống thấp khiến khủng hoảng tài chính càng dễ nổ ra hơn. Ngày nay, khi người Mỹ tiết kiệm nhiều hơn chi tiêu và thế giới cần thêm sức cầu, kho dự trữ ấy chính là những khoản tiết kiệm không cần thiết.

Thứ ba là quy mô và sự bất ổn của các dòng vốn. Ba thập kỷ qua khủng hoảng tài chính nổ ra thường xuyên hơn. Nhiều chính trị gia cho rằng một hệ thống tài chính trong đó các nền kinh tế mới nổi có thể bị tổn hại bởi dòng vốn ngoại ào ạt đổ tới (như bây giờ) hoặc đột ngột khô cạn (như hồi 1997 - 1998 hay năm 2008) không thể là nền tảng tốt nhất cho tăng trưởng dài hạn.

Các đồng tiền nội tệ ‘vùng dậy’

Sau khi “cơn bão” tài chính nổ ra, các chuyên gia kinh tế ra sức phân tích lợi - hại của đồng USD trong giao dịch thương mại quốc tế còn lãnh đạo các nước cũng “đứng ngồi không yên”, nóng lòng đưa ra chiến lược nhằm “lật ngược tình thế”.

Đi đầu phải kể đến hai “ông lớn” là Nga và Trung Quốc. Có lẽ, lượng sức mình không thể “đơn thương độc mã” chống lại Mỹ và thay đổi tập quán thanh toán quốc tế đã thành “đường mòn” một sớm một chiều, hai quốc gia này quyết định “bắt tay”. Cuối năm ngoái, Trung Quốc và Nga đã ký thỏa thuận dùng Nhân dân tệ (NDT) và ruble để thanh toán thương mại, thay vì dùng USD.

Các chuyên gia cho rằng, việc chuyển sang sử dụng đồng nội tệ trong buôn bán song phương Nga -Trung hứa hẹn sẽ đem lại những lợi ích kinh tế, trong bối cảnh hai nước này có nhiều đối tác thương mại và tài chính muốn loại bỏ đồng USD khỏi phương thức thanh toán.

Lợi ích kinh tế của các công ty Nga và Trung Quốc rất rõ ràng, bởi nếu loại bỏ được lệ phí chuyển đổi đồng ruble và NDT sang đồng USD, sẽ giảm được những rủi ro trên thị trường và trong việc thanh toán. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh đồng USD và các ngân hàng Mỹ đang bất ổn.

Trong bài trả lời phỏng vấn báo chí Mỹ trước khi công du Washington, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã đề cập đến vấn đề quốc tế hóa đồng NDT và sự cần thiết phải cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế. Mặt khác, cùng với sự phát triển về kinh tế, Bắc Kinh cũng muốn tăng thêm sức mạnh và mở rộng ảnh hưởng, giảm bớt tình trạng phụ thuộc vào USD hay Euro, đồng thời cũng tránh được những áp lực đòi điều chỉnh tỷ giá từ phía các đối tác thương mại.

Nói là làm, tháng 7/2010, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã cho phép các công ty có mức tín nhiệm tốt ở Thượng Hải và bốn thành phố ở tỉnh Quảng Đông được dùng đồng NDT trong giao dịch với các đối tác ở Hong Kong, Macau và các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trước đó, trong các giao dịch thương mại quốc tế ở bên ngoài các khu thương mại biên giới đặc biệt, các công ty Trung Quốc phải đổi đồng Nhân dân tệ sang USD hoặc các đồng tiền khác để thanh toán.

“Chương trình dùng NDT để thanh toán sẽ giúp tăng cường hoạt động thương mại song phương với Hong Kong và các nước ASEAN. Đồng NDT có tỷ giá tương đối ổn định với các đồng tiền chủ chốt khác. Một đồng NDT ổn định sẽ giúp các công ty kiểm soát được rủi ro tỷ giá”, Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, Su Ning phát biểu.

Việc các công ty của Trung Quốc bắt đầu sử dụng đồng NDT trong giao dịch xuất nhập khẩu và Chính phủ Trung Quốc bán trái phiếu bằng đồng NDT ở nước ngoài thời gian qua là nhằm mục đích tăng sức hấp dẫn nắm giữ đồng tiền này đối với các ngân hàng trung ương trên thế giới. “Đây là bước đi đầu tiên trên một con đường dài tiến tới mục tiêu biến đồng NDT thành đồng tiền dự trữ toàn cầu. Mục tiêu này có thể mất 5 năm hoặc hơn để trở thành hiện thực”, ông Nizam Idris, một chiến lược gia tại thị trường Singapore của ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ UBS, nhận định.

Bên cạnh Nga và Trung Quốc, Ấn Độ cũng liên tiếp lên tiếng cho rằng, kinh tế thế giới đang quá phụ thuộc vào đồng USD. Ông Suresh Tendulkar, một cố vấn kinh tế của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, phát biểu, ông đang thúc giục Ấn Độ đa dạng hóa dự trữ ngoại hối thay vì tập trung nắm giữ đồng USD.

Việt Nam tính chuyện phi đô-la hóa

Là nền kinh tế đang phát triển, Việt Nam cũng nằm trong “guồng quay” phi đô-la hóa của các nền kinh tế mới nổi và Việt Nam đã có những thành công nhất định. Theo số liệu của ADB, tỷ lệ đô-la hóa trong tổng lượng tiền lưu thông ở Việt Nam là 20%, con số này cho thấy Việt Nam chỉ là quốc gia bị đô-la hóa một phần. Tuy nhiên, “một phần” đó cũng tạo ra những hạn chế nhất định, chẳng hạn như hạn chế trong việc triển khai chính sách ổn định kinh tế vĩ mô.

Ông Jayant Menon, Vụ Hội nhập Kinh tế Khu vực Ngân hàng Phát triển Châu Á, phân tích, cần có những biện pháp trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Giải pháp ngắn hạn là cần tăng cường hơn nữa động lực để người dân tiết kiệm bằng tiền đồng thay vì tiết kiệm bằng đồng USD hay vàng. Ngoài ra, cần áp dụng tỷ lệ lãi suất khác biệt để khuyến khích việc gửi tiền dài hạn bằng tiền đồng, tránh việc gửi tiền đồng ngắn hạn sau đó rút ra có thể gây nên tình trạng bất ổn; giảm các biến động đột xuất hoặc sự bất ổn tỷ giá ngắn hạn.

Về trung hạn, Việt Nam cần có biện pháp quá độ, có thể bao gồm cơ chế gắn kết tiền tệ (CBA). Cơ chế này càng phù hợp hơn trong bối cảnh khủng hoảng khi các nước vẫn duy trì quyền in tiền của mình, làm giảm những mặt tồn tại vốn lo ngại của Việt Nam, góp phần cải thiện niềm tin đối với đồng nội tệ của Việt Nam. Tất cả những yếu tố này phụ thuộc rất nhiều vào uy tín của CBA. Để CBA có uy tín, Ngân hàng Nhà nước cần phải có nguồn dự trữ đủ để hỗ trợ cho CBA, đây là một vấn đề đối với Việt Nam hiện nay bởi Việt Nam đang gặp khó khăn trong dự trữ ngoại tệ.

Đối với giải pháp dài hạn, ông Jayant Menon cho rằng điều quan trọng là phải bảo đảm tính bền vững và hiệu quả trong các chính sách.

Việt Nam cũng nỗ lực đẩy nhanh tiến trình phi đô-la hóa của mình.


“Khi thực hiện phi đô-la hóa cần phải đảm bảo rằng đó là những bước đi vững chắc và với những kết quả cụ thể. Quá trình phi đô-la hóa có thể tạo ra những vấn đề mới, đặc biệt trong việc duy trì sự ổn định về chính sách tỷ giá. Để thực hiện điều này, vấn đề xây dựng niềm tin là rất quan trọng, để tạo niềm tin, cần xây dựng những thể chế phù hợp và phải bảo đảm thực thi nó một cách hiệu quả cũng như cần phát triển thị trường vốn hơn nữa”, ông nói.

Không chỉ là lý thuyết, Việt Nam đang dần biến đề án của mình thành hiện thực. Tại hội nghị của Chính phủ với các địa phương tổ chức cuối năm 2010, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết, đang xem xét việc định hướng nhập khẩu một số mặt hàng bằng các ngoại tệ như Euro, yen Nhật, NDT…

Ngoài ra, Hội đồng Tư vấn tiền tệ Quốc gia quyết định đưa ra trình Chính phủ đề án chống đô-la hóa. Các chuyên gia quốc tế cũng đã góp ý về đề án này. Trong đó có những tính toán mà nếu triển khai có thể tác động khá mạnh đến thị trường.

Cụ thể, bước thứ nhất được tính đến là làm thế nào để hạn chế được cho vay bằng ngoại tệ, hoặc chỉ giới hạn cho vay những ngành nghề nhất định. Hướng khuyến nghị mà chuyên gia này đưa ra là trước hết phải điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ, gián tiếp tác động đến lãi suất. Bước thứ hai là tiến tới hạn chế đối tượng và tiến tới chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ, mặc dù vẫn tiếp tục huy động tiền gửi bằng ngoại tệ. Bước thứ ba là hạn chế nhận tiền gửi bằng ngoại tệ và tiến tới chấm dứt nhận tiền gửi bằng ngoại tệ.

24H.COM.VN (Theo Đất Việt)

Đọc thêm