Bà Êlidabét Baixơ, nữ phát ngôn viên của Văn phòng điều phối hoạt động nhân đạo của Liên hợp quốc (LHQ), ngày 14-1 khẳng định ưu tiên hàng đầu là tìm kiếm người. Hiện vẫn chưa cơ quan, tổ chức nào có thể đưa ra một con số cụ thể về số người thiệt mạng trong trận động đất khủng khiếp này. Song, ước tính sơ bộ đã lên tới hơn 100.000 người. Bà Baixơ cho biết hơn 100 nhân viên nước ngoài của LHQ ở Haiti hiện mất tích và chưa có thông tin về các nhân viên người Haiti . Braxin thông báo 11 lính nước này trong thành phần lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại Haiti đã thiệt mạng. Gioócđani cũng báo cáo 3 trường hợp tương tự. Ngoài ra còn có 8 lính Trung Quốc bị vùi trong đống đổ nát và 10 người mất tích.
Các đội chuyên gia quân sự và cứu trợ quốc tế đã tới Haiti để hỗ trợ công tác cứu hộ, khắc phục hậu quả thiên tai và đảm bảo an ninh. Theo kế hoạch, 3.500 lính Mỹ đầu tiên sẽ tới Haiti trong ngày 14-1 sau khi nhận được lệnh của Lầu Năm Góc.
Nhiều nước Mỹ Latinh đã như Áchentina, Braxin, Chilê và Pêru đã gửi hàng trăm tấn đồ cứu trợ, gồm lương thực, nước uống, lều bạt, thuốc men và các trang thiết bị y tế cùng các nhóm cứu trợ tới Haiti bằng đường hàng không. Ngoài hơn 13 tấn lương thực và nước uống cùng chó nghiệp vụ đã được gửi tới quốc đảo này, Braxin, hiện có hơn 1.200 lính tại Haiti trong thành phần lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ, dự định sẽ viện trợ thêm 600 tấn sữa bột và lương thực trong những ngày tới. Rạng sáng nay, Chilê và Pêru đã gửi 80 tấn đồ cứu trợ cùng 20 nhân viên cứu trợ tới Haiti . Trong khi đó, Áchentina cho biết đang phối hợp với Liên đoàn Viễn thông Quốc tế để gửi các thiết bị điện thoại vệ tinh tới nước này, cố gắng nối lại hoạt động liên lạc viễn thông. Hệ thống liên lạc bị gián đoạn sau động đất đã cản trở nghiêm trọng các nỗ lực cứu trợ và xác định chính xác mức độ tàn phá của thảm họa.
Các đội cứu trợ nước ngoài cũng đã được cử tới Haiti bằng đường biển và đường bộ qua lãnh thổ nước láng giềng Đôminicana. Tàu khu trục USS Carl Vinson của Mỹ dự kiến tới Haiti trong ngày 14-1 cùng nhiều tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ trong khi 5.000 lính Mỹ đã được đặt trong tình trạng trực chiến. Tổng thống Mỹ Barắc Ôbama đã chỉ thị các cơ quan chức năng phản ứng kịp thời, nỗ lực cứu trợ Haiti .
Những máy bay vận tải chở hàng viện trợ và nhân viên cứu trợ cho Haiti đã cũng xuất phát từ Canađa, Pháp, Đức, Italia, Hà Lan, Nga, Trung Quốc, Ixraen và Tây Ban Nha. Cùng lúc Ôxtrâylia, Anh, Nhật Bản, Mêhicô, Vênêxuêla, Côlômbia, .... và nhiều tổ chức quốc tế đã cam kết viện trợ cho Haiti hàng triệu USD để khắc phục hậu quả thiên tai. Chương trình Lương thực Thế giới đề nghị gửi 15.000 tấn lương thực và Ngân hàng Thế giới tuyên bố viện trợ thêm 100 triệu USD, trong khi Hội Chữ thập Đỏ quốc đã gửi 40 tấn thuốc men, phát động quỹ 10 triệu USD và Tổ chức Y tế Thế giới đã cử các chuyên gia./.
(TTXVN)