Ngân hàng, luật sư và các thám tử tư sẽ nhận được một bản tin tóm tắt về tình hình lừa đảo do người Nigeria thực hiện theo từng quý.
Mạng lưới chống tội phạm tài chính (FinCEN) trực thuộc Bộ tài chính Mỹ, chuyên điều tra tội phạm lừa đảo, thậm chí còn ban hành một cảnh báo với tiêu đề “Lừa đảo Nigeria” tới các ngân hàng, luật sư và các thám tử tư. Những người này sẽ nhận được một bản tin tóm tắt tình hình về lừa đảo Nigeria theo từng quý.
419- con số của sự kinh hoàng
“Xin chúc mừng! Bạn đã may mắn trở thành người thắng cuộc”. Đó là lời mở đầu bức email mà Kele B gửi cho hàng chục ngàn người thông báo rằng họ đã giành được giải thưởng 6,4 tỉ đô la Mỹ của một chương trình bốc thăm internet “ma” do chính phủ Anh tổ chức. Một người Mỹ cả tin đã sập bẫy, đồng ý chuyển khoản lệ phí và thuế hơn 5 ngàn đô la Mỹ theo yêu cầu của Kele. Và rồi không bao giờ ông ta có thể liên lạc được với Kele nữa.
Chàng thanh niên 24 tuổi, có vẻ ngoài lịch lãm tự xưng là Kele B sinh sống tại thị trấn Festac, Lagos, Nigeria – vùng đất nổi tiếng với “trò lừa 419” – tên điều luật về gian lận trực tuyến trong Bộ luật Hình sự Nigeria. Công việc hàng ngày của Kele là vào một quán cà phê internet và chờ đợi những con mồi sập bẫy.
Mỗi ngày có hàng triệu e-mail từ những kẻ lừa đảo như Kele được gửi đi tuyên bố người nhận đã giành được số tiền trong mơ từ một cuộc bốc thăm ngẫu nhiên của một tổ chức đáng tin cậy. Người chiến thắng sẽ phải cung cấp thông tin cá nhân để nộp thuế và những chi phí phụ khác.
Pee Loo Rosalind, một phụ nữ Úc, nạn nhân của một mánh lừa internet tinh vi khác cũng bị mất một khoản tiền lên tới gần 22 ngàn đô la Mỹ cho một tên lừa đảo có tên là Lawal Adekunle Nurudeen. Nurudeen, 24 tuổi, sinh viên năm cuối ĐH Lagos, Nigeria đã gặp Rosalind trên một diễn đàn tình yêu.
Rosalind tâm sự rằng bà muốn có một người chồng nhưng tất cả những người đàn ông bà gặp đều khiến bà thất vọng. Để thuyết phục con mồi của mình, Nurudeen tự giới thiệu mình là Benson Lawson, một người Anh 57 tuổi góa vợ đang làm tại một công ty đa quốc gia tại Nigeria. Nurudeen cũng gửi cho Rosalind một bức ảnh của một người da trắng và bà đã bị thuyết phục hoàn toàn. “Trò lừa 419” bắt đầu.
|
Nhà chức trách cho treo những tấm băng rôn cảnh báo tội phạm 419 trên đường phố Nigeria. Ảnh: Le Petit Negre
|
Vài tuần sau, Nurudeen đã gọi điện cho Rosalind, tự xưng là bác sĩ Saheed Bakare, thông báo rằng Nurudeen bị một tai nạn giao thông và cần tiền chữa trị. Rosalind mắc lưới tình đã không ngần ngại gửi tiền.
Hai tuần sau đó, Nurudeen đã gọi điện cảm ơn lòng tốt của bà và nói rằng sẽ qua Úc thăm bà. Hắn ta yêu cầu bà gửi tiền vé máy bay, thủ tục cảnh sát, hải quan và tất cả các chi phí khác. Cuối ngày hôm đó, Nurudeen đã lừa được 47 ngàn đô la từ người phụ nữ trước khi bị bắt giữ bởi EFCC - Ủy Ban Tội phạm Kinh tế - Tài chính tại Nigeria. Nurudeen bị kết án 19 năm tù giam cho tội danh lừa đảo.
Những tên tội phạm 419 còn sử dụng cả những trang web để đăng các quảng cáo lừa đảo.
Summer Bennet đang đi tìm thuê một ngôi nhà tại Columbia. Cô đã phát hiện hai mẩu quảng cáo cho cùng một ngôi nhà “đẹp, ở khu vực trường học, cho thuê với giá 700 đô la/ tháng với đầy đủ tiện ích” từ hai email gần giống nhau.
Cả hai người đã gửi email cho cô đều nói rằng họ phải ra nước ngoài và sẽ gửi lại văn bản cho thuê nhà cùng với chìa khóa nhà sau khi cô đồng ý chuyển 500 đô la vào một tài khoản tại Nigeria. Bennet không mắc câu nhưng nhiều người khác lại không may mắn.
Cô đã gọi điện tới nhân viên bất động sản Columbia, Lisa Davey, người đã đăng tin cho thuê căn nhà trên ở trang zillo.com với giá 1300 đô la Mỹ. Davey cho biết cô đã nhận được nửa tá cuộc gọi trong vòng hai ngày từ những người đã nghi ngờ những quảng cáo trên trang Craigslist là lừa đảo. Cô liên hệ với trang web để gỡ nó xuống và báo với chính quyền.
Davey cho biết, người khác đã ăn cắp thông tin từ quảng cáo cho thuê nhà của cô. “Họ chỉ cần cắt và dán quảng cáo cùng với hình ảnh căn nhà của tôi”.
Khét tiếng lừa đảo bằng công nghệ
Website chính thức của Ngân hàng Quốc gia Nigeria đã từng có hẳn một câu cảnh báo lừa đảo: “Đừng mù quáng, nhiều nạn nhân đã mất tiền. Nếu điều bạn nghe có vẻ dễ trở thành hiện thực thì nó lại càng không thực”.
Nhiều nhóm tội phạm có tổ chức rất chuyên nghiệp có văn phòng đặt tại Nigeria, có số fax, có quan hệ với cơ quan nhà nước Nigeria. Khi nạn nhân cố gắng điều tra, tìm hiểu về những tổ chức này trước khi tham gia đều thấy mọi thông tin là trùng khớp và hợp lý. Những tổ chức như vậy có thể lôi kéo những nhà đầu tư giàu có và ngay cả những công ty, quỹ tài chính, gây nên những tổn thất lên đến nhiều triệu đô la.
Paul Gabriel Amos, 37 tuổi, một công dân Nigeria sinh sống tại Singapore đứng đầu một nhóm tội phạm tạo ra một tài liệu giả chỉ dẫn ngân hàng Citybank chuyển tiền trong hai giao dịch tới những tài khoản mà Amos và những người khác đang kiểm soát trên toàn thế giới.
Các giao dịch chuyển tiền từ Citybank tại New York được thực hiện bởi Ngân hàng Quốc gia Ethiopia, ngân hàng trung ương của quốc gia này. Nhóm của Amos đã vào vai một nhân viên của ngân hành Ethiopia và đã liên hệ với Citybank để xác minh giao dịch và xác thực việc chuyển tiền.
|
Cảnh sát đang bắt giữ một người Nigeria bị kết tội lừa đảo qua mạng. Ảnh: Dailymail
|
“Trò lừa 419” bắt đầu khi Citibank nhận được một gói các văn bản có chữ ký xác nhận của các quan chức ngân hàng Ethiopia hướng dẫn Citibank chấp nhận các chỉ dẫn chuyển tiền bằng fax. Trong đó có một danh sách các quan chức có thể xác nhận yêu cầu đó. Chữ ký của các quan chức phù hợp với hồ sơ của Citibank và Citybank đã sập bẫy.
Trong tháng sau đó, Citibank đã nhận được hai chục fax yêu cầu chuyển tiền và đã thực hiện chuyển 27 triệu đô la cho các tài khoản ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc, đảo Cyprus và Hoa Kỳ.
Trò lừa đảo đã bị bại lộ khi một vài ngân hàng mà những tên lừa đảo đăng ký tài khoản, đã chuyển tiền lại cho Citybank, thông báo không thể xử lý những giao dịch này. Một viên chức của ngân hàng Ethiopia nói rằng, họ thật sự đã không nhận ra những giao dịch này là lừa đảo.
Citibank đã tiến hành xác minh số điện thoại và chữ ký trong các giao dịch trên và phát hiện ra rằng đó là các số điện thoại di động ở Nigeria, Nam Phi và Anh được những kẻ lừa đảo sử dụng. Đồng thời sau đó Citybank cũng điều tra và xác định được các gói tài liệu đã đến thông qua chuyển phát nhanh từ Lagos, Nigeria chứ không phải là từ văn phòng của Ngân hàng quốc gia của Ethiopia tại Addis Ababa. Amos đã bị bắt khi cố gắng nhập cảnh vào Los Angeles, Mỹ và có thể phải đối mặt với mức án 30 năm tù.
Hàng loạt tội phạm lừa đảo bằng công nghệ cao đã bị bắt nhưng dù sao khi nhắc đến “trò lừa 914” và các phi vụ qua mạng khác, Nigeria- cái tên vẫn khiến cả thế giới “đau đầu”.
Theo Vietnamnet