Không hiểu sao cứ mỗi lần đọc lại tập tuỳ bút đặc sắc Thương nhớ mười hai (Nguyễn Đình Vượng xuất bản, Sài Gòn 1972, Nxb Văn học Hà Nội, tái bản 1993) tôi lại nhớ đến hai câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ:
Từ thuở mang gươm đi mở cõi
Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long.
Tập sách gồm 14 phần, ngoài phần Tự ngôn mở đầu và phần viết về Tết, Hỡi cô mặc cái yếm xanh kết thúc tập sách, 12 phần còn lại viết về 12 tháng âm lịch ở miền Bắc mà chủ yếu là ở Hà Nội. Mỗi phần một chủ đề, nêu bật nét đặc trưng của từng tháng: Tháng Giêng, mơ về trăng non rét ngọt; Tháng Hai tương tư hoa đào; Tháng Ba rét nàng Bân; Tháng Tư mơ đi tắm suối Mường; Tháng Năm nhớ nhót, mận, rượu nếp và lá móng; Tháng Sáu, thèm nhãn Hưng Yên; Tháng Bảy, ngày rằm xá tội vong nhân; Tháng Tám, ngô đồng nhất diệp lạc, thiên hạ cộng tri thu; Tháng Chín gạo mới chim ngói; Tháng Mười, gió bấc mưa phùn; Tháng Mười một, thương về những ngày nhễ bọng con rận rồng; Tháng Chạp nhớ ơi chợ Tết...
Đọc từng trang văn, tôi hình dung ra một dáng người hư hao trong hơn mười năm ròng (từ 1960-1971) ngồi da diết nhớ, da diết thương, đêm đêm ghi chép lại ký ức của mình về những phong tục tập quán, ấm áp tình người, vẻ đẹp nên thơ của thành quách xưa, những cảm nhận tinh tế về sự chuyển mùa, thời tiết, gió mây, cỏ cây hoa lá.
Đó còn là thời gian của văn hóa ẩm thực, mỗi tháng có một thức ăn, một món quà quê bình dị chỉ một lần nếm qua là cả đời thương nhớ. Đó còn là những thú chơi trang nhã trong những ngày lễ, ngày Tết, những ngày hội làm say lòng người. Bởi nó không dừng lại ở những cảm xúc khi ăn, khi chơi mà hun đúc từ bề dày văn hóa mấy nghìn năm cổ truyền của dân tộc được chắt chiu qua từng bước đi của thời gian, kết tủa vào không gian, vào máu thịt của mỗi con người. “Tất cả được thể hiện qua nỗi nhớ, một nỗi nhớ đến ứa máu, tràn lệ của một con người yêu đến quay quắt nơi chôn rau cắt rốn của mình” (Vũ Thanh, Từ điển văn học, Bộ mới, Nxb Thế Giới, 2004).
Thương nhớ mười hai là nơi thể hiện rõ nhất giọng điệu văn chương đầy sắc thái biểu cảm, vừa tài hoa, tinh tế, trùng điệp các lớp ngôn từ, vừa thể hiện sức miêu tả kỹ lưỡng và chính xác những ấn tượng, những cảm xúc của các giác quan vật chất và không vật chất của con người. Nhưng có lẽ, sự chân thành và cảm động mà tác giả đã thể hiện mới có sức lay động tâm hồn nhiều thế hệ người đọc cho đến hôm nay. Việc ấy, được thể hiện qua tình cảm nhớ thương da diết đối với một nhân vật trung tâm xuyên suốt tác phẩm, đó là nhân vật Quỳ, người vợ tào khang, người mà lúc ông chia tay lên đường vào Nam nhận nhiệm vụ mới, tưởng sẽ xa cách một thời gian ngắn, nào ngờ mãi mãi biệt ly. Bà không chỉ sừng sững giữa tâm hồn nhà văn qua bao thời gian năm tháng, mà còn là biểu tượng cho tâm hồn Việt, nền văn hóa Việt cổ truyền, của tình nghĩa chồng vợ, một tấm lòng nhân hậu và tình yêu lớn lao. Bà còn là biểu tượng của người phụ nữ Việt lam lũ, khéo tay hay làm, suốt đời hy sinh vì chồng con, vì sự nghiệp lớn của đất nước với khát vọng sum họp và ước nguyện không hề chia cắt hai miền.
Đằng sau niềm thương nỗi nhớ, tập sách còn là một ẩn dụ nghệ thuật đặc sắc chứa đầy ăm ắp những tình cảm nồng nàn chưa được phép nói nên lời trong không khí văn chương báo chí vùng tạm chiếm thời ấy. Điều cần nói là, trước và sau khi đất nước thống nhất, và ngay cả đến ngày Vũ Bằng nhắm mắt xuôi tay (7-4-1984 tại TP. Hồ Chí Minh) mọi người vẫn nghĩ ông là người bỏ vợ con, đồng đội, kháng chiến, chạy theo địch, ít được ai quan tâm đến. Mãi 16 năm sau khi ông qua đời, cho đến năm 2000 mới có Giấy xác nhận của Tổng cục II - Bộ Quốc phòng (ngày 1-3-2000) xác nhận ông là chiến sĩ tình báo cách mạng hoạt động suốt từ năm 1952 đến 30-4-1975 và được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng ba.
Thật khó mà hình dung trong gần 10 năm sau chiến tranh, ông đã sống lặng lẽ cam chịu với một tâm trạng nặng nề như thế nào. Trong khi đó, chỉ cần đọc lại Thương nhớ mười hai và Miếng ngon Hà Nội, cũng khẳng định được tấm lòng của người yêu nước như thế nào - một thứ vàng ròng không dễ phôi phai.
Phạm Phú Hưng