PAN đứng vững sau khủng hoảng tài chính toàn cầu
Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, mặc dù kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn nhưng nông nghiệp vẫn là Ngành giữ được tốc độ tăng trưởng tương đối ổn định, bảo đảm cân bằng cho nền kinh tế. Việt Nam hiện nay đã có 10 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, bao gồm: gạo, cà phê, cao su, điều, tiêu, sắn, rau quả, tôm, cá tra, lâm sản. Trong khi, các ngành kinh tế khác còn bị tác động bởi suy thoái kinh tế, ngành Nông nghiệp đã vượt qua nhiều khó khăn, đạt kết quả khá toàn diện, tăng trưởng với tốc độ khá cao. Và một trong những doanh nghiệp nổi bật, đáng chú ý chính là Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN (The PAN Group)
Theo báo cáo trình bày tại Đại hội cổ đông, năm 2017, PAN Group đạt doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 4.075 tỉ đồng và 503 tỉ đồng, tăng lần lượt 48% và 50% so với cùng kỳ năm 2016. Cũng trong năm 2017, bên cạnh hoạt động tái cấu trúc lại các mảng kinh doanh cốt lõi, hoàn thiện hệ thống nền tảng nông nghiệp và thực phẩm, PAN tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động M&A thông qua việc mua lại và gia tăng sở hữu tại các công ty thực phẩm có nền tảng kinh doanh tốt và bền vững. Đồng thời, Tập đoàn thực hiện đầu tư, phát triển các dự án sản xuất kinh doanh mới trên cơ sở tận dụng tối đa các cơ hội phát triển kinh doanh và các nguồn lực sẵn có.
PAN Group cũng đặt mục tiêu trở thành tập đoàn hàng đầu về nông nghiệp và thực phẩm, đạt doanh số 20.000 tỉ đồng, lợi nhuận trên 2.000 tỉ, vốn hoá 1 tỉ đô la Mỹ trước năm 2022.
PAN Group cũng thông qua phương án phát hành 2,5 triệu cổ phiếu ESOP cho CBCNV công ty bao gồm các Thành viên HĐQT, nhân sự chủ chốt của PAN và các công ty con, công ty liên kết với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu. Mục đích phát hành nhằm bổ sung vốn lưu động, thu hút nhân sự có trình độ và tăng tính gắn bó của các cán bộ nhân viên chủ chốt của công ty.
Đến gần hơn với lợi ích người tiêu dùng về thực phẩm sạch, cổ phiếu PAN Group bất ngờ “lên đời”
Với nguyên tắc: đầu tư từ gốc (cụ thể là sản xuất giống chất lượng cao), từng bước phát triển vùng nguyên liệu, kiểm soát tốt, chú trọng vào chất lượng, không chạy theo sản lượng và cuối cùng là bán những thứ người ta khao khát, bán “những câu chuyện” để có biên lợi nhuận cao nhất, PAN Group đang từng bước hoàn thành mục tiêu: Tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm của Việt Nam và khu vực châu Á.
Điều đáng ghi nhận tại Pan Group chính là theo đuổi chính sách nhất quán: Lấy tăng trưởng kinh tế để lớn mạnh, và định hướng phát triển bền vững để trường tồn. Dựa theo Kế hoạch Phát triển bền vững, những người đứng đầu PAN Group cam kết đảm bảo sự hài hòa giữa các yếu tố về kinh tế, xã hội và môi trường trên cơ sở tuân thủ các quy định luật pháp hiện hành, nghiêm túc tuân thủ các các hướng dẫn và tiêu chuẩn quốc tế.
Theo báo cáo Công ty chứng khoán HSC vừa công bố, HSC đã nâng đánh giá cổ phiếu PAN từ mức Kém khả quan lên Nắm giữ. Cụ thể, HSC đã điều chỉnh tăng định giá PE theo giá trị hợp lý từ 19 lần lên 23 lần nhằm phản ánh tiềm năng tăng trưởng của Tập đoàn. Theo đó, HSC đã nâng đánh giá của PAN từ Kém khả quan lên Nắm giữ dựa trên ước tính giá trị hợp lý cao hơn là 70.486 đồng/CP.
Lý do điều chỉnh tăng P/E dự phóng được cho là HSC đánh giá PAN Group kiên định và quyết liệt trong kế hoạch tăng trưởng, mở rộng giá trị. Đặc biệt, với ưu điểm cung cấp sản phẩm sạch, an toàn và có thể truy xuất nguồn gốc mà PAN đang hướng đến, giúp PAN gần hơn với đối tượng khách hàng ngày càng chú trọng vấn đề an toàn thực phẩm.
M&A các thương vụ tỷ đô - vũ khí lợi hại nhất của PAN Group
Theo các chuyên gia kinh tế, một trong những chiến lược được đánh giá là đột phá, khác biệt của PAN Group là M&A. Bởi đây được xem là cách để PAN Group tạo nền tảng về con người vận hành, hút được những người đứng đầu có cùng mô hình kinh doanh và cùng nhau thực hiện “giấc mơ chung”.
Đặc biệt, PAN Group không hướng đến các công ty đơn thuần chỉ ở dạng tiềm năng, mà phải là các doanh nghiệp lớn, uy tín, khiến mỗi bước đi của tập đoàn này luôn gây bất ngờ, và được nhắc đến bằng cái tên: Thương vụ tỷ đô.
Khi mua một doanh nghiệp, The PAN Group sẽ hỗ trợ các công ty thành viên các mặt về truyền thông, marketing hay pháp lý, những phần mà trước đó, doanh nghiệp không đủ nguồn lực để quan tâm vì phải chú tâm vào sản xuất. Cụ thể, PAN Group sẽ hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty thành viên thông qua: áp dụng công nghệ hiện đại để nâng cao năng suất, giảm giá thành sản phẩm, thay đổi danh mục sản phẩm theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm có tỷ suất lợi nhuận cao; và/hoặc cắt giảm chi phí bán hàng & quản lý. Điểm khác biệt của PAN so với nhiều doanh nghiệp khác đó là sau mỗi thương vụ M&A, PAN giữ lại ban điều hành hiện hữu của các công ty được mua lại đồng thời cử đại diện vào HĐQT và/hoặc Ban Kiểm soát. Cách làm này giúp PAN xây dựng được sự cân bằng hợp lý và từ đó có thể quản lý tốt toàn bộ tập đoàn mà không phải tham gia quá sát sao vào hoạt động hàng ngày của các công ty con. Với mô hình M&A này, tính đến thời điểm hiện nay, PAN Group tự tin công bố 100% các thương vụ mua bán đều thành công.
Sau nhiều năm M&A, hiện tại, PAN đã xây dựng được cho mình những lĩnh vực cốt lõi như canh tác nông nghiệp, thực phẩm, thực phẩm tiện dụng. Cụ thể:
Trong lĩnh vực canh tác nông nghiệp, PAN có CTCP Giống cây trồng Trung ương (NSC), CTCP Giống cây trồng Miền Nam (SSC), CTCP Giống cây trồng Hà Tây và CTCP Giống cây trồng Quảng Nam. Những công ty này đều là doanh nghiệp đầu ngành giống cây trồng. Tốc độ tăng trưởng cao, đặc biệt như NSC tăng trưởng với tốc độ gộp bình quân năm là 23,7%. Ngoài ra, PAN sở hữu CTCP Salad Bowl (PSB) là doanh nghiệp trồng và xuất khẩu hoa trên diện tích nhà kính 8ha. PSB giao khoán cho nông dân trồng hoa tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. PAN Salad Bowl nhắm tới thị trường hoa cao cấp với giá bán khá cao. Hiện nay PSB đang xuất khẩu hoa sang thị trường Nhật Bản hàng tuần.
Trong lĩnh vực thực phẩm, PAN sở hữu 3 doanh nghiệp cung cấp Thực phẩm tiêu dùng hàng ngày gồm Aquatex Bến Tre (ABT) là nhà cung cấp ngao lớn nhất tại Việt Nam; FMC là doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn thứ 3 tại Việt Nam và CTCP Thủy sản 584 Nha Trang là doanh nghiệp nổi tiếng về sản xuất nước mắm truyền thống.
Trong mảng thực phẩm tiện dụng, PAN hiện đã sở hữu chi phối các doanh nghiệp như Lafoco (LAF) là doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều lớn nhất Việt Nam; Bibica (BBC) là doanh nghiệp bánh kẹo quy mô trung bình với 8% thị phần thị trường bánh kẹo và 130.000 điểm bán hàng; CTCP Chế biến thực phẩm PAN, có nhà máy tại Long An với vốn đầu tư cho đến nay là 430 tỷ đồng. Nhà máy này đã đi vào hoạt động được vài tháng và đã đưa một số sản phẩm mới ra thị trường như bánh quy Bon Ami và bánh kem sữa tươi Rosio.
Chưa dừng lại ở quy mô trên, PAN sẽ tiếp tục xem xét khả năng thực hiện các thương vụ M&A mới hoặc tăng sở hữu tại các doanh nghiệp hiện tại để tăng danh mục sản phẩm. Mục tiêu lớn của PAN là hoàn thiện được chuỗi giá trị Nông trại – Thực phẩm – Gia đình.
Được biết, trong năm 2018, Tập đoàn PAN (PAN Group) tiếp tục gây tiếng vang khi chứng tỏ sức mạnh của “kẻ khổng lồ” khi chấp nhận chi 1.000 tỉ đồng để thực hiện mua bán sáp nhập (M&A) nhằm hoàn chỉnh hệ sinh thái, chuỗi giá trị của mình trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm. Tuy tên các công ty đang được PAN Group nhắm đến chưa được công bố nhưng sẽ là những công ty liên quan đến sản xuất hoặc có hệ thống phân phối để lấp vào các chỗ trống trong chuỗi giá trị từ giống đến bàn ăn của người tiêu dùng mà PAN Group đang theo đuổi.