Trong cuộc gặp gỡ đầu năm 2009 với ngành TDTT thành phố, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh không đắn đo khi quyết định chỉ đạo chính quyền và ngành chức năng thống nhất hỗ trợ bằng phụ cấp cho những HLV, VĐV đạt thành tích xuất sắc, nhằm góp phần giải quyết những khó khăn trong cuộc sống, sinh hoạt...
|
Bể bơi Thành tích cao đang được nâng cấp, cải tạo, các “kình ngư” có điều kiện tập luyện, nâng cao hơn nữa thành tích thi đấu. |
Sau đó, UBND thành phố cũng đã ban hành quy định về chế độ tiền thưởng, tiền công áp dụng đối với HLV, VĐV thể thao thuộc thành phố Đà Nẵng. Giám đốc Trung tâm HL-ĐT VĐV Đặng Đông Hải thừa nhận:
- Để thu hút nhân tài, ngoài những quan tâm đáng kể của lãnh đạo thành phố và ngành TDTT, các chế độ như tiền công, tiền ăn hay tiền thưởng của Thể thao Đà Nẵng thuộc loại cao nhất nước. Đồng thời, thành phố còn có các chính sách khen thưởng cho các VĐV đoạt huy chương tại giải VĐQG của VĐV trong suốt năm...
Chỉ một ví dụ đó cũng đủ để thấy được sự quan tâm đến mức cao nhất trong khả năng có thể mà các cấp lãnh đạo của thành phố dành cho ngành TDTT thành phố!
Hay như trong thời buổi “tấc đất, tấc vàng”, không bỗng dưng để ngành TDTT được sở hữu Làng VĐV và khu tập luyện bóng đá Đà Nẵng rộng gần 8 ha, hay khu Thể thao thành tích cao sát bên rộng 7 ha, đều nằm ở khu đô thị mới Tuyên Sơn - Hòa Cường, trục đường nối trung tâm thành phố với khu nghỉ mát Furama.
Gần đây nhất, ngoài việc tranh thủ được kinh phí Trung ương để xây dựng Nhà Thi đấu TDTT hiện đại bậc nhất Đông Nam Á, thành phố đã quan tâm đầu tư để ngành TDTT cải tạo sân vận động Chi Lăng, nâng cấp đường piste; nâng cấp, cải tạo và lợp mái Bể bơi thành tích cao; xây dựng Hồ Đua thuyền Canoeing, Rowing tại khu Đồng Xanh - Đồng Nghệ (Hòa Khương, Hòa Vang)…
Nói về sự quan tâm đầu tư cho công tác TDTT của thành phố, Phó Giám đốc Thường trực Sở VH-TT&DL Lê Nguyên Hồng cho biết:
- Gần như toàn bộ yêu cầu của ngành TDTT - từ xây dựng, tuyển mộ lực lượng cho đến đầu tư cơ sở vật chất, trang - thiết bị phục vụ tập luyện, thi đấu hay chính sách đãi ngộ nhân tài - đều được lãnh đạo thành phố chấp thuận. Qua đó, đã đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành, đặc biệt trong giai đoạn 2006-2010 vừa qua. Và, sự đầu tư ban đầu đã mang lại quả ngọt.
Bằng thành tích huy chương tại các giải thi đấu trong nước và quốc tế của các đội tuyển, các VĐV đã tăng tiến sau mỗi mùa thi đấu. Nổi bật trong số đó, các VĐV Đà Nẵng đã mạnh dạn hướng đến mục tiêu tại các giải thể thao quốc tế với thành tích được cải thiện đáng kể. Trong đó, Hoàng Anh Tuấn (HCB Olympic Bắc Kinh 2008), Lê Thị Hồng Ngoan (HCV SEA Games 2009), Hoàng Quý Phước (HCĐ SEA Games 2009)... đã góp phần quan trọng tạo dựng nên “thương hiệu” cho Thể thao Đà Nẵng.
Những đóng góp của ngành TDTT thành phố đã được ghi nhận như đánh giá của Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh tại buổi lễ xuất quân của Đoàn Thể thao Đà Nẵng tham gia thi đấu tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (2010):
- Thành tích của Thể thao Đà Nẵng không chỉ đơn thuần có ý nghĩa về mặt thể thao mà còn góp phần quảng bá thương hiệu, hình ảnh của Đà Nẵng với bạn bè trong nước và quốc tế. Việc Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (2010) được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng vừa là thuận lợi nhưng cũng tạo ra một áp lực không nhỏ cho cán bộ, HLV, VĐV của ngành TDTT.
Không chỉ hoàn thành chỉ tiêu xếp trong 7 đơn vị dẫn đầu giải, Đà Nẵng còn phải cố gắng rất lớn để góp phần vào thành công chung của giải và cần tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè trong nước và quốc tế với tinh thần thể thao chân chính. Qua đó, thành phố Đà Nẵng mới thể hiện đúng tầm vóc của mình khi hoàn thành trọng trách trong điều kiện không hoàn toàn thuận lợi.
Đến lúc này, Thể thao Đà Nẵng đã có một chặng khởi đầu mỹ mãn với sự tăng tiến đầy lạc quan. Đó là kết quả từ nỗ lực của cán bộ, HLV, VĐV thể thao Đà Nẵng. Nhưng trên tất cả, vẫn là thái độ và sự quan tâm đầy trách nhiệm của lãnh đạo Đảng và chính quyền thành phố dành cho ngành TDTT.
Bài và ảnh: NGUYÊN AN