Thêm lựa chọn cho người dân khi chứng thực chữ ký người dịch?

Trước bối cảnh quỹ biên chế của các phòng Tư pháp quá hạn hẹp trong khi khi việc xã hội hóa công chứng lại đang thực hiện rất mạnh mẽ như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng nên để cho người dân có quyền lựa chọn giữa cơ quan hành chính hoặc tổ chức hành nghề công chứng khi yêu cầu chứng thực chữ ký người dịch.

Trước bối cảnh quỹ biên chế của các phòng Tư pháp quá hạn hẹp trong khi khi việc xã hội hóa công chứng lại đang thực hiện rất mạnh mẽ như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng nên để cho người dân có quyền lựa chọn giữa cơ quan hành chính hoặc tổ chức hành nghề công chứng khi yêu cầu chứng thực chữ ký người dịch.

Hướng dẫn người dân làm thủ tục công chứng tại Phòng công chứng số 1 Hải Dương
Hướng dẫn người dân làm thủ tục công chứng tại Phòng công chứng số 1 Hải Dương

Dân vất vả, tư pháp cũng kêu

Theo quy định của Nghị định 04/CP (sửa đổi Nghị định 79/CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký) thì phòng Tư pháp có thẩm quyền "chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài và giấy tờ, văn bản song ngữ".

Quy định nói trên so với Nghị định 79/CP là đã tăng thêm thẩm quyền cho phòng Tư pháp, người dân đỡ phải lặn lội "lên huyện, huyện chỉ xuống xã, xuống xã, xã chỉ lên huyện". Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phan Hồng Sơn thì cái khó hiện chưa có quy định thế nào là văn bản tiếng nước ngoài. "Trong 1 văn bản mấy trang tiếng Việt, chỉ có mỗi tên công ty là tiếng nước ngoài, vậy mà cứ bắt dân lên tận quận để chứng thực thì quận làm ngập đầu, không xuể!"- ông Sơn nói và cho rằng, quan trọng là việc hướng dẫn vấn đề này để cơ sở dễ nhận biết việc nào đến quận, việc nào đến phường, tránh hiện tượng đùn đẩy, làm khó cho dân.

Không riêng vấn đề thẩm quyền, cái khó của các phòng Tư pháp hiện nay là nhân lực quá mỏng, trong khi công việc quá nhiều. Hiện nay, ngoài các quận huyện của các thành phố trực thuộc trung ương, biên chế có thể 8-10 người, còn lại nhiều phòng Tư pháp chỉ có 3-4 cán bộ. Mặt khác các cán bộ tư pháp phần lớn không phải là dân ngoại ngữ, chỉ chứng thực chữ ký mà không biết nội dung bản dịch đó là gì (đành rằng đó là việc chứng thực chữ ký, còn nội dung do người dịch chịu trách nhiệm) nhưng cũng gây không ít phiền toái nếu có tranh chấp. Đây là thực tế chung ở nhiều địa phương trong cả nước.

Trong khi đó, hiện nay sau 5 năm thi hành Luật Công chứng, với việc cho phép lập thêm các văn phòng công chứng, cả nước hiện đã có gần 700 tổ chức hành nghề công chứng với trên 1 ngàn công chứng viên. Nhiều ý kiến cho rằng nên cho người dân thêm cơ hội lựa chọn giữa tổ chức hành nghề công chứng và UBND.

Nên mở rộng quyền cho công chứng?

Công chứng viên Nguyễn Thanh Tú, Trưởng Văn phòng Công chứng Nguyễn Tú (Hà Nội) phân tích: Nói chỉ chứng thực chữ ký người dịch mà không chứng nhận nội dung nhưng thực ra công chứng viên đủ năng lực làm việc đó. Bởi lẽ, các văn phòng công chứng có các chuyên gia ngoại ngữ làm việc theo chế độ hưởng lương. Hồ sơ đầu vào của bản dịch cũng được công chứng viên họ kiểm tra , giống như việc kiểm tra tính thật giả của các hợp đồng, giao dịch.

Trước phản ánh của một số người dân về việc giấy tờ có chứng thực chữ ký của cơ quan hành chính đem ra nước ngoài không được chấp nhận, ông Tú cho hay, thực tế văn phòng công chứng của ông đã từng tiếp nhận nhiều yêu cầu, thậm chí là cả những công dân nước ngoài. Vì theo thông lệ, ở nước ngoài, việc chứng thực chữ ký người dịch được thực hiện bằng các phiên dịch viên có tuyên thệ và do các công chứng viên được bổ nhiệm chứng thực.

"Chỉ đơn giản là ngay trong “phom” mẫu của giấy tờ học tập phía nước bạn cũng yêu cầu phải có công chứng (chứ không phải chứng thực của chính quyền). Như vậy thì rất khó cho người dân vì khi không được chấp nhận họ phải tìm đến các sứ quán. Nhưng sứ quán thì chỉ làm những việc vĩ mô, mà chi phí phải trả cũng rất lớn". Ông Tú nói và đề nghị nên để cho người dân thêm quyền lựa chọn giữa cơ quan hành chính và tổ chức hành nghề công chứng.

Đồng tình, luật sư Nguyễn Văn Hà, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng nên giữ nguyên thẩm quyền chứng thực bản sao của phòng Tư pháp và UBND xã, phường, đồng thời mở rộng thẩm quyền cho các tổ chức hành nghề công chứng. Hiện, hầu hết bằng tốt nghiệp đại học đều có cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh, và người chứng thực đều chỉ chứng thực bản sao đúng với bản chính, chứ không chứng thực về nội dung. Nếu giao cho họ thêm thẩm quyền này, thì sẽ giảm tải được cho các cán bộ tư pháp.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở Tư pháp Yên Bái Trần Quang Vinh thì tỏ ra rất cẩn trọng "vấn đề không phải là giảm tải mà việc giao cho công chứng là không đúng chức năng nhiệm vụ, vì công chứng chỉ xác nhận tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch. Hơn nữa việc này trước đây đã cân nhắc tính toán rất kỹ, khi ban hành Luật Công chứng và Nghị định 79/CP mới giao việc này cho cấp quận, huyện."

Luật Công chứng đang được sửa đổi, Luật Chứng thực cũng đang được xây dựng, nhiều ý kiến đề nghị cần xem xét lại về thẩm quyền chứng thực chữ ký người dịch sao cho thuận lợi nhất cho dân và phù hợp với các thông lệ quốc tế.

Nhóm luật sư tham gia rà soát thủ tục hành chính trong lĩnh vực chứng thực tại Hà Nội cho rằng, việc giao thẩm quyền cho phòng Tư pháp làm cơ quan duy nhất thực hiện chứng thực bản sao từ bản chính có tiếng nước ngoài là không hợp lý, và gây khó khăn, phiền hà cho tổ chức, cá nhân, tạo áp lực công việc cho phòng Tư pháp và hạn chế quyền lựa chọn của người dân khi có yêu cầu công chứng, chứng thực. 

Bình An

Đọc thêm