Thêm nhiều điều cấm trong giao thông đường thủy nội địa

Cho ý kiến vào Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của dự án Luật Giao thông đường thủy nội địa (GTĐTNĐ), hôm qua, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, quan trọng nhất là luật sửa đổi phải có những quy định thật nghiêm để hạn chế tình hình tai nạn GTĐTNĐ đang trở nên rất đáng báo động hiện nay.

[links()]Cho ý kiến vào Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của dự án Luật Giao thông đường thủy nội địa (GTĐTNĐ), hôm qua, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, quan trọng nhất là luật sửa đổi phải có những quy định thật nghiêm để hạn chế tình hình tai nạn GTĐTNĐ đang trở nên rất đáng báo động hiện nay.

Ảnh minh họa

Phổ biến tình trạng chở quá số người cho phép

Tổng kết 8 năm thi hành Luật GTĐTNĐ, Bộ Giao thông vận tải cho biết, từ năm 2005 đến năm 2012 cả nước đã xảy ra 1.611 vụ tai nạn GTĐTNĐ, làm chết 1.263 người, làm bị thương 187 người, chìm đắm 1.459 phương tiện; ước tính thiệt hại về tài sản khoảng 162 tỷ đồng.

So với những năm trước khi Luật GTĐTNĐ năm 2004 có hiệu lực thi hành, số vụ tai nạn và thiệt hại do tai nạn gây ra giảm đáng kể. Thống kê số liệu tai nạn trong 4 năm khi chưa có Luật, từ năm 2001 đến năm 2004, tai nạn giao thông đường thuỷ nội địa đã xảy ra 1.418 vụ, làm chết 1.006 người.

Qua tổng hợp, phân tích tai nạn giao thông đường thủy nội địa, nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông chủ yếu là do yếu tố chủ quan, chiếm tỷ lệ 76%, đó là ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn kém, kỹ năng xử lý tình huống của người điều khiển phương tiện chưa cao.

Trong đó, đáng kể nhất là tình trạng chở quá số người được phép chở trên phương tiện là nguyên nhân trực tiếp của nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tai nạn giao thông đường thuỷ nội địa nhiều năm gần đây, đặc biệt sau năm 2005 là năm Luật GTĐTNĐ năm 2004 có hiệu lực thi hành đã giảm nhiều, song Bộ GTVT thừa nhận “số vụ tai nạn nghiêm trọng vẫn còn chiếm tỷ lệ cao”.

Dự thảo Luật sửa đổi Luật GTĐTNĐ đã bổ sung 36 điều, trong đó, đáng lưu ý, để bảo đảm an toàn cho hoạt động GTĐTNĐ, dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về hành vi bị nghiêm cấm khi làm việc trên phương tiện mà máu có nồng độ cồn hoặc khí thở vượt quá quy định theo hướng giảm chỉ số nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở.

Hiện nay, Luật GTĐTNĐ đã quy định nhưng các chỉ số theo quy định hiện hành là quá cao. Đồng thời Luật cũng giưới hạn độ tuổi của người lái phương tiện theo hướng không quá 55 tuổi đối với nữ, 60 tuổi đối với nam. Tuy nhiên, Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường đề nghị bỏ quy định này vì trên thực tế có những người trên 60 tuổi vẫn khỏe mạnh và đủ khả năng để lái những phương tiện nhỏ của gia đình như vỏ, ghe... do đó, không cần giới hạn độ tuổi đối với trường hợp này.

Ngoài ra, dự thảo Luật sửa đổi một số quy định về điều kiện hoạt động của phương tiện theo hướng đảm bảo an toàn hơn cho các hoạt động trên đường thủy.

Bỏ đăng ký đối với 300 ngàn phương tiện

Có một thực tế là sau 8 năm thực hiện, loại phương tiện cần đăng ký chỉ đạt 34% và số phương tiện phải đăng kiểm chỉ đạt 61%. Một trong những nguyên nhân là do quy định về đăng ký, đăng kiểm chưa phù hợp với thực tế cuộc sống của người dân, đặc biệt là đối với dân cư ở Đồng bằng sông Cửu Long, nơi phương tiện thủy là phổ biến.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng thừa nhận “tỷ lệ đăng ký nói trên là thấp, đặc biệt đối với những phương tiện chở dưới 5 người hầu như không đăng ký được”. Do đó, theo đề xuất sẽ bỏ quy định về đăng ký cho các phương tiện này (hiện có khoảng 300 ngàn chiếc). Theo Bộ trưởng GTVT, dù đưa ra khỏi đối tượng phải đăng ký nhưng sẽ giao cho chính quyền địa phương quản lý chặt các phương tiện này để bảo đảm sự an toàn.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai vẫn băn khoăn: “Loại các phương tiện nhỏ ra nhưng làm thế nào để bảo đảm sự an toàn. Cần quy định ngay trong dự thảo mà không phải giao cho Bộ trưởng hoặc cho địa phương”.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cũng tỏ rõ sự quan ngại về sự mất an toàn của “những chuyến đò ngang”: “Cần phải quy định chặt chẽ về điều kiện hoạt động của đò ngang chứ không cứ mở ra để thu tiền về cho ngân sách xã là rất nguy hiểm”.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc K’Sor Phước cũng chưa yên tâm về những quy định của dự luật: “Phải xem sửa đổi lần này để khắc phục những tồn tại kéo dài hàng chục năm nay, ví dụ như chuyện làm nhà trên kênh rạch, tình trạng thiếu an toàn trên các phương tiện thủy…” Quan trọng, theo ông K’ Sor Phước là phải nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người tham gia giao thông, có chế tài xử lý nghiêm nếu vi phạm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đặc biệt lưu ý: “Luật sửa đổi phải hết sức cụ thể, khả thi, tránh tình trạng lượng văn bản phải hướng dẫn quá đồ sộ như hiện nay mà vẫn chồng chéo, thiếu thốn”.

Bổ sung quy định về cứu nạn vào Dự thảo Luật

Thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ việc chìm tàu, gây thiệt hại lớn về người và vật chất, đồng thời, đã bộc lộ nhiều bất cập trong công tác cứu nạn, đặc biệt là sự phối hợp của các cơ quan QLNN, cơ quan cứu nạn, công an, quốc phòng. Bên cạnh việc cần nâng cao trách nhiệm quản lý tàu thuyền, cấp phép rời bến, bãi, trách nhiệm trong quản lý vận tải hành khách..., cần nâng cao ý thức của người dân khi tham gia GTĐTNĐ, tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, kiểm soát đối với phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là trong vận chuyển hành khách. Do đó, Thường trực Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội nhất trí bổ sung quy định về cứu nạn vào Dự thảo Luật.

Thu Hằng 

Đọc thêm