Theo dấu hành trình của “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam”

(PLVN) -  Ngày 15/9, Sở Văn hóa và Thể Thao tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức triển lãm trực tuyến “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam” trên trang thông tin điện tử của sở cùng các nền tảng số, mạng xã hội như Tiktok; Instagram, facebook, zalo và youtube... Triển lãm dự kiến diễn ra đến cuối năm 2021.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với áo dài the truyền thống trong ngày độc lập của dân tộc.

Triển lãm là nơi giới thiệu đến công chúng 15 clip được dày công sưu tầm, nghiên cứu với nhiều tư liệu quý giá. Mỗi clip là một câu chuyện bằng hình ảnh về “cuộc đời” thăng trầm của chiếc áo dài gắn với thăng trầm thế sự được hình thành, bảo tồn, phát triển qua nhiều góc nhìn khác nhau.

Vua Hàm Nghi mang áo ngũ thân.

Triển lãm khẳng định Huế đang trong quá trình trở thành kinh đô áo dài Việt, Huế còn là “chiếc nôi” nuôi dưỡng, phục hưng chiếc áo dài truyền thống từ đó tôn vinh các giá trị di sản văn hóa truyền thống đẹp vượt thời gian của dân tộc.

Nguyên chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế mang áo ngũ thân tiếp Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam.

Triển lãm có 4 chủ đề chính: Huế - Chiếc nôi của áo dài Việt Nam; Khởi nguyên áo dài Việt Nam (giới thiệu về sự ra đời của áo dài truyền thống từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát); áo dài trong dòng chảy văn hóa, lịch sử (diễn trình phát triển của áo dài từ hình thành đến hiện đại hay y phục hoàng cung); áo dài nam, nữ; áo dài Huế; áo dài ngũ thân; từ truyền thống tới Quốc phục.

Nghệ sĩ Huế mặc áo dài truyền thống.

“Triển lãm nhấn mạnh đặc điểm hành trình và nghiên cứu tìm kiếm nguồn gốc, đặc trưng của các loại áo dài từ truyền thống đến hiện đại; giới thiệu yếu tố riêng có để Huế trở thành Kinh đô áo dài Việt Nam. Hoạt động nhằm tôn vinh, quảng bá hình ảnh áo dài truyền thống được sở huy động từ những người yêu mến, từng có trải nghiệm về trang phục này trong dòng chảy văn hóa, lịch sử dân tộc gắn với các hoạt động nghi lễ, sinh hoạt lễ hội truyền thống cũng như hoạt động thường ngày của người Việt, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đề án “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam”, TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ.

Ngày hội áo dài Huế 2020.

Thông qua việc sử dụng linh hoạt, sáng tạo nền tảng số, mạng xã hội triển lãm vừa lan tỏa, thu hút sự tham gia, tương tác, tiếp cậnđông đảo công chúng vừa đồng thời đảm bảo mục tiêu phòng, chống dịch COVID-19.

Trước đó, tháng 9/2020, Huế đã tiên phong đưa áo dài truyền thống vào công sở thúc đẩy chiếc áo đã từng được xem là Quốc phục Việt được phục hưng trở lại cùng sự quan tâm của giới truyền thông và là xu hướng thời trang được ưa chuộng hiện nay.